Thảm sát tại cửa hàng McDonald San Ysidro (21 người chết, 19 người bị thương)
Ngày 15/7/1984, James Huberty, một thợ hàn kiêm nhân viên bảo vệ sống tại San Diego, California, phàn nàn với vợ rằng có vẻ như mình có vấn đề tâm lí. Ngày 17/7, Huberty gọi tới một phòng khám địa phương, bày tỏ mong muốn được khám. Nhận định bệnh tình của người này không có gì khẩn cấp, nhân viên y tế xếp Huberty vào danh sách chờ, sẽ xử lí trong vòng 48 giờ.
Thất vọng khi không được bệnh viện hồi đáp, sáng ngày 18/7, Huberty hôn tạm biệt vợ và các con. Khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, Huberty mang 3 loại súng khác nhau cùng hàng trăm viên đạn tiến vào cửa hàng McDonald cách nhà 200 mét.
Cứu thương sơ cứu cho người bị bắn trước cửa hàng McDonald. Ảnh: Pinterest
Một nhân chứng kể lại thời điểm Huberty bóp cò: "Chẳng có chuyện gì xảy ra, và mọi người đều tưởng đó là trò đùa." Thảm kịch diễn ra ngay sau đó. Trong hơn 1 tiếng đồng hồ, Huberty xả ít nhất 245 viên đạn, làm 21 người chết tại chỗ, 19 người bị thương.
Cảnh sát không thể xác định được có bao nhiêu người đang xả súng do Huberty dùng các loại súng khác nhau. Khung cảnh náo loạn làm tầm nhìn vào nhà hàng bị che khuất.
Cuối cùng, 1 lính đặc nhiệm SWAT chọn được vị trí thuận lợi từ trên mái nhà, đã tung viên đạn kết liễu James Huberty, kết thúc cuộc thảm sát.
Thảm sát nhà hàng Luby (23 người chết, 20 người bị thương)
Ngày 16/10/1991, George Hennard, một thủy thủ thất nghiệp, lái xe bán tải đâm thẳng vào nhà hàng Luby đúng vào ngày lễ địa phương, vào thời điểm có rất đông người đang ăn mừng. Sau vụ va chạm, Hennard nổ súng vào đám đông, la hét đây là hành động trả thù và "tất cả phụ nữ đều là rắn độc."
Theo các điều tra sau này, dữ liệu thu thập được cho biết Hennard rất kì thị người da màu, người thiểu số và đặc biệt là phụ nữ.
Hiện trường vụ xả súng năm 1991. Ảnh: CrimeMagazine
Hennard rời xe, xả súng vào bất kì người nào trong tầm mắt. Nhiều người thiệt mạng do bị bắn thẳng vào đầu. Một khách hàng dùng thân mình đập vỡ kính sau nhà hàng, mở lối thoát cho hơn 100 người mắc kẹt.
Trong cuộc đọ súng với cảnh sát, Hennard trúng 4 phát đạn và thương nặng. Biết không qua khỏi, hắn trốn vào nhà vệ sinh, nổ súng vào đầu tự tử. Tổng cộng 23 người thiệt mạng, 20 người khác bị thương trong vụ xả súng.
Thảm sát trung tâm thương mại Aurora (12 người chết, 70 người bị thương)
Vụ xả súng tại buổi lễ công chiếu bộ phim Batman: The Dark Knight Rises ở hệ thống chiếu phim Century 16 tại trung tâm thương mại Aurora, thành phố Denver, Mỹ rạng sáng 20/7/2012 khiến cả thế giới không khỏi bàng hoàng.
Nghi phạm chính của vụ việc, James Holmes, một cựu sinh viên Y 24 tuổi, mặc trang phục chống đạn, đeo mặt nạ phòng độc và tham dự vào buổi trình chiếu như nhiều fan hôm mộ khác của dòng phim.
Sau đó, Holmes tung 2 lựu đạn khói, cản trở tầm nhìn, cay mắt các khán giả và xả hơn 76 viên đạn về các hướng.
Hiện trường trong rạp chiếu phim. Ảnh: Splash News
Thương vong của vụ việc lên tới 82 trường hợp, trong đó có 12 người thiệt mạng và 70 người bị thương. Trong quá trình khám xét, điều tra, cảnh sát phát hiện hơn 30 lựu đạn nổ được lưu trữ tại nhà của Holmes, được kết nối với 110 lít ga, tạo thành hệ thống phát nổ tự chế.
Trong phiên kết án kéo dài ba ngày từ 24-26/8/2015, James Holmes bị nhận án chung thân không ân xá, chịu thêm ít nhất 3.318 năm tù vì tội cố sát và tàng trữ chất nổ.
Thảm sát hộp đêm Orlando (49 người chết, 53 người bị thương)
Đêm 11/6/2016, Omar Mateen, một bảo vệ 29 tuổi lái xe tới hộp đêm Pulse của người đồng tính, đem theo súng và nhiều băng đạn. Khoảng 2h sáng ngày 12/6, Mateen vượt qua khu vực bảo vệ, xông thẳng vào bên trong, xả súng ác liệt vào đám đông người bên trong.
Lúc đầu, nhiều người tưởng là tiếng nhạc hoặc tiếng pháo nổ. Nhưng sau đó, mọi người bắt đầu trở nên hoảng loạn. Sau 45 phút, hơn 100 cảnh sát từ Sở Cảnh sát Orlando (OPD) có mặt, bao vây khu vực và đấu súng với Mateen.
Buổi cầu nguyện cho các nạn nhân trong vụ xả súng Orlando. Ảnh: Drew Angerer/Getty Images
Nhiều người đã bị giữ làm con tin trong khu vực nhà vệ sinh, việc thỏa thuận với Mateen không đạt được kết quả. Đến khoảng 5 giờ sáng, cảnh sát cho nổ tại 2 khu vực nhằm đánh lạc hướng tay súng, sau đó các đặc nhiệm đột nhập, tấn công bất ngờ và kết liễu tên này tại chỗ.
Cuộc điều tra sau này tiết lộ thêm, trước khi gây án, tên Omar Mateen đã tuyên thệ trung thành với Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Sau cuộc xả súng này, ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng bày tỏ thương xót với các nạn nhân, và nhận được sự ủng hộ trong cam kết tranh cử "cấm cửa" người Hồi giáo của mình.
Thảm sát lễ hội âm nhạc ở Las Vegas (59 người chết, 527 người bị thương)
Ngày 1/10 vừa qua, nước Mỹ lại vừa chứng kiến vụ xả súng có quy mô và mức độ thương vong lớn nhất lịch sử khi con số thương vong cập nhật sau 24h đã lên tới gần 600 người.
Thủ phạm được cho là Stephen Paddock – cựu kế toán 64 tuổi, người nổ súng từ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay trên đại lộ Las Vegas xuống đám đông hơn 22.000 người ở phía bên kia con đường.
Paddock đã bắn những người dự buổi nhạc từ tầng 32 (đánh dấu đỏ). Ảnh: Getty.
Ngày 28/9, Paddock đã thuê phòng tại tầng 32 của khách sạn thuộc khu nghỉ dưỡng Mandalay Bay cùng với một phụ nữ châu Á, 62 tuổi có tên Marylou Danley.
Hung thủ được cho đã tự sát trước khi cảnh sát ập vào tấn công. Tới thời điểm hiện tại, cảnh sát đã thu được 42 khẩu súng các loại từ phòng khách sạn và từ nhà riêng của nghi phạm.
Động cơ của cuộc xả súng lần này vẫn chưa được làm rõ. IS lên tiếng nhận trách nhiệm cho vụ tấn công, cho rằng người đàn ông này mới cải sang đạo Hồi vài tháng trước. Nhưng nhiều nguồn tin khác phủ nhận tuyên bố của nhóm khủng bố.
Toàn cảnh cuộc tấn công nhằm vào đại nhạc hội ở Las Vegas.