Nobel Vật lý 2023 cho nhà nghiên cứu thời gian siêu ngắn

Nguyễn Hoàng Linh |

Một ngày sau Giải Nobel Y sinh của GS. Karikó Katalin (nhận chung với GS. Drew Weissman người Mỹ), Hungary lại có thêm Giải Nobel Vật lý thông qua GS. Krausz Ferenc, hiện làm việc và nghiên cứu tại nhiều trường đại học Đức.

Cùng với GS. Pierre Augistini, nhà nghiên cứu tại Đại học Ohio (Mỹ) và GS. Anne L'hullilier, nhà nghiên cứu tại Đại học Lund (Thụy Điển), ông Krausz Ferenc từ Viện Quang học Lượng tử Max Planck (Đức) và Đại học Ludwig-Maximilian (Đức) giành được giải thưởng cao quý này nhờ một nỗ lực nghiên cứu vật lý 20 năm nay.

Nobel Vật lý 2023 cho nhà nghiên cứu thời gian siêu ngắn - Ảnh 1.

Tiềm năng ứng dụng cao

Ông Ferenc và các đồng nghiệp được vinh danh bởi các phương pháp thí nghiệm tạo ra xung ánh sáng trong atto giây, có thể được sử dụng để nghiên cứu động lực học của điện tử trong vật chất.

Với công trình này, có thể kiểm tra tính chất và hoạt động của các electron trong một khoảng thời gian ngắn ngủi gần như không thể hình dung nổi (1 atto giây là một phần tỷ của một phần tỷ giây), tạo dựng ngành khoa học mang tên "Attosecond physics" (vật lý atto giây). Đây là con đường mà GS. Ferenc theo đuổi từ đầu thập niên 90 thế kỷ trước.

Từ năm 2015, GS. Ferenc và các cộng sự được xem là những ứng viên của Giải Nobel Vật lý. Ngành khoa học mới mà ông là người "mở màn" có những ứng dụng nổi bật trong thực tiễn, như trong ngành bán dẫn và sản xuất vi mạch. Ở quê hương Hungary, nghiên cứu laser xung cực nhanh hiện được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu laser ELI-ALPS ở TP. Szeged.

Trả lời báo giới ngay sau khi Ủy ban Nobel công bố chủ nhân giải thưởng, GS. Ferenc nói rằng lúc đó ông đang chuẩn bị một buổi giảng tại gia cho những người quan tâm. "Chuyện đến thật bất ngờ. Tôi không ngờ tới, không nói nên lời", ông chia sẻ.

Là người đi đầu trong một chuyên ngành rất hẹp của vật lý, khó hiểu với đại chúng, nhưng những kết quả mà GS. Ferenc và cộng sự đạt được, hoặc đang hướng tới lại rất thực tế. Công nghệ Attosecond có thể giúp diễn giải những thay đổi trong cấu trúc của phân tử, qua đó có thể mang lại tiến bộ đáng kể, ví dụ trong việc phát triển tân dược.

Trong nghiên cứu mới nhất, GS. Ferenc và ê-kíp sử dụng công nghệ Femtosecond (10^-15s) và Attosecond để phân tích các mẫu máu và phát hiện những thay đổi nhỏ trong thành phần của chúng với câu hỏi, liệu những thay đổi này có đủ cụ thể để cho phép chẩn đoán rõ ràng căn bệnh ung thư, u bướu ở giai đoạn đầu hay không.

Mặc dù đã sinh sống và làm việc ở nước ngoài (Áo, Đức) hơn 30 năm nay, nhưng GS. Ferenc vẫn gắn bó với quê hương Hungary. Hiện ông đang quản lý công việc của khoảng 150 nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Dấu vân tay DNA (sinh học phân tử) ở Budapest và "còn bận tâm đến Trung tâm hơn là liệu một ngày nào đó tôi có nhận được giải Nobel hay không".

Đó là phát biểu của ông với truyền thông năm 2022, khi được xem là một ứng viên sáng giá của Giải Nobel Vật lý. Ở tuổi 61, khi rảnh rỗi, GS. Ferenc vẫn chơi nhiều môn thể thao, chủ yếu là chạy bộ, thỉnh thoảng bơi lội và đạp xe, nhưng gần đây ông dành phần lớn thời gian rảnh cho đứa cháu trai hai tuổi. Mặc dầu đã là công dân Áo, ông vẫn giữ quốc tịch Hungary.

Đam mê vật lý từ nhỏ

Nhà vật lý thực nghiệm Krausz Ferenc chào đời ở thành phố nhỏ Mór năm 1962. Cha mẹ ông làm nghề lao động chân tay nên phải rất nỗ lực để chu cấp cho hai con có điều kiện ăn học. Khi còn là học sinh trung học tại Mór, Ferenc bị mê hoặc bởi môn vật lý dù nhiều giáo viên ở trường cảnh báo rằng sẽ không thể kiếm được việc làm với ngành này.

Năm 1985, bên cạnh bằng vật lý tại Khoa Khoa học tự nhiên - Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE), Ferenc cố gắng lấy thêm bằng điện tử tại Đại học Bách khoa Budapest (BME). Ferenc khởi đầu nghiên cứu với sự chỉ dẫn của TS. Bakos József trong lĩnh vực vật lý laser tại Viện Vật lý (BME).

Năm 1991, ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo), nơi mà sau đó ông làm việc trên cương vị phó giáo sư, rồi giáo sư. Năm 2003, Ferenc được bổ nhiệm làm Giám đốc Viện Quang học Lượng tử Max Planck và từ năm 2004, ông là Trưởng khoa Vật lý Thực nghiệm tại Đại học Ludwig-Maximilian.

Trước Giải Nobel, ông là chủ nhân của nhiều giải thưởng khoa học danh giá khác, như Giải Otto Hahn (2013), Giải Wolf trong vật lý (2022)...

Nobel Vật lý 2023 cho nhà nghiên cứu thời gian siêu ngắn - Ảnh 2.

Hungary được xem như một "ông lớn" trong lịch sử giải thưởng Nobel với tỷ lệ người đoạt giải tính trên dân số nằm trong Top 10 của thế giới. Theo các tính toán khác nhau, cho đến giờ, có 15-19 giải Nobel thuộc về công dân Hungary hoặc người gốc Hungary.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại