Đối phó các mối đe dọa đến từ Trung Quốc và Triều Tiên sẽ là trọng tâm của chuyến thăm châu Á cấp bộ trưởng đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Một quan chức cấp cao giấu tên trong chính quyền Tổng thống Biden hôm 13-3 tiết lộ với Reuters rằng giới chức Mỹ đã thực hiện nhiều nỗ lực từ giữa tháng 2, kể cả thông qua phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc, để tiếp cận Bình Nhưỡng nhưng đến giờ vẫn chưa được hồi đáp. "Sự im lặng" kể trên cho thấy tầm quan trọng gia tăng của việc tham vấn các nước láng giềng Triều Tiên, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, để thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin lên kế hoạch thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong 4 ngày, bắt đầu từ 15-3. Theo AP, đây là một phần trong chiến lược gia tăng ảnh hưởng và trấn an đồng minh về vai trò của Mỹ ở châu Á, vốn bị sụt giảm phần nào sau 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Donald Trump với chính sách "Nước Mỹ trên hết".
Ngoài các cuộc thảo luận chính thức, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin dự kiến dự các cuộc gặp trực tuyến với giới phóng viên cùng những nhóm khác. Sau khi trấn an những người đồng cấp về cam kết của Mỹ đối với an ninh Nhật Bản và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin sẽ tập trung thảo luận về mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin Ảnh: PA
Trong một tuyên bố trước chuyến đi, Bộ trưởng Austin hôm 13-3 nhấn mạnh ông đến châu Á để thúc đẩy hợp tác quân sự với các đồng minh của Mỹ. "Chuyến đi cũng nhằm gia tăng các năng lực… để tạo ra khả năng răn đe đáng tin cậy đối với Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào muốn thách thức Mỹ" - ông chủ Lầu Năm Góc khẳng định, đồng thời lưu ý rằng trong lúc Mỹ tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, Trung Quốc đã hiện đại hóa quân đội với tốc độ cao.
Về phần mình, sau chuyến công du châu Á, Ngoại trưởng Blinken sẽ đến TP Anchorage, bang Alaska - Mỹ, vào ngày 18-3, để cùng Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị và Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì. Đây sẽ là các cuộc đàm phán ngoại giao trực tiếp đầu tiên giữa Washington và Bắc Kinh kể từ tháng 6-2020, khi Bộ trưởng Vương gặp gỡ cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo tại bang Hawaii - Mỹ.
Trong khi đó, báo Yomiuri hôm 14-3 đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide dự kiến trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp mặt Tổng thống Biden tại Nhà Trắng vào ngày 9-4. Thủ tướng Suga và ông chủ Nhà Trắng nhiều khả năng nhất trí cải thiện quan hệ đồng minh, cũng như tái khẳng định cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở".
Cũng theo báo Yomiuri, trong cuộc gặp 2+2 tại thủ đô Tokyo vào ngày 16-3, Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cùng Ngoại trưởng Blinken và Bộ trưởng Austin sẽ chỉ trích Trung Quốc vì điều họ mô tả là nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng biển Đông và biển Hoa Đông.
"Ngoại giao đã trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại. Chúng tôi đang làm việc để củng cố các mối quan hệ đồng minh" - ông Sung Kim, một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ ở châu Á, khẳng định.