Em trai tôi
Nhà tôi ở một thôn miền núi hẻo lánh, bố mẹ đều là nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Tôi có 1 cậu em trai nhỏ hơn mình 3 tuổi.
Một lần để mua chiếc khăn tay hoa mà bọn con gái đều có, tôi đã lấy trộm 5 hào bố để trong ngăn kéo.
Hôm đó, phát hiện ra bị thiếu tiền, bố đã bắt chị em tôi quỳ úp mặt vào tường, cầm chiếc roi đe chúng tôi nhận ai đã trộm tiền.
Khi đó, tôi sợ đến ngây người, cúi đầu không dám nói. Thấy các con đều không chịu nhận, bố nói sẽ đánh cả 2.
Nói xong, ông vung roi lên thì đột nhiên em trai tôi giữ tay bố lại nói lớn: "Bố, là con lấy trộm, không phải chị làm. Bố đánh con đi."
Chiếc roi trên tay bố vụt liên tục vào lưng, vào vai em tôi. Khi bố thở không ra hơi, ông mới ngồi xuống mà mắng: "Giờ mày biết lấy trộm đồ ở nhà, lớn lên sẽ thế nào? Tao phải đánh chết thằng không ra gì như mày."
Tối hôm đó, tôi và mẹ ôm cậu em chi chít vết thương, em không rơi một giọt nước mắt nào. Nửa đêm, tôi đột nhiên òa khóc, em trai dùng bàn tay nhỏ bịt miệng chị nói: "Chị, chị đừng khóc. Dù sao em cũng bị đánh rồi."
Tôi luôn hận bản thân khi đó không đủ can đảm nhận lỗi. Nhiều năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in cảnh em trai đỡ nhát roi cho mình. Năm đó, em ấy 8 tuổi, tôi 11 tuổi.
Năm em trai tốt nghiệp cấp 2, thi đỗ vào trường điểm cấp 3 trên huyện, tôi cũng nhận được giấy báo trúng tuyển đại học.
Tối đó, bố ngồi trong sân hút thuốc, miệng còn lẩm bẩm: "Hai đứa thật có ý chí. Thật có ý chí."
Mẹ lén lau nước mắt nói: "Có ý chí thì ích gì? Lấy gì cho chúng ăn học?"
Em tôi đi đến trước mặt bố nói: "Bố, con không muốn học nữa. Dù sao cũng học đủ rồi."
Bố giáng ngay 1 cái tát lên mặt cậu con trai mà nói: "Sao con lại không có tiền đồ như thế? Dù có phải bán sạch nhà cửa, bố mẹ cũng sẽ nuôi 2 con ăn học." Nói xong, ông quay người đi ra ngoài vay tiền.
Tôi xoa má của em mình khẽ nói: "Em học tiếp đi. Con trai không học hành đến nơi đến chốn thì cả đời sẽ không bước ra khỏi vùng núi nghèo này được."
Nó nhìn tôi gật đầu. Khi đó, tôi đã quyết định sẽ từ bỏ cơ hội học đại học.
Không ngờ hôm sau, trời còn chưa sáng, em tôi đã lén đem theo mấy bộ quần áo rách và vài chiếc bánh màn thầu khô bỏ đi, để lại 1 mảnh giấy bên gối của tôi: "Chị, chị đừng buồn. Thi đỗ đại học không phải là chuyện dễ. Em ra ngoài làm thuê lấy tiền cho chị đi học. Em trai."
Tôi giữ chặt mảnh giấy, úp mặt trên giường đau khổ khóc không thành tiếng. Năm đó, em ấy 17 tuổi, tôi 20 tuổi.
Tiền bố đi vay mượn khắp thôn và tiền em trai vác xi măng ở công trường cuối cùng cũng nuôi tôi học được đến năm thứ 3 đại học.
Một hôm, tôi đang đọc sách trong phòng ký túc thì bạn học chạy vào gọi: "Mai Tử, có đồng hương tìm cậu."
Sao lại có đồng hương tìm tôi chứ? Tôi đi ra xem sao. Từ xa, tôi đã nhìn thấy em trai mặc bộ đồ bảo hộ lao động dính đầy xi măng và cát đứng đợi mình.
Tôi hỏi: "Sao em lại nói với bạn học của chị, em là đồng hương của chị?"
Nó cười nói: "Chị xem em ăn mặc thế này, nói là em trai chị, chẳng phải bạn học sẽ cười chị sao?"
Sống mũi tôi cay cay, nước mắt trào ra. Tôi phủi đất cát trên người cho em trai nghẹn ngào: "Em vốn là em trai của chị. Đời này, dù em ăn mặc thế nào, chị cũng không sợ người khác cười."
Em tôi cẩn thận móc túi mình ra cái khăn tay bên trong bọc chiếc cặp tóc bươm bướm ướm lên tóc tôi rồi nói: "Em thấy các cô gái thành phố đều cặp cái này nên mua cho chị 1 chiếc."
Tôi không kìm nổi nữa, ôm chầm lấy em mình bật khóc giữa phố lớn. Năm đó, em ấy 20 tuổi, tôi 23 tuổi.
Lần đầu dẫn bạn trai về nhà, thấy kính cửa sổ vỡ nhiều năm đã được lắp lại, nhà cửa cũng thu dọn sạch sẽ chẳng dính 1 hạt bụi. Sau khi bạn trai đi rồi, tôi nũng nịu mẹ: "Mẹ, sao mẹ dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ thế?"
Mẹ mỉm cười như đóa cúc: "Em con thu xếp sớm về dọn đấy. Con thấy vết thương trên tay nó chưa? Lúc lắp kính cửa sổ bị cứ phải đấy."
Bước vào căn phòng nhỏ của em trai, nhìn khuôn mặt xương gầy của em, nỗi buồn trong tôi trĩu nặng. Nó còn cười nói: "Lần đầu chị dẫn bạn trai về, lại là người thành phố, không thể để người ta cười nhà chúng ta được."
Tôi bôi thuốc lên vết thương cho em mình, hỏi nó có đau không? Em ấy hồn nhiên: "Không đau. Ở công trường, đá rơi vào chân không đi nổi giầy vẫn phải làm việc cơ…" Nói nửa chừng, nó ngậm chặt miệng không nói nữa.
Tôi quay mặt đi, bật khóc. Năm đó, em 23 tuổi, tôi 26 tuổi.
Sau khi kết hôn, tôi sống ở thành phố. Nhiều lần vợ chồng tôi muốn đón bố mẹ đến ở cùng nhưng họ không chịu, nói rời xa cái thôn đó thì không biết làm gì.
Em trai tôi cũng không đồng ý bảo rằng: "Chị, chị cứ yên tâm chăm sóc bố mẹ anh rể đi. Bố mẹ chúng ta đã có em rồi."
Chồng tôi được bổ nhiệm làm giám đốc nhà máy. Tôi bàn với anh điều em trai đến bộ phận quản lý nhưng không ngờ em mình không chịu, khăng khăng làm thợ sửa chữa.
Một lần cậu ấy trèo lên thang sửa đường dây điện thì bị điện giật phải vào nằm viện.
Vợ chồng tôi đến thăm, nhìn cái chân bó bột của nó, tôi trách: "Chị bảo em làm cán bộ thì không làm, giờ ngã thành ra thế này. Nếu không làm công nhân, em có phải đến đó làm không?"
Cậu em tôi nghiêm mặt nói: "Sao chị không nghĩ cho anh rể thế? Anh ấy vừa được bổ nhiệm, em lại không có học vấn, cứ thế làm cán bộ chẳng phải sẽ ảnh hưởng đến uy tín của anh ấy ư?"
Chồng tôi cảm động trào nước mắt, tôi cũng khóc nói: "Em, em không được đi học là do chị làm lỡ dở con đường học hành của em."
Nó kéo tay tôi nói: "Đều đã qua rồi, chị còn nhắc đến làm gì?"
Năm đó, em ấy 26 tuổi, tôi 29 tuổi.
Năm 30 tuổi, em trai kết hôn với một cô gái nông thôn. Trong hôn lễ, người chủ hôn hỏi: "Người cậu kính yêu nhất là ai?" Nó chẳng hề nghĩ ngợi trả lời ngày: "Chị gái tôi."
Em ấy đã kể một câu chuyện mà tôi cũng không còn nhớ nữa: "Hồi tôi vừa vào tiểu học, trường học ở thôn bên, hàng ngày chị em tôi đều phải đi bộ 1 tiếng đồng hồ mới về đến nhà.
Một hôm, tôi làm rơi mất 1 chiếc găng tay, chị đã đưa cho tôi 1 chiếc của chị ấy, còn mình chỉ đeo 1 chiếc găng tay đi đoạn đường xa như thế.
Về đến nhà, bàn tay đó của chị lạnh cóng đến nỗi không cầm nổi đũa ăn cơm. Từ đó trở đi, tôi đã thề cả đời này nhất định mình sẽ đối tốt với chị ấy."
Tràng pháo tay nổ vang phía dưới, tất cả khách mời đều đổ dồn ánh mắt về phía tôi.
Tôi nói: "Người đời này tôi biết ơn nhất chính là em trai mình."
Vào giây phút tôi nên vui mừng nhất thì tôi lại không kìm được, nước mắt ướt đầm khuôn mặt…