Wall Street Journal (WSJ) cho biết, Ả Rập Saudi và Nga đã thu về thêm hàng tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong những tháng gần đây mặc dù họ đã bán ra ít dầu hơn. Điều này là bởi sau khi 2 nước cắt giảm sản lượng, giá dầu thô đã tăng vọt.
Ả Rập Saudi và Nga thu về hàng tỷ USD
Việc cắt giảm sản lượng dầu là một chiến lược rủi ro, cả về mặt tài chính và chính trị. Nhưng nó đã mang lại lợi ích cho 2 thành viên quan trọng nhất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu (hay còn gọi là OPEC+).
Theo tính toán từ công ty tư vấn Energy Aspects, việc tăng giá đang bù đắp cho sự sụt giảm về khối lượng hàng bán ra.
Dòng vốn đang giúp Ả Rập Saudi tài trợ cho các dự án đắt tiền trong nước và tiếp tục chiến dịch ảnh hưởng ở nước ngoài dựa trên các khoản đầu tư. Khoản tiền bổ sung cũng đảm bảo cho Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Phân tích của Energy Aspects cho thấy doanh thu từ dầu mỏ ở Ả Rập Saudi trong quý này có thể tăng gần 30 triệu USD/ngày so với giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 (khoảng 5,7%). Trong 3 tháng, doanh thu từ dầu mỏ ở Ả Rập Saudi sẽ tương đương với khoảng 2,6 tỷ USD. Dữ liệu cho thấy doanh thu từ dầu mỏ của Nga có thể tăng khoảng 2,8 tỷ USD.
OPEC+ có thể xem xét thêm nhiều hạn chế
Một số nhà quan sát thị trường cho biết, những thành công này có thể khiến nhóm OPEC+ xem xét nhiều hạn chế hơn nữa đối với nguồn cung năng lượng toàn cầu.
"OPEC+ nắm rất nhiều vai trò trong tay. Có thể sẽ còn nhiều điều khác chuẩn bị diễn ra," Saad Rahim, nhà kinh tế trưởng tại công ty Trafigura, cho biết.
Nhóm này đã tác động lên thị trường dầu mỏ trong nhiều tháng.
Tháng 10 năm ngoái, các thành viên của OPEC+ cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày - mức cắt giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.
Bộ Năng lượng Saudi Arabia thông báo trong tháng 7/2023, nước này sẽ giảm sản lượng khai thác ở mức 1 triệu thùng/ngày và có thể tiếp tục kéo dài khoảng thời gian cắt giảm nếu Riyadh thấy cần thiết.
Sau đó, Ả Rập Saui và Nga cho biết vào hôm 5/9 rằng họ có kế hoạch gia hạn cắt giảm sản lượng cho đến cuối năm nay.
Một nhà máy lọc dầu ở Ả Rập Saudi. Doanh thu tăng thêm từ mặt hàng này khiến Ả Rập có thể đầu tư cho những dự án quy mô lớn. Ảnh: Bloomberg
Canh bạc "liều lĩnh"
Theo WSJ, dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đã tăng 25% trong quý này và được giao dịch ở mức cao tới 95 USD/thùng trong những ngày gần đây, mặc dù giá hiện đã giảm nhẹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích dầu mỏ kỳ vọng giá dầu Brent sẽ sớm vượt ngưỡng 100 USD/thùng.
Loại dầu phổ biến nhất của Nga, được gọi là Urals, đã giao dịch trên 75 USD/thùng trong những ngày gần đây. Con số này tăng so với mức trung bình quý hai là 56 USD/thùng do ngân hàng trung ương Nga báo cáo và trên mức trần 60 USD/thùng do Nhóm bảy quốc gia (G7) áp đặt để hạn chế doanh thu từ dầu mỏ của Nga.
Livia Gallarati, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Energy Aspects, cho biết: "Đây không còn là một quyết định táo bạo nữa khi giá cả sẽ ngày càng cao hơn. Nguồn cung dầu khí về cơ bản là được thắt chặt."
Chiến lược giảm sản lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì một nhà sản xuất dầu lớn có thể mất thị phần vào tay các quốc gia đối thủ và nếu sự thiếu hụt này không thể thúc đẩy giá cả thì doanh thu có thể bị sụt giảm lượng lớn.
Theo ước tính của Rystad Energy, chi phí sản xuất dầu ở Ả Rập Saudi và Nga trung bình lần lượt là 9,30 USD và 12,80 USD/ thùng. Chi phí này phản ánh rằng phần lớn doanh thu từ xuất khẩu dầu có thể được chuyển thành lợi nhuận.
Tình hình năng lượng hiện tại ở Nga
Tuần trước, Điện Kremlin đã cấm xuất khẩu dầu diesel và xăng, gây thêm hạn chế cho nguồn cung năng lượng thế giới.
Sau khi giảm xuống từ mức cao kỷ lục vào tuần trước, giá xăng dầu trên thị trường Nga đã tăng trở lại vào hôm 26/9 bất chấp lệnh cấm xuất khẩu. Truyền thông địa phương đưa tin nông dân ở một số vùng không thể thu hoạch ngũ cốc do thiếu nhiên liệu cần thiết cho máy móc nông nghiệp.
Sự thiếu hụt nhiên liệu đã gây ra căng thẳng giữa Điện Kremlin và các công ty dầu mỏ của nước này.