Niger tiềm ẩn nguy cơ xung đột, các nước châu Âu sơ tán công dân

Đình Nam |

Ngày 2/8, các quan chức Quốc phòng các nước khu vực Tây Phi (ECOWAS) bắt đầu nhóm họp tại Nigeria, để bàn về tình hình đảo chính tại quốc gia láng giềng Niger. Cuộc họp diễn ra sau lời tối hậu thư sẽ sử dụng vũ lực của ECOWAS vào Niger – thành viên của Khối, nếu lực lượng đảo chính không thả Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum và khôi phục trật tự Hiến pháp.

Cuộc họp của các chỉ huy quốc phòng từ Cộng đồng Kinh tế Tây Phi ECOWAS diễn ra trong hai ngày, thu hút sự quan tâm đặc biệt từ quốc tế. Cuộc họp diễn ra sau khi ECOWAS đã áp đặt 1 loạt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất vào Niger, cùng lời cảnh báo sẽ sử dụng vũ lực sau 1 tuần nếu lực lượng đảo chính Niger không khôi phục quyền lực cho chính quyền mà họ vừa lật đổ.

Niger tiềm ẩn nguy cơ xung đột, các nước châu Âu sơ tán công dân - Ảnh 1.

Các nước châu Âu sơ tán công dân do lo ngại nguy cơ xung đột ở Niger. Ảnh: Reuters

Nhận định về tình hình Niger hiện nay và khả năng ECOWAS sử dụng vũ lực, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Tây Phi và Sahel Leonardo Santos Simão hôm qua cho biết: “Cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Niger, nếu không được giải quyết, sẽ làm trầm trọng thêm tình hình an ninh vốn đang xấu đi trong khu vực. Nó cũng sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển và cuộc sống của người dân ở một quốc gia có tới 4,3 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo. Quyết định sử dụng vũ lực nếu cần thiết không phải là quyết định của Liên Hợp Quốc. Đó là một quyết định của Cộng đồng các nước Tây Phi. Nhưng điều quan trọng là chúng ta nên sử dụng mọi cách để tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề. Nhưng chúng tôi cũng nhận ra rằng ECOWAS có quyền thực hiện các biện pháp khác nếu họ cảm thấy phù hợp”.

Tuy nhiên, khả năng sử dụng vũ lực với Niger từ ECOWAS sẽ vấp phải sự phản đối từ một số nước thành viên tại cuộc họp của các quan chức quốc phòng. Trước hết là có 3 nước Mali, Burkina Faso và Guinea, trong đó 2 nước là Mali và Burkina Faso còn tuyên bố rằng một hành động can dự quân sự vào Ni-giê chính là lời tuyên chiến với 2 quốc gia này.

Hiện các nỗ lực hòa giải cho các bên Niger vẫn đang được các nước Tây Phi tiến hành. Dự kiến, hôm nay, một phái đoàn quan chức do cựu Tổng thống Nigeria Abdulsalami Abubakar dẫn đầu sẽ đến Niger.

Dẫu vậy, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy lực lượng đảo chính Niger sẽ sớm khôi phục cho chính quyền bị lật đổ của Tổng thống Mohamed Bazoum. Các vụ bắt giữ các chính trị gia cấp cao chống đối đảo chính vẫn đang diễn ra. Lo ngại viễn cảnh xấu nhất là xung đột xảy ra, nhiều quốc gia châu Âu đang gấp rút lên kế hoạch sơ tán công dân khỏi Niger.

Hôm qua, một chuyến bay đầu tiên được Pháp thuê để chở 262 công dân Pháp và các nước châu Âu từ Niger về nước, đã hạ cánh tại thủ đô Paris. Bộ ngoại giao Pháp khuyên công dân Pháp ở Niger nên khẩn trương đến sân bay trong ngày hôm nay để có thể được sơ tán một cách nhanh nhất. Italia sáng nay cũng đã sơ tán được 87 người, bao gồm 21 công dân Mỹ. Tây Ban Nha và Đức cũng đã thông báo đang chuẩn bị các chuyến bay đưa công dân về nước.

Để tạo thuận lợi cho các nước sơ tán công dân nước ngoài – đại diện lực lượng đảo chính - người phát ngôn quân đội Niger, Đại tá Amadou Adramane đã thông báo mở cửa biên giới và không phận cho 1 số nước: “Thông báo số 15, biên giới trên bộ và trên không với Algeria, Burkina Faso, Mali, Lybia và Chad được mở lại từ ngày 1 tháng 8 năm 2023. Quyết định được ký bởi Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Bảo Vệ Tổ Quốc”.

Khác với các nước châu Âu, mọi hoạt động của Mỹ tại Niger vẫn diễn ra một cách bình thường. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi các nhà chức trách Niger tạo điều kiện tối đa cho nước ngoài sơ tán công dân một cách an toàn và trật tự. Mỹ đang đánh giá tình hình và chưa có kế hoạch sơ tán công dân chính thức.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại