Nội dung cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương

Bảo Hà |

Cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương sẽ diễn ra trong hai ngày 28-29/9 tại Nhà Trắng.

Nội dung cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Mỹ và các đảo quốc Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Cờ các đảo Thái Bình Dương tung bay trên quốc đảo Nauru. Ảnh: AP

Theo kênh truyền hình RT, trong một thông báo ngày 1/9, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Biden sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác an ninh, biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác với lãnh đạo các đảo Thái Bình Dương, cam kết đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

“Hội nghị thượng đỉnh sẽ chứng minh mối quan hệ đối tác sâu sắc và lâu dài của Mỹ với các quốc đảo Thái Bình Dương và khu vực Thái Bình Dương, được đúc kết và củng cố dựa trên lịch sử, giá trị chung. Cuộc họp sẽ thảo luận về mở rộng hợp tác giữa các nước về các vấn đề chính như biến đổi khí hậu, ứng phó với đại dịch, phục hồi kinh tế, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và thúc đẩy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, thông báo của Nhà Trắng đề cập.

Hiện vẫn chưa rõ liệu các đảo quốc Thái Bình Dương có tham dự cuộc họp hay không.

Thông báo của Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh Washington đang nỗ lực đẩy mạnh quan hệ với khu vực Thái Bình Dương. Hồi tháng 4, các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tới thăm Quần đảo Solomon, Fiji và Papua New Guinea. Tại đây, các quan chức Mỹ đưa ra loạt cam kết, trong đó bàn đến việc mở cửa lại đại sứ quán Mỹ ở Solomon và đưa ra các sáng kiến ​​tiên tiến về biến đổi khí hậu cũng như hệ thống chăm sóc sức khỏe ở ba quốc gia này.

Trước đây, Mỹ duy trì quan hệ ngoại giao với Solomon, Vanuatu và Papua New Guinea, thông qua một đại sứ quán duy nhất đặt tại thủ đô của Papua New Guinea, sau khi đóng cửa đại sứ quán ở Solomon vào năm 1993. Vanuatu chưa bao giờ có đại sứ quán Mỹ.

Hồi tháng 6, Mỹ đã cùng Anh, Australia, New Zealand và Nhật Bản khởi động sáng kiến ​​“Đối tác trong Thái Bình Dương Xanh”, nhằm mục đích tăng cường kết nối chặt chẽ hơn với các chính phủ Thái Bình Dương.

Những nỗ lực cải thiện quan hệ được triển khai sau khi Solomon và Trung Quốc ký kết một thỏa thuận an ninh và ngoại giao lớn vào tháng 4, khiến Nhà Trắng lo ngại về khả năng hiện diện quân sự lâu dài của Trung Quốc trong khu vực. Về phần mình, Bắc Kinh phủ nhận ý định như trên.

Gần đây, Quần đảo Solomon đã áp đặt lệnh cấm tạm thời đối với tất cả các tàu hải quân nước ngoài tìm cách cập cảng nước này sau khi một tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ yêu cầu được phép dừng lại và tiếp nhiên liệu nhưng không nhận được phản hồi từ chính quyền Solomon hôm 23/8. Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare cho biết quốc gia này đang chờ các thủ tục giao thức mới được thông qua, trong khi người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby bày tỏ Washington thất vọng về quyết định của chính phủ Solomon.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại