Vào tháng 4/2014, anh Kim Sang-ho nhận được điện thoại từ một người bạn cũng làm nghề thợ lặn. Người này mong muốn anh có thể ghé tới khu vực bờ biển phía Nam trong thời gian sớm nhất có thể.
Hải quân Hàn Quốc đang tìm kiếm cứu nạn phà Sewol.
"Khi ấy, tôi vẫn đang dõi theo diễn biến của vụ lật phà Sewol trên các bản tin thời sự. Nhiều đội tìm kiếm cứu nạn phải làm việc thâu đêm suốt sáng để thu thập thi thể hơn 300 nạn nhân còn mắc kẹt trong chiếc phà định mệnh", anh Kim cho biết.
Do nhận thấy thợ lặn có chuyên môn tại hiện trường quá ít, anh Kim đã chấp nhận lời đề nghị từ người bạn thân thiết và lập tức lái xe tới khu vực xảy ra thảm họa.
"Phải mất khoảng 2 tháng để thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn. Mỗi ngày, tôi đều lặn xuống biển sâu, thâm nhập vào chiếc phà lật úp mà chẳng ngại nguy hiểm".
Gần 3 năm đã trôi qua, song người dân Hàn Quốc vẫn chưa hề nguôi ngoai trước thảm họa tồi tệ diễn ra trong thời bình.
Và những người thợ lặn như anh Kim cũng đang phải đối mặt với vô số tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần sau sự kiện kinh hoàng trên.
Anh Kim nói: "Điều tôi hối tiếc nhất là mình đã tới đó quá trễ. Tuy các nạn nhân không còn cơ hội sống sót nào, thế nhưng tôi vẫn quyết định lặn xuống để thâm nhập vào xác chiếc phà lật úp".
Cơn ác mộng sau vụ lật phà Sewol
Kim Sang-ho ngồi bên trong một nhà hàng nhỏ ở khu Gangnam.
Chiếc phà Sewol bị lật trong một khu vực có nhiều dòng nước ngầm chảy siết và nước biển đục gây cản trở tầm nhìn, vì thế mà công việc của đội thợ lặn càng thêm phức tạp hơn.
Anh Kim cùng đồng nghiệp phải làm việc cả ngày dưới lịch trình định sẵn, bao gồm 3 giờ lặn xen kẽ với 3 giờ nghỉ ngơi trên đất liền.
"Chúng tôi cố gắng chui qua khoảng trống còn nhỏ hơn bờ vai để có thể thâm nhập vào bên trong chiếc phà, sau đó bơi dọc theo hành lang dài hẹp nhằm tiếp cận nơi chứa thi thể của các nạn nhân xấu số".
Áp lực từ những lần lặn sâu cộng thêm việc tìm kiếm các thi thể bị ngâm nước lâu ngày khiến nhiều người chẳng thể nào ngủ ngon.
Cho tới tận bây giờ, cơn ác mộng về xác chết đang phân hủy dưới đáy biển, hay cảm giác phải tiếp xúc trực tiếp với tử thi vẫn thường xuyên tìm đến anh Kim.
Ngoài ra, kinh nghiệm lặn vào trong chiếc phà cũng khiến đội thợ lăn cảm thấy rất sợ hãi.
Do ống thở loại bền không mang đến sự linh hoạt cần thiết nên họ phải sử dụng các ống thở bằng nhựa mềm có thể bị vặn xoắn hoặc gãy gập bất cứ lúc nào. Điều này có thể gây tắc nghẽn nguồn cung cấp dưỡng khí khi thợ lặn ở dưới đáy biển sâu.
"Mặc dù có hơn 20 năm trong nghề, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy khá rùng mình mỗi khi nhắc tới kí ức cũ", anh Kim chia sẻ.
Những tình huống bất ngờ
Đội thợ lặn bất chấp nguy hiểm, nhảy xuống biển để tìm kiếm những nạn nhân xấu số.
Suốt hơn 20 năm làm nghề, anh Kim đã phải đối mặt với những thử thách rất khó khăn. Anh từng tham gia vào công tác tìm kiếm cứu nạn trong thảm hoạ chìm phà Seohae khiến 292 người tử nạn vào năm 1993.
Ngay năm sau, anh lại được điều tới khu vực sập cầu Seongsu gần thủ đô Seoul khiến 32 người thiệt mạng.
"Tất cả thảm hoạ trên không thể khiến tôi bị khuất phục, cho tới khi tôi tham gia cứu nạn trong vụ chìm phà Sewol", anh Kim khẳng định.
Bên cạnh nỗi ám ảnh về mặt tâm lý, việc công tác trong môi trường nguy hiểm như vậy cũng khiến anh bị chấn thương khá nặng ở vai và cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Cho tới nay, vết mổ vẫn chưa thể lành hẳn.
Hai năm qua, anh Kim thường lui tới những nhà hàng hay quán rượu tại khu Gangnam để ăn uống và trò chuyện với bạn bè.
Anh thường xuyên tìm đến rượu bia để quên đi nỗi băn khoăn đang ám ảnh nặng nề trong tâm trí của mình.
"Tôi dùng nó như một thứ thuốc an thần", anh Kim chỉ vào một chén rượu gạo makgeolli truyền thống.
Dẫu vậy, anh Kim vẫn luôn coi mình là một người thợ lặn thứ thiệt.
Anh quyết định xăm lên cánh tay trái dòng chữ: "Thợ lặn biển sâu cừ khôi nhất", hay thi thoảng lại nhắn tin rủ đồng nghiệp khác đi chơi để cùng nhau vượt qua nỗi thương tổn về tinh thần sau mỗi giờ làm việc.
"Chỉ có chúng tôi mới hiểu được trải nghiệm của nhau. Vì vậy, chúng tôi vẫn hay tụ tập ngoài quán xá nhằm xả stress và quên đi giây phút kinh hoàng trong quá khứ".
Giải thoát bằng cái chết
Biểu tình tại Hàn Quốc trong lễ tưởng niệm một năm xảy ra vụ chìm phà Sewol vào năm 2015.
Nhóm của anh Kim trở nên đặc biệt gần gũi từ tháng 6/2016 vừa qua, khi mà anh Kim Gwan-hong - một người thợ lặn 43 tuổi từng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn phà Sewol tự tử tại nhà riêng ở ngoại ô thủ đô Seoul.
Anh Kim Gwan-hong đã gặp phải tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần và không thể tiếp tục công việc thợ lặn của mình được nữa.
Vào tháng 11/2015, anh Kim Gwan-hong từng ra làm chứng trong một buổi điều trần của ủy ban điều tra vụ lật phà Sewol.
Anh chia sẻ, việc phải liên tục ôm xác nạn nhân đang thối rữa từ trong chiếc phà lên mặt nước đã khiến nhiều người cảm thấy rất hoảng sợ.
Họ chỉ muốn chính phủ hãy trợ giúp những khoản phí điều trị chấn thương về thân thể hoặc tư vấn tâm lý cho mình.
"Chúng tôi buộc phải làm công việc thuộc về trách nhiệm của chính phủ. Vì thế, họ nên đền bù trước hàng loạt tổn thất mà chúng tôi đang đối mặt", anh Kim Gwan-hong nhấn mạnh.
Một buổi lễ tưởng niệm nạn nhân tại bến phà Jindo.
Tuy nhiên, cho tới khi chấm dứt hoạt động vào tháng 06/2016, ủy ban này cho biết vẫn chưa thu thập đủ các thông tin cần thiết nên phải cần thêm nhiều kinh phí nữa để tiếp tục điều tra.
Đối với phần lớn người dân Hàn Quốc, đây thực chất chỉ là một nỗ lực từ chính quyền Hàn Quốc nhằm "đánh chìm" thảm họa trên mà thôi.
Và những người thợ lặn như anh Kim, không sớm thì muộn cũng sẽ bị chìm dần vào quên lãng.