GD&TĐ - Trong các vùng trũng của sa mạc Nambib xuất hiện la liệt các vòng tròn hoàn hảo. Chúng có đường viền tự nhiên bằng cỏ, đường kính từ 1,5 - 6m. Cư dân địa phương gọi đó là các “vết chân của thần tiên”.
Chúng dần biến mất khi hạn hán kéo dài và đột ngột hiện rõ trở lại chỉ sau một chút mưa. Nhiều nhà khoa học đã kỳ công nghiên cứu, giải mã, nhưng chưa có giả thuyết nào được xác thực.
“Cổng địa ngục” ven biển
Namib là một hoang mạc ven biển rộng khoảng 81.000 km2, nằm ở miền Nam Phi. Nó nổi tiếng là sa mạc cổ nhất thế giới, với tuổi thọ tầm 55 triệu năm (già hơn Sahara khoảng 53 triệu tuổi).
Rìa ngoài Namib tiếp giáp với biển Đại Tây Dương, kéo dài hơn 2.000km. Suốt 2.000km này là bờ cát dốc đứng, có chỗ dốc dài tới 200m. Một trong những đoạn nguy hiểm nhất của nó là bờ biển Skeleton. Bờ biển này trải dài từ Nam Angola đến Trung Namibia. Người ta gọi nó là “vùng đất Chúa tạo ra trong lúc cáu bẳn”.
Vòng tròn kỳ bí trong sa mạc Namib.
Hoặc do thực vật thỏa thuận bỏ trống lấy chỗ thu hoạch nước.
Dọc bờ biển Skeleton, sương mù luôn phủ kín. Bên dưới làn sương là la liệt xương cốt cá voi và gần 1.000 xác tàu đắm. Trông nó hệt như “cổng địa ngục”.
Ở Namib, nhiệt độ ban ngày lên đến 45oC, còn ban đêm thấp dưới 0oC. Lượng mưa ở đây nghèo đến nỗi, trung bình chỉ 14mm/năm. Tại những vị trí khô hạn nhất, lượng mưa còn 2mm/năm. Luồng khí nóng trong đất liền giàu có vô hạn.
Khi luồng khí bức bối này tràn ra ngoài đại dương, nó đụng phải không khí lạnh do dòng hải lưu Benguela gây ra, tạo nên hiện tượng ngưng tụ hơi nước.
Trung bình mỗi năm, Namib có khoảng 180 ngày bị sương mù phủ trắng. Tại khúc bờ biển Skeleton, sương mù đặc biệt dày. Nó khiến cho tàu đi biển mất phương hướng, cuối cùng va phải các chướng ngại vật, vỡ hỏng và bị đắm.
Dấu chân tiên tử
Bọ cánh cứng ở Namib lấy thân hứng sương.
Băng qua bức tường cát bờ biển vào sâu trong đất liền Namib, sương mù loãng dần đi. Cát ở Namib có màu cam rực rỡ. Mật độ sắt ở đây tương đối cao. Quá trình oxy hóa khiến chúng bị rỉ sét, tạo màu sắc nổi bật cho cát.
Khắp bề mặt Namib nhấp nhô các đụn cát, nhiều đụn cao ngoài 200m. Tại khu vực Sossusvlei, một số đụn cát còn cao tới gần 400m. Dưới bóng của chúng là những đồng bằng và lòng chảo cát lớn nhỏ khác nhau. Trên bề mặt các vùng bằng biện, có nhiều cỏ mọc, nổi lên chi chít các vòng tròn gần như là hoàn hảo.
Các vòng tròn trong sa mạc Namib có đường viền là cỏ, bên trong hoàn toàn trống rỗng sự sống. Ở vị trí trung tâm của Namib, chúng rộng từ 1,5 - 6m. Tại phía Tây Bắc, trong khu vực thuộc lãnh địa của Namibia, chúng có đường kính lớn hơn gấp 4 lần, có vòng đạt 25m.
Người Himba, một dân tộc bản địa của Namibia, gọi các vòng tròn này là “dấu chân của Thần Mukuru”. Một vài bộ lạc khác lại gọi tên “vết chân của các nàng tiên”. Họ từ thiên đình bay xuống Namib khi đêm xuống, nhảy múa hát ca, để lại các vòng tròn. Cũng có người cho rằng, đấy là vết tích đĩa bay UFO của người ngoài hành tinh.
Bí ẩn chưa giải đáp
Có khả năng do mối cố tình làm “ao”.
Suốt nhiều năm, giới nghiên cứu địa chất và khoa học đau đầu tìm lời lý giải cho hiện tượng các vòng tròn trong sa mạc Namib. Theo nhà côn trùng học Eugene Marais, Viện Nghiên cứu Gobabeb – Namib, có 2 giả thuyết tương đối hợp lý.
Thứ nhất, chúng là “sản phẩm kiến tạo” của mối. Mối sa mạc cố tình gặm hết cỏ trong một phạm vi hẹp, theo hình vòng tròn. Chúng làm như thế để tạo ra một không gian trống, thuận lợi cho nước mưa thấm sâu vào lòng đất. Nói một cách khác, các vòng tròn này chính là “ao trữ nước” của mối.
Thứ hai, chúng là “sản phẩm kiến tạo” của cỏ. Cỏ sa mạc phát triển bộ rễ mạnh, lan rộng và ăn sâu. Khi chúng mọc gần nhau, sự cạnh tranh sẽ xảy ra, làm chết những cây yếu hơn, cuối cùng hình thành vòng tròn trống giữa. Vòng tròn này cũng được sử dụng như “ao chung”, tập trung tích lũy nước và dưỡng chất, nuôi sống viền cây cỏ xung quanh.
Khi thời gian hạn hán kéo dài, các vòng tròn trong sa mạc Namib mờ dần, gần như là biến mất. Nhưng chỉ cần có một chút mưa, tất cả lại hiện ra, rõ nét. Các nhà khoa học vẫn chưa làm sao giải thích thỏa đáng hiện tượng kỳ lạ như ma thuật này. Marais cho rằng, cần phải có nhiều nghiên cứu và mở rộng phạm vi tìm hiểu hơn nữa.
Thiên đường cao thủ thích nghi
Trong Namib, sương mù chính là nguồn sống quan trọng nhất. Lượng mưa quá nghèo nàn ở đây gần như không giúp ích gì. Thực vật Namib phụ thuộc hoàn toàn vào sương mù. Với gần một nửa số ngày trong năm là có sương mù, chúng không gặp quá nhiều khó khăn.
Động vật Namib phụ thuộc vào thực vật. Ở vùng ven biển, nhờ có nhiều sương mù, chúng sinh trưởng khá dễ dàng. Càng vào sâu bên trong, sự sinh tồn càng khắc nghiệt. Vì quá khô nóng, Namib thường gây ảo giác.
Mọi động vật ở đây đều phải phát triển kỹ năng độc đáo, riêng biệt để thích nghi. Các loài như linh dương nhảy, linh dương sừng kiếm không cần uống nước. Thay vào đó, chúng hyđrat hóa thực vật ngay trong dạ dày, chiết xuất nước đem nuôi cơ thể.
Đà điểu ở Namib chọn cách tự tăng nhiệt độ cơ thể, giảm thiểu mất nước. Ngựa vằn núi Hartmann chú trọng biến đổi bộ vó, thoải mái chạy nhảy trên địa hình gồ ghề. Các loài ăn thịt thì không để phí bất cứ giọt máu nào của con mồi.
Cao thủ thích nghi nhất trong Namib có lẽ là loài bọ cánh cứng. Chúng sáng tạo ra phương pháp sinh tồn phù hợp với môi trường sống: Lấy thân làm bia hứng sương mù.
Trời vừa tang tảng sáng, bọ cánh cứng ở Namib đã lo bò lên đỉnh các đụn cát cao nhất. Chúng cúi thấp đầu xuống, nâng hông lên tạo thành góc 45o so với mặt đất, kiên nhẫn chờ sương mù bay qua, bám vào lưng. Sau nhiều giờ, những giọt sương li ti cũng tích tụ thành một giọt nước. Nhờ độ dốc, nó lăn xuống, vừa vặn chảy thẳng vào miệng kẻ hứng sương.