“Nở rộ” dịch vụ chở người say: 1.001 tình huống dở khóc, dở cười

Hà An |

Từ ngày 1/1/2020, Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có hiệu lực, đến nay, lực lượng chức năng, Cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm xử phạt “ma men”. Kéo theo đó hàng loạt các loại hình dịch vụ chở người say rượu bia về nhà cũng đang “nở rộ”.

Theo đó, khi Nghị định 100 có hiệu lực, nhiều hành khách khi đi nhậu tại các nhà hàng trên địa bàn TP Hà Nội đã tìm đến dịch vụ vận chuyển người say về nhà. Không chỉ những người rượu bia say mới tìm đến dịch vụ tài xế riêng chở về nhà mà có những khách chỉ uống vài chén cũng thuê người lái.

“Nở rộ” dịch vụ chở người say: 1.001 tình huống dở khóc, dở cười - Ảnh 1.

Nở rộ dịch vụ chở người say về nhà.

Trước nhu cầu hành khách cần thuê người lái xe về nhà để tránh bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn mỗi khi đi nhậu, một số tài xế taxi, grab cũng đã chuyển sang làm dịch vụ này.

Trên các hội nhóm, trang mạng xã hội đã “nở rộ” những loại hình dịch vụ kèm theo là giá cả chủ yếu dựa vào thoả thuận giữa tài xế và khách hàng. Trong đó, có giá dịch vụ chở người say về nhà theo số Km đường về nhà; Giá dịch vụ hành khách nôn ói ra xe,....

Trao đổi với PV Dân Việt, Tài xế taxi Vũ Đan Phương cho biết: “Tôi làm dịch vụ taxi đã được hơn 5 năm rồi. Trước đây, tôi đã từng chở những hành khách đi nhậu say về nhà và đã phải chứng kiến những cảnh “dở khóc, dở cười” với những vị khách say xỉn”.

“Việc chở người say về nhà không đơn giản như khách hàng bình thường, vì trên quãng đường đi tài xế sẽ gặp phải muôn vàn khó khăn, “tra tấn tâm lý” khi bị hành khách chửi bới hoặc nôn mửa phải đi dọn xe.

Thậm chí còn có những khách say không chịu trả tiền xe. Đau lòng nhất là hành khách không nhớ rõ được địa chỉ chính xác nhà mình nên khiến tài xế gặp rất nhiều khó khăn”, tài xế Đan Phương kể lại.

“Nở rộ” dịch vụ chở người say: 1.001 tình huống dở khóc, dở cười - Ảnh 2.

Tài xế Đan Phương.

Tài xế Đan Phương cho hay: “Bắt đầu tư ngày 1/1/2020 Nghị định 100 có hiệu lực, tôi cũng đã chở nhiều vị khách uống rượu bia về nhà rồi, để tránh bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn số lượng khách hàng uống rượu bia tăng cao đột biến.

Rút kinh nghiệm khi chở khách hàng say xỉn, tôi thường phải làm giá với khách hàng trước khi chở họ về nhà.

Giá cả phụ thuộc vào quãng đường và mức độ say xỉn của khách hàng để đưa ra. Có những khách hàng say xỉn quá mức họ vẫn chấp nhận bỏ ra 500 nghìn cho tài xế khi nôn ói ra xe”.

Cũng trao đổi với PV Dân Việt, anh Vũ Đình Lực (quê Nam Định, hiện là tài xế Grab) cho biết: “Tôi là xe ôm grab nhưng cũng nhận được nhiều chuyến xe chở người say xỉn về nhà. Do chở bằng xe máy nên gặp nhiều khó khăn hơn so với xe ô tô”.

“Mỗi lần chở khách say xỉn, tôi thường phải làm giá trước “thuận mua vừa bán” tôi mới chở. Vì chở người say rất khó khăn không đơn giản như chở người tỉnh táo vì người say họ không ý thức và kiểm soát được hành vi của mình khi ngồi trên xe.

Hiện nay, chúng tôi cũng đã thành lập ra hội nhóm để anh em làm dịch vụ chở người say về nhà, trong đó có cả xe máy và ô tô, phụ thuộc vào nhu cầu của khách hàng”, anh Vũ Đình Lực cho hay.

Chị Phượng, 32 tuổi, người sáng lập công ty dịch vụ đưa người say về nhà tại các quận nội thành Hà Nội, cho biết: "Hôm nay có 94 trong số 200 lái xe của tôi đi làm nên nhiều lúc đáp ứng không xuể.

Gần 12 giờ đêm vẫn đang có khách gọi". Khách hàng của chị đa phần là người đi ôtô nhưng không thể lái về.

Cũng theo một Giám đốc Công ty dịch vụ đưa người say về nhà tại các quận nội thành Hà Nội, cho biết, những ngày qua, tài xế của chúng tôi cũng đã làm việc hết công suất, nhiều lúc không đáp ứng được hết các dịch vụ vì thiếu tài xế.

Có những lúc 12h đếm rồi vẫn còn có khách hàng gọi chở về nhà, đây chủ yếu là những người đi ôtô nhưng không thể lái về. Tài xế rất sợ khi phải chở những người say quá quên luôn cả địa chỉ nhà mình.

Lái xe đành phải chờ đợi cho họ tỉnh dậy mới đưa được về nhà. Để giảm rắc rối, Công ty thường có hai tài xế đưa một khách về.

Các mức xử phạt tài xế có nồng độ cồn theo quy định tại Nghị định 100: Đối với người điều khiển xe đạp trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn sẽ phải chịu mức phạt thấp nhất là 80.000 đồng, cao nhất là 400.000-600.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Đối với người điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn sẽ chịu phạt từ mức thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 6 - 8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Đối với người điều khiển xe máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ phải chịu mức thấp nhất là 3-5 triệu đồng, cao nhất là từ 16-18 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Đối người điều khiển ôtô cũng sẽ chịu phạt ở mức thấp nhất 6-8 triệu đồng, cao nhất là 30-40 triệu đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại