Niềm tin vào bầu Đức quay trở lại, Hoàng Anh Gia Lai sắp hồi sinh?

2 cổ phiếu HAG và HNG cùng tăng mạnh trở lại với lực cầu lớn sau thông tin các ngân hàng đồng loạt hỗ trợ Hoàng Anh Gia Lai tái cấu trúc 27.100 tỷ đồng tiền vay.

Hơn một năm qua, cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai khiến nhà đầu tư mất ăn mất ngủ khi liên tục trượt dốc.

Tính từ tháng 11/2014, từ mức giá 25.800 đồng, HAG giảm liền xuống chỉ còn 6.700 đồng vào ngày 19/4 vừa qua, tương ứng mất hơn 74% giá trị.

Còn đối với cổ phiếu HNG của Công ty Nông nghiệp Quốc tế HAGL, sau khi chào sàn và giao dịch tương đối ổn định trong khoảng nửa năm, HNG bất ngờ lao dốc từ giữa tháng 1/2016 với chuỗi 18 phiên giảm liên tiếp, trong đó 14 phiên là giảm sàn.

Đến ngày 19/4, HNG đã giảm gần 80%, xuống chỉ còn 6.800 đồng/cổ phiếu, chỉ nhỉnh hơn công ty mẹ HAG 100 đồng.

Sở dĩ 2 cổ phiếu của ông Đoàn Nguyên Đức lao dốc, một phần là do công ty vay nợ với số tiền quá lớn và đang gặp khó khăn về vấn đề thanh khoản.

Theo báo cáo tài chính năm 2015, HAG đang vay nợ tổng cộng 27.100 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm trước, trong đó vay ngắn hạn 8.300 tỷ đồng và vay dài hạn 18.800 tỷ đồng.

Về phía HNG, tổng giá trị vay là 12.200 tỷ đồng, gồm 3.100 tỷ đồng ngắn hạn và 9.100 tỷ đồng dài hạn.

Diễn biến giá cổ phiếu HAG và HNG. Biểu đồ: VnDirect
Diễn biến giá cổ phiếu HAG và HNG. Biểu đồ: VnDirect

Việc cổ phiếu mất giá thê thảm khiến bầu Đức đau lòng.

Phát biểu với giới truyền thông, ông nói: "Điều tôi thấy xót xa và trăn trở nhất là nhà đầu tư đang bị thiệt hại khi cổ phiếu rớt giá. Cổ phiếu xuống thì doanh nghiệp không thể nói hay được gì.

Tuy nhiên, với tư cách người đứng đầu tập đoàn, tôi mong nhà đầu tư lúc này nên bình tĩnh, nhìn vào những dự án đang hiệu quả của Hoàng Anh Gia Lai để tránh hối tiếc về sau này".

Bầu Đức cho biết, Hoàng Anh Gia Lai đang trong giai đoạn tái cấu trúc và cũng đang đàm phán để tái cơ cấu nợ với các ngân hàng.

Và dường như các cổ đông đã tin tưởng bầu Đức, đặc biệt là sau khi ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV chính thức xác nhận, cả 10 ngân hàng cho HAGL vay đều đồng loạt đưa ra phương án hỗ trợ, tạo điều kiện cho HAGL cấu trúc lại hoạt động trả nợ các ngân hàng.

Giá cổ phiếu HAG và HNG ngay lập tức tăng hết biên độ ngay sau khi đón nhận thông tin, thể hiện sự lạc quan trở lại của các nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư quyết định mua HAG và HNG có lẽ đã đúng. Trên thực tế, hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai vẫn diễn ra bình thường, thể hiện qua doanh thu gấp 2 lần năm trước và lợi nhuận gộp gấp 1,5 lần năm trước.

Trong đó, doanh thu bán bò 2.500 tỷ đồng, bất động sản hơn 1.000 tỷ đồng, bán đường 871 tỷ đồng...

Tuy nhiên, giá dầu lao dốc kéo theo giá cao su giảm sâu đã khiến Hoàng Anh Gia Lai gặp khó khăn về thanh khoản chứ không phải mất khả năng chi trả, theo lời ông Trần Bắc Hà. Quan sát biểu đồ giá cao su, có thể thấy rõ điều này.

Giá cao su cắm đầu đi xuống 5 năm qua nhưng đang có dấu hiệu hồi phục gần đây
Giá cao su cắm đầu đi xuống 5 năm qua nhưng đang có dấu hiệu hồi phục gần đây

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khiến các ngân hàng cũng như Chính phủ tin tưởng vào Hoàng Anh Gia Lai, đó là do các tài sản đảm bảo đem thế chấp có giá trị rất lớn, tiêu biểu là các dự án trồng mía, đường, cao su, cọ dầu dọc tuyến biên giới Việt Nam, Campuchia có diện tích tới 50.000ha.

Vì vậy, nếu HAGL tháo gỡ được khó khăn đối với các khoản vay, trong bối cảnh giá dầu và giá cao su đều đang có dấu hiệu hồi phục, rất có thể lợi nhuận của HAGL sẽ tăng trưởng trở lại và dòng tiền cũng được khôi phục.

Chốt phiên giao dịch ngày 26/4, cổ phiếu HAG và HNG cùng tiếp tục tăng trần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại