Nợ công đã chạm đỉnh

Tô Hà |

Nợ được Chính phủ bảo lãnh là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai.

Theo Bản tin Nợ công số 5 vừa được công bố, Bộ Tài chính cho biết nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2015 là hơn 2 triệu tỉ đồng. Ba chủ nợ lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đáng chú ý, bản tin này phát chậm hơn quy định và cách thời điểm phát hành bản tin nợ công số 4 hơn 1 năm.

Sớm chạm ngưỡng 65% GDP

Tính đến cuối năm 2015, dư nợ của Chính phủ là hơn 94 tỉ USD, tương đương hơn 2 triệu tỉ đồng, trong đó nợ nước ngoài là 39,6 tỉ USD, nợ trong nước là hơn 54 tỉ USD. Như vậy tính trung bình tại thời điểm 2015, mỗi người dân Việt Nam gánh 22,5 triệu đồng nợ công.

Đáng lưu ý cơ cấu vay nợ theo thị trường năm 2015 đã khác so với trước năm 2013, đang diễn biến theo xu hướng tăng cường vay nợ trong nước, hạn chế vay nước ngoài. Năm 2011, nợ trong nước chỉ ở mức 20 tỉ USD nhưng đến năm 2015, đã tăng lên 54 tỉ USD. Cũng trong năm 2015, Chính phủ đã trả được hơn 13,3 tỉ USD, tương đương hơn 288.000 tỉ đồng, chủ yếu là trả nợ vay trong nước.

 Nợ công đã chạm đỉnh  - Ảnh 1.

Đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây được đầu tư bằng nguồn vốn vay thương mại, vốn ODA và vốn đối ứng của chính phủ Ảnh: Tấn Thạnh

Tại bản tin này, Bộ Tài chính cho biết năm 2015, nợ được Chính phủ bảo lãnh là gần 21 tỉ USD, tương đương hơn 455.000 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 13 tỉ USD của năm 2011.

Nợ được Chính phủ bảo lãnh phần lớn là vay nước ngoài hơn 11,3 tỉ USD (bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC), còn lại là vay trong nước. Theo Bộ Tài chính, đây là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai.

Như vậy, nợ công vẫn đang tăng nhanh, năm 2011 nợ công mới chỉ ở mức 54,9% GDP nhưng năm 2015 đã tương đương 61% GDP.

Còn theo số liệu mới nhất của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), tính đến năm 2016, nợ công đã bằng 64,7% GDP, gần chạm ngưỡng 65% GDP Quốc hội cho phép. Với giả định kinh tế tăng trưởng GDP từ 6,7%-7%/năm, Bộ Tài chính tính đỉnh nợ công sẽ là thời điểm năm 2017-2018. Theo đó, năm 2017, nợ công dự kiến ở mức 64,8% GDP và năm 2018, nợ công ở mức 64,7% GDP. Từ năm 2019 trở đi nợ công sẽ giảm dần và năm 2020 dự kiến còn 63,7% GDP.

1 bộ hay 3 bộ cùng quản lý?

Để quản lý chặt chẽ nợ công, Quốc hội đang xem xét Luật Quản lý nợ công sửa đổi thay thế cho Luật Quản lý nợ công năm 2009. Một trong những vấn đề mấu chốt là cơ quan nào quản lý nợ công đến nay vẫn chưa thống nhất.

Là cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính đề xuất gom về một đầu mối cho bộ này quản lý nợ công nhưng Chính phủ yêu cầu giữ nguyên cơ chế 3 cơ quan cùng quản là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước. Không chấp nhận với cách quản lý "không giống ai trên thế giới là 2 người đàm phán đi vay, 1 người phân bổ, 1 người cân đối trả nợ", Quốc hội yêu cầu Chính phủ trình ra phương án khả thi nhất để quản lý nợ công.

Bởi việc quy định nhiều cơ quan cùng là đầu mối quản lý nợ công như hiện nay là chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được các hạn chế đang diễn ra.

Trên thực tế, nhiều đầu mối quản lý nên phân tán, khó phối hợp trong công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng một điều quan trọng để Luật Quản lý nợ công có hiệu quả là phải nhận diện và quản lý được nguồn hình thành nợ công. Nguồn hình thành nợ công lớn nhất hiện nay là thâm hụt ngân sách.

Do đó, cần chuẩn bị một kế hoạch tài khóa bền vững, dài hơi, giúp nền kinh tế tránh được những cú sốc tài khóa tiêu cực trong tương lai. Muốn vậy, Việt Nam cần xây dựng một chuẩn mực hạch toán thâm hụt ngân sách theo thông lệ quốc tế. Các khoản chi để ngoại bảng phải được tuyệt đối tránh.

Theo chuyên gia này, các bản tổng kết về nợ công hiện nay của Chính phủ mới chỉ dừng ở việc liệt kê tổng nợ công mà chưa gắn với đánh giá chất lượng của từng khoản mục chi hay đầu tư sử dụng nợ công.

Nếu dự thảo luật sửa đổi về quản lý nợ công không chú trọng đến điều này, việc quản lý nợ công vẫn thiếu các biện pháp để ngăn ngừa nguy cơ nợ công trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của nền kinh tế hoặc tệ hơn là dẫn đến khủng hoảng kinh tế, như đã diễn ra tại nhiều nền kinh tế thời gian vừa qua.

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam

Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADOU) 2017 do ADB công bố ngày 26-9 dự báo điều chỉnh giảm đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3% trong năm 2017 và 6,5% trong năm 2018.

Báo cáo nhấn mạnh rằng dù nền kinh tế Việt Nam vận hành tương đối tốt trong bối cảnh có nhiều thách thức song vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết để bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Trong đó, những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng vốn đã khá cao, bằng việc hạ lãi suất xuống các mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng. Tiến độ đạt được trong tái cơ cấu ngân hàng và giải quyết nợ xấu rất hạn chế.

Mặc dù tỉ lệ nợ xấu được xác định là 2,6% tổng dư nợ tại thời điểm cuối tháng 3-2017 song tổng nợ xấu - bao gồm cả nợ xấu được báo cáo, nợ xấu chưa xử lý đang được quản lý bởi Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) và nợ được phân loại là có rủi ro trở thành nợ xấu - ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ trong toàn bộ hệ thống ngân hàng.

Để bảo đảm quản lý tốt những rủi ro này, điều then chốt là phải tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay cũng như tiếp tục đưa vào áp dụng các tiêu chuẩn chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, mặc dù tiến triển hiện tại của việc cắt giảm thâm hụt ngân sách là đáng khen ngợi song điều này cũng làm giảm chi tiêu cho đầu tư cơ bản. Nếu không được cân đối, có khả năng ảnh hưởng tới hiệu quả tăng trưởng của Việt Nam trong dài hạn.

Báo cáo cũng lưu ý rằng dù sản xuất định hướng xuất khẩu vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam nhưng thặng dư thương mại đã giảm nhanh hơn kỳ vọng, do nhập khẩu tăng mạnh hơn xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm, thặng dư thương mại đã thu hẹp chỉ còn khoảng 1,5% GDP, so với mức 8,1% cùng kỳ năm 2016.

"Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro gia tăng nếu có sự suy giảm của các nền kinh tế công nghiệp chủ chốt hoặc tốc độ tăng trưởng thấp ngoài dự kiến của Trung Quốc, một đối tác thương mại ngày càng quan trọng của Việt Nam" - Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick lưu ý.

D.Ngọc

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại