Nội chiến Myanmar kéo dài, Trung Quốc căng mình bảo vệ lợi ích: Bắt tay cả hai phía để khỏi mất tất cả

Hữu Hiển |

Bắc Kinh đang cố gắng tác động đến quỹ đạo của cuộc xung đột tại Myanmar trong khi vẫn giữ cho lợi ích chiến lược của mình tránh xa chiến sự.

Nội dung chính

  • Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào Myanmar: từ cảng biển, đường sắt đến dầu khí.
  • Trung Quốc cần một giải pháp chính trị để chấm dứt nội chiến Myanmar, nếu không mọi thứ họ đổ vào nước này đều lãng phí.

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào quốc gia láng giềng Myanmar trong nhiều năm qua, đặc biệt là vào cơ sở hạ tầng của nước này - từ cảng biển và đường sắt đến lĩnh vực dầu khí - ngay cả sau cuộc đảo chính quân sự làm rung chuyển Myanmar vào năm 2021.

Myanmar cũng đóng vai trò quan trọng trong tham vọng của Trung Quốc nhằm tiếp cận trực tiếp Ấn Độ Dương, khi Bắc Kinh tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các điểm nghẽn của Eo biển Malacca để nhập khẩu dầu.

Khi cuộc nội chiến kéo dài ở Myanmar giữa chính quyền quân sự cầm quyền và các nhóm dân tộc thiểu số có vũ trang ngày càng trở nên bạo lực và bất ổn, Bắc Kinh đã nổi lên như một bên trung gian hàng đầu, tìm cách thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình trong khi bảo vệ các lợi ích địa chiến lược và kinh tế của mình.

Trung Quốc có vị thế vững chắc để làm trung gian

Theo các nhà quan sát, không giống như những nỗ lực gần đây nhằm thúc đẩy hòa bình ở Trung Đông và Ukraine - nơi sự tham gia hạn chế của Trung Quốc phần lớn là "chiến lược và dài hạn", việc Bắc Kinh xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình ở Myanmar rõ ràng là do những lo ngại cấp bách về an ninh.

Yun Sun - giám đốc Chương trình Trung Quốc và đồng giám đốc Chương trình Đông Á tại Trung tâm Stimson ở Washington - cho biết, vai trò gia tăng của Bắc Kinh ở Myanmar phần lớn bắt nguồn từ việc nhóm nổi dậy trong tháng này chiếm giữ thị trấn Lashio, thủ phủ của bang Shan giáp biên giới với Trung Quốc, đánh dấu một trong những chiến thắng lớn nhất của lực lượng chống chính quyền quân sự kể từ cuộc đảo chính.

"[Đó] là một sự kiện mang tính bước ngoặt sẽ dẫn đến nhiều xung đột hơn. Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đối với cả quân đội [Myanmar] và nhóm nổi dậy hơn bất kỳ quốc gia nào khác, hoặc bất kỳ cuộc xung đột nào khác, vì vậy Trung Quốc đang ở vị thế vững chắc để làm trung gian", bà Yun nói. "Câu hỏi là làm thế nào."

SCMP đưa tin, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến Myanmar vào ngày 14/8, trở thành quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc gặp người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar Min Aung Hlaing kể từ cuộc đảo chính.

Liệu Trung Quốc có nguy cơ mất tất cả khi họ đóng vai trò cả hai bên trong cuộc nội chiến kéo dài ở Myanmar không? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, tại thủ đô Naypyidaw, vào ngày 14/8. Ảnh: AFP

Chuyến thăm Myanmar của ông Vương diễn ra sau cuộc gặp của đặc phái viên của Trung Quốc về Myanmar Đặng Tích Quân với người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar tại thủ đô Naypyidaw trước đó hai tuần và sự xuất hiện của tân Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Mã Gia vào giữa tháng này.

Sau đó, vào ngày 20/8, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gặp đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Myanmar Julie Bishop. Ông Vương nói với bà Bishop rằng, Trung Quốc ủng hộ Liên hợp quốc đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết vấn đề Myanmar bằng con đường chính trị. Chuyến thăm của bà Bishop diễn ra theo lời mời của Trung Quốc.

Chuyên gia Sun đến từ Trung tâm Stimson cho biết, những động thái gần đây của Trung Quốc, và đặc biệt là chuyến đi của ông Vương tới Myanmar, rõ ràng là nhằm mục đích "giúp ổn định tình hình và thể hiện sự ủng hộ của Trung Quốc đối với sự ổn định và hướng tới một cuộc bầu cử, mà Trung Quốc coi là lối thoát".

Theo bà Sun, hơn cả các dự án kinh tế, Trung Quốc không muốn một quốc gia có chiến sự bất ổn ở biên giới của mình, đặc biệt khi tình trạng hỗn loạn "đã tạo ra các mối đe dọa an ninh cho Trung Quốc như thông qua các trung tâm lừa đảo mạng ở miền bắc Myanmar".

Tuy nhiên, "hòa bình sẽ không dễ đạt được, đặc biệt là khi quân đội [Myanmar] từ chối thỏa hiệp", bà cảnh báo.

Một số dự án lớn do Trung Quốc tài trợ bị đe dọa

Amara Thiha - nhà nghiên cứu Myanmar tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo - cho biết, trọng tâm chính của Trung Quốc là bảo vệ các dự án đầu tư của nước này tại Myanmar, nhiều dự án trong số đó nằm ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột.

"Trung Quốc có các cơ chế bảo vệ các khoản đầu tư tại các khu vực xung đột, tuy nhiên Myanmar lại đặt ra những thách thức đặc biệt do gần biên giới Trung Quốc", Thiha cho biết.

Nhà nghiên cứu Myanmar Yin Yihang từ Viện nghiên cứu Taihe có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng mối đe dọa với Trung Quốc ở Myanmar không chỉ là lợi ích địa kinh tế to lớn của nước này mà còn là mối quan hệ của nước này với chính quyền quân sự trong bối cảnh có nhiều nghi ngờ về sự can thiệp của Bắc Kinh.

Theo SCMP, trước chuyến thăm Myanmar của Ngoại trưởng Trung Quốc, Bắc Kinh tỏ ra khó chịu rõ ràng trước những phát biểu công khai của Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing, trong đó ông cáo buộc các nguồn "nước ngoài" không xác định cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy.

Tướng Min Aung Hlaing ngụ ý rằng sự can thiệp của Trung Quốc đã dẫn đến thất bại của quân đội Myanmar, nhắm vào các nhóm nổi dậy nói tiếng Trung đóng vai trò chủ chốt trong việc đẩy chính quyền quân sự ra khỏi bang Shan.

"Tình hình hiện tại ở Myanmar khá nghiêm trọng và phức tạp, sau khi chính quyền quân sự để mất Lashio - trụ sở của bộ tư lệnh quân đội ở phía đông bắc, đặt ra thách thức lớn đối với động lực của quân đội và tính hợp pháp của chính quyền", Yin nói.

Theo SCMP, mặc dù vẫn chưa chính thức công nhận chính quyền quân sự tại Myanmar, nhưng Bắc Kinh đã từ chối lên án cuộc đảo chính khiến nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi bị lật đổ, và nước này vẫn là nhà cung cấp vũ khí chính cho quân đội Myanmar trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Kể từ khi giao tranh trên diện rộng tái diễn sau khi lệnh ngừng bắn do Trung Quốc làm trung gian vào tháng 1/2024 bị phá vỡ vào tháng 6, Bắc Kinh đã đẩy nhanh các nỗ lực hòa giải của mình bằng một loạt động thái ngoại giao trong những tuần gần đây nhằm đưa các bên tham chiến trở lại bàn đàm phán.

Trong chuyến thăm Myanmar, Ngoại trưởng Vương Nghị đã đưa ra một thông điệp hướng đến cả hai bên trong cuộc xung đột. Ông Vương kêu gọi tăng cường hợp tác để thực hiện một số dự án lớn do Trung Quốc tài trợ đang bị đe dọa bởi cuộc xung đột leo thang, đáng chú ý là hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar và dự án đường ống dẫn dầu và khí đốt.

Liệu Trung Quốc có nguy cơ mất tất cả khi họ đóng vai trò cả hai bên trong cuộc nội chiến kéo dài ở Myanmar không? - Ảnh 2.

Myanmar là một phần của dự án Đường sắt Trung Quốc - Lào, dự án này nhằm kết nối các nước Đông Nam Á với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) thông qua một loạt các tuyến đường sắt cao tốc. Ảnh: Bloomberg

Jason Tower - chuyên gia về Myanmar tại Viện Hòa bình Mỹ - cho biết, tuyên bố của Ngoại trưởng Vương về việc duy trì "hoạt động hiệu quả" của các đường ống xuyên biên giới đã nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng của Bắc Kinh về khả năng bảo vệ lợi ích và các dự án của Trung Quốc của chính quyền quân sự Myanmar.

Theo SCMP, các tỉnh phía tây nam của Trung Quốc đã trở nên phụ thuộc vào đường ống dẫn dầu và khí đốt đôi dài 800 km nối cảng biển nước sâu Kyaukphyu ở bang Rakhine (Myanmar) bị chiến tranh tàn phá với tỉnh Vân Nam, được ký kết thỏa thuận trong chuyến thăm Myanmar vào năm 2009 của ông Tập Cận Bình - khi đó là Phó Chủ tịch Trung Quốc - và đi vào hoạt động năm 2013.

"Trong năm qua, sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Myanmar và những tổn thất liên tiếp trên chiến trường dọc theo hành lang địa chiến lược mà dự án đường ống chạy qua đã gây ra những lo ngại lớn về an ninh cho Trung Quốc", Tower cho biết.

Theo Tower, chính quyền quân sự đã mất hơn 30.000 km2 lãnh thổ dọc theo hành lang thương mại quan trọng giữa Trung Quốc và Myanmar chỉ trong hơn một tháng từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8 năm nay.

Tiếp tục 'bắt tay' với cả hai phe ở Myanmar

Sau khi Lashio thất thủ, chuyên gia Jason Tower cho biết, cán cân quyền lực giữa nhóm nổi dậy và chính quyền quân sự đã "thay đổi đáng kể" theo hướng có lợi cho nhóm nổi dậy, nghĩa là Trung Quốc hiện cần dựa nhiều hơn vào các nhóm này để bảo vệ lợi ích của mình và đạt được sự ổn định.

"Những diễn biến này đã thúc đẩy Trung Quốc tham gia sâu hơn vào nỗ lực tác động đến quỹ đạo của cuộc xung đột và tăng áp lực lên các bên tham chiến để giữ cho lợi ích chiến lược của Trung Quốc không bị ảnh hưởng", Tower nói.

Zachary Abuza - chuyên gia về Đông Nam Á và là giáo sư tại Học viện Chiến tranh Quốc gia ở Washington - đồng ý rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc diễn ra vào "thời điểm rất nhạy cảm", khi quân đội Myanmar "đang suy yếu nghiêm trọng" trong khi các nhóm vũ trang kiểm soát gần như toàn bộ biên giới với Trung Quốc.

Theo ông Abuza, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục "bắt tay" với cả hai phe ở Myanmar bằng cách ủng hộ chính quyền quân sự đang gặp khó khăn, đồng thời cung cấp vũ khí cho nhóm nổi dậy để duy trì một số quyền kiểm soát và ảnh hưởng.

"Trung Quốc rất cần một giải pháp chính trị để chấm dứt nội chiến [ở Myanmar], nếu không mọi thứ họ đổ vào đất nước này đều lãng phí", Abuza nói.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại