Bị đào bới quá khứ - cơn ác mộng của hoa hậu Việt
Kể từ khi internet và mạng xã hội xuất hiện tại Việt Nam, không ít hoa hậu đã bị đào bới quá khứ ngay sau khi đăng quang. Dù xinh đẹp, tài năng cỡ nào, họ cũng không thể tránh khỏi sự soi xét, bới móc của cư dân mạng.
Chẳng hạn, hoa hậu Thùy Dung chưa kịp trưởng thành từ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2008 đã vướng vào sự cố chưa tốt nghiệp THPT, vi phạm quy chế của ban tổ chức cuộc thi và nghi án học bạ giả. Scandal này đã ảnh hưởng đến sự nghiệp của Thùy Dung, khiến cô mất tích suốt 9 năm qua.
Thùy Dung
Hoa hậu Thế giới Người Việt 2018 Diễm Hương dù tuyên bố đã học năm 2 khoa Quản trị Du lịch nhà hàng khách sạn tại Đại học Hoa Sen, nhưng vẫn bị cư dân mạng phát hiện chỉ theo học hệ cao đẳng. Tiếp sau đó trên các trang mạng, người đẹp liên tục bị lộ bảng điểm 2 khóa học 2008 – 2009, 2009 – 2010 với 7 môn thi bị điểm 0 và nhiều điểm 3.
Diễm Hương
Hoa hậu Đặng Thu Thảo cũng không tránh khỏi rắc rối khi tự giới thiệu bản thân là sinh viên khoa Kế toán - Tài chính - Ngân hàng của Đại học tư thục Tây Đô, nhưng lại bị tố khai gian bằng cấp. Thực chất, cô chỉ theo học hệ Trung cấp của trường.
Đáng buồn nhất là trường hợp không đáng có của Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh. Chỉ vài giờ sau khi đăng quang, cô đã bị cư dân mạng lục lại lịch sử Facebook từ thời cấp 2 để chỉ trích một cách nặng nề.
Đỗ Mỹ Linh
Kể từ sau trường hợp của Đỗ Mỹ Linh, người ta thường dặn các hoa hậu nên khóa Facebook sau khi đăng quang, để tránh bị đào bới.
Nhìn ra thế giới, hoa hậu Việt vẫn còn "ngoan" chán
Mọi người thường nghĩ rằng, hoa hậu là đại diện cho cái đẹp nên phải toàn vẹn. Nhưng thực tế, hoa hậu cũng chỉ là con người, nên không thể tránh khỏi thiết sót. Trên thế giới, có không ít trường hợp hoa hậu dính phải những scandal động trời.
Chẳng hạn, chỉ hai tháng sau khi đăng quang nhờ một bài phát biểu sâu sắc về phụ nữ, hoa hậu Mexico Laura Zuniga đã bị bắt giữ và tước ngôi vị do nghi án vận chuyển hàng cấm cùng ông trùm ma túy Angel Orlando Garcia.
Laura Zuniga
Hoa hậu Mỹ 1983 Vanessa Williams thì bị tước vương miện sau khi để rò rỉ những bức ảnh nude.
Vanessa Williams
Marjorie Wallace là người đẹp Mỹ đầu tiên đăng quang Hoa hậu Thế giới vào năm 1973. Tuy nhiên, chỉ hơn 3 tháng sau, cô đã bị truất ngôi do không hoàn thành nhiệm vụ của một Hoa hậu và dám tuyên bố: "Là Hoa hậu Thế giới, tôi hoàn toàn có thể ăn nằm với bất cứ người đàn ông nào tôi thích".
Marjorie Wallace
Hoa hậu Mỹ 2010 Rima Fakih thì suýt bị tước vương miện vì một bức ảnh múa cột trước đám đông.
Rima Fakih
Hoa hậu Anh 2006 Danielle Lloyd thậm chí còn bị tước vương miện ngay trong năm do do bê bối chụp ảnh khỏa thân cho tạp chí Playboy và công khai tình cảm với cầu thủ Teddy Sheringham - thành viên ban giám khảo từ trước khi tham gia cuộc thi hoa hậu năm đó.
Danielle Lloyd
Nhìn vào các scandal chấn động trên, công chúng có thể thấy rằng, không phải cứ là hoa hậu thì sẽ toàn vẹn mọi thứ theo đúng chuẩn mực. Và rõ ràng, các hoa hậu Việt của chúng ta vẫn còn "ngoan" chán khi hoàn toàn giữ được mình sau khi đăng quang. Các scandal xảy ra chỉ là do bị đào bới quá khứ.
Nhìn vào hiện tại và tương lai để đánh giá hoa hậu
Việc đào bới, soi mói quá khứ vô hình trung dẫn đến cái nhìn thiếu khách quan của công chúng khi đánh giá hoa hậu.
Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh từng bị chỉ trích nặng nề vì một vài câu nói trên mạng xã hội cách đây cả chục năm. Nhưng sau đó, cô vẫn hoàn thành tốt vai trò hoa hậu của mình.
Hình ảnh Đỗ Mỹ Linh lội hơn 10km bùn đất, chịu gió bão, lũ lụt để cõng điện lên bản Cu Vai thắp sáng cho các hộ dân nghèo nơi đây đã khiến công chúng cảm động và nhìn nhận lại cô. Đây thực sự là một trong những hình ảnh đẹp của năm 2017.
Hoa hậu Đặng Thu Thảo cũng từng vướng nhiều chỉ trích khi bị đào bới học vấn và vụ tai nạn của bố đẻ mình. Nhưng những hoạt động thiện nguyện, nhân đạo trong hành trình đương nhiệm đã giúp cô lấy lại thiện cảm với công chúng.
Cho đến nay, cả hai hoa hậu này vẫn giữ được hình ảnh đẹp và ngày một trọn vẹn hơn.
Dân gian có câu "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại" để nói về thái độ tích cực trong ứng xử với người khác. Bản thân các hoa hậu đã rất tích cực và phấn đấu trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình, thì công chúng cũng nên cởi mở hơn trong cách nhìn nhận về họ.
Cần cởi mở hơn trong cách nhìn nhận hoa hậu
Người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung thường bị quan điểm cố hữu áp đặt rằng, phụ nữ phải đủ cầm kì thi họa, công dung ngôn hạnh. Nhưng đó chỉ là những chuẩn mực cổ điển, có từ thời phong kiến (thời điểm mà chính phụ nữ bị đè nén, coi thường).
Xã hội ngày một hiện đại, văn minh hơn, thì các chuẩn mực về vẻ đẹp của phụ nữ và hoa hậu cũng cần được nhìn nhận một cách khách quan, hợp thời hơn, để theo kịp tiến trình chung của thế giới, như khả năng giao tiếp, ngoại ngữ, năng động, tự tin, truyền cảm hứng…
Đối với trường hợp Trần Tiểu Vy, việc bị chỉ trích vì đi chơi trên quán bar hơi cổ hủ và thiếu công bằng. Trên thế giới, quán bar đơn thuần chỉ là nơi để mọi người vào giải trí cùng bạn bè sau thời gian học tập, làm việc, hoàn toàn không liên quan tới việc đánh giá đạo đức hay nhân cách con người.
Trần Tiểu Vy đăng quang hoa hậu khi còn quá trẻ, chỉ mới rời ghế nhà trường được một thời gian ngắn. Bởi vậy, cô không thể tránh khỏi thiếu sót trong ứng xử, giao tiếp.
Nhưng với cương vị một hoa hậu, Trần Tiểu Vy hoàn toàn có thái độ tích cực trong việc giữ gìn và tự hoàn thiện bản thân. Cô từng nói: "Em không làm gì không đúng với tư cách một Hoa hậu. Tuy nhiên sau khi đăng quang, em sẽ giữ gìn hình ảnh của mình đẹp hơn để đúng với chuẩn mực Hoa hậu Việt Nam".
Không ai có thể toàn vẹn từ khi sinh ra tới lúc trưởng thành, ai cũng trải qua tuổi trẻ nông nổi. Bởi vậy, không nên lấy quá khứ để đánh giá một hoa hậu, nhất là khi họ còn quá trẻ, chưa biết khái niệm "hoa hậu" là gì.
Công chúng nên bao dung hơn để nhìn vào sự thay đổi, tự hoàn thiện bản thân và những gì họ làm được từ khi đăng quang.