Đài ABC News (Úc) hôm 20-10 đưa tin bất chấp sức ép quốc tế đòi phải chấm dứt việc kiểm tra vô lý nói trên, những cô gái ghi danh vào cuộc thi tuyển cảnh sát ở Indonesia vẫn phải trải qua bài kiểm tra được gọi là "hai ngón tay" như một phần của hoạt động kiểm tra thể chất và nhân cách của cảnh sát.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi năm 2014 đã nói rằng hình thức kiểm tra này không hề có cơ sở khoa học trong khi Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) lên tiếng hối thúc Tổng thống Indonesia Joko Widodo cấm hoạt động kiểm tra này.
Quá trình tuyển dụng các nữ cảnh sát ở Indonesia hết sức nghiêm ngặt. Ảnh: JP
Trong đơn khiếu nại gởi tới HRW mà ABC có được, một phụ nữ Indonesia – được gọi ngắn gọn là Zakia để bảo vệ danh tính cho cô, nói rằng cô đã trượt cuộc kiểm tra – vốn được dùng để xác định xem trinh tiết có còn nguyên vẹn hay không, trong đợt tuyển dụng cảnh sát năm nay.
"Họ không chỉ ấn ngón tay vào âm đạo, mà còn ấn vào cả hậu môn của tôi. Họ cứ kiểm tra như vậy… tôi vô cùng đau đớn"- Zakia kể lại.
Cô trải lòng thêm: "Mỗi lần nhớ lại chuyện đó, tôi lại khóc… Tôi cảm thấy không muốn sống nữa".
Là một võ sĩ, Zakia cho rằng cô có thể đã bị rách màng trinh trong khi tập luyện. Cô gái trẻ cũng cho biết người thực hiện khám trinh tiết cho cô không phải là một bác sĩ.
Hồi đầu năm nay, chuyên gia Sharyn Graham Davies từ ĐH Công nghệ Auckland (Úc) đã công bố một báo cáo cho biết những nữ tân binh ở Indonesia cũng phải trải qua một đợt tuyển lựa về sức hấp dẫn thể chất bằng một đội sỹ quan nam giới.
Theo chuyên gia này, các nữ cảnh sát đang được sử dụng trong các chiến dịch quảng bá để cải thiện hình ảnh cảnh sát tham nhũng.
Tình trạng này không chỉ diễn ra trong lực lượng cảnh sát, mà còn cả trong quân đội.
Hồi tháng 8, The South China Morning Post (Hồng Kông) từng đăng tải bài phóng sự nói về trải nghiệm của một cô gái có tên Rianti về cuộc kiểm tra trinh tiết khi thi tuyển vào quân đội ở Jayapura.
"Tôi chỉ muốn việc đó tiến hành càng nhanh càng tốt. Tôi cảm thấy đó là những phút giây dài nhất trong đời mình.
Chưa từng có người đàn ông nào đụng chạm tôi trước đó, đó là một hành động nhục nhã. Tôi rất sốc" - Rianti chia sẻ về cuộc kiểm tra trinh tiết.
Trong một báo cáo về vấn đề này năm 2017, HRW gọi kiểm tra trinh tiết là một hình thức bạo lực dựa trên phân biệt giới tính và kéo dài suốt nhiều năm.
Báo cáo còn nói rằng hình thức kiểm tra này đã áp dụng trong việc tuyển tân binh nữ ở nhiều bộ phận trong quân đội Indonesia trong nhiều thập kỷ và thậm chí còn được mở rộng áp dụng cho cả những hôn thê của sĩ quan nam giới.
(Theo Newsweek)