Tai nạn đáng tiếc do các vật dụng trong gia đình gây ra có thể xảy đến với trẻ bất cứ lúc nào, vì thế mỗi bậc phụ huynh đều rất cảnh giác với các mối nguy hại hiển hiện đó.
Dưới đây là danh sách 13 vật dụng sinh hoạt khác trong gia đình tiềm ẩn nguy hiểm cho trẻ trong tích tắc nếu bố mẹ không biết cách phòng tránh.
1. Dây mành cửa sổ
Nhiều gia đình thường cho lắp đặt rèm cửa sổ trong phòng ngủ của trẻ để giúp con có được giấc ngủ ngon. Tuy nhiên, dây rèm cửa sổ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn nghẹt thở ở trẻ do cổ của trẻ bị mắc kẹt vào chúng.
Hiệp hội mành cửa sổ của Anh quốc đã phải khuyến cáo các gia đình chỉ nên lắp đặt loại mành cửa sổ không có dây, đặc biệt là trong phòng trẻ nhỏ. Nếu mành cửa sổ nhà bạn có dây, hãy tìm cách quấn chúng lên cao hơn tầm tay với của trẻ.
2. Tủ đứng không được đóng vào tường
Các bố mẹ có trẻ nhỏ đều hiểu rằng, nếu trong nhà có vật dụng nào có thể leo trèo thì trẻ sẽ tìm cách trèo bằng được. Bản tính đó có thể khiến trẻ rơi vào nguy cơ bị tai nạn nghiêm trọng.
Những món đồ nội thất cồng kềnh như tủ sách, tủ đứng và tủ đựng quần áo có thể trèo lên dễ dàng. Nhưng rất có thể trẻ sẽ bị chính những món đồ đó đổ đè lên người.
Để giữ an toàn cho trẻ, những vật dụng cồng kềnh nên được đóng gắn chặt vào tường bằng giá đỡ hoặc bản lề loại to.
3. Túi nilon
Túi nilong là mối nguy hiểm hiển hiện đối với trẻ, nhất là những chiếc túi nilon mỏng, nhẹ ít ai cảnh giác. Nó có thể làm trẻ bị ngạt thở hoặc bị nghẹn rất nhanh.
Bố mẹ thường không phát hiện ra trẻ đang nghịch các loại túi nilong bé và mỏng bởi loại túi này không phát ra tiếng khi bị vò như các loại túi khác. Tuy nhiên, chỉ một cái túi mỏng đến mức có thể dễ dàng bịt kín mũi và miệng của trẻ, khiến trẻ dần ngạt thở.
Hội Hoàng gia về ngăn chặn các tai nạn (RoSPA) khuyến cáo các bậc phụ huynh nên để các loại tránh xa tầm với của trẻ và không bao giờ được để chúng trong cũi hoặc xe đẩy.
4. Máy là tóc
Không bố mẹ nào bất cẩn đến mức để một chiếc bàn là còn nóng trong tầm với của trẻ, nhưng nhiều người trong số họ thường không để ý đến mức độ nguy hiểm của máy là tóc.
Máy là tóc có thể nóng đến mức nướng chín một miếng thịt! Và chúng cũng có thể duy trì được nhiệt độ đó tới 15 phút. Vậy mà không ít bậc phụ huynh đặt máy là tóc ngay trên sàn nhà, trên bề mặt bàn, ghế, hay treo lơ lửng ở tay cầm trên cửa.
Vì vậy, máy là tóc luôn cần được cất giữ ở xa tầm với của trẻ và nên được bảo quản trong túi chống nhiệt, đặc biệt là sau khi sử dụng.
5. Pin dạng cúc áo
Pin dạng cúc áo thường được gắn trong đồng hồ đeo tay, chìa khóa ô tô và máy tính cầm tay. Tuy nhiên vật dụng này cũng có nguy cơ khiến một đứa trẻ tử vong.
Pin dạng cúc áo không những khiến trẻ bị nghẹn, hóc mà cũng có thể làm trẻ bị ngộ độc, dẫn đến chảy máu nội tạng và tử vong. Đó là bởi vì khi bị nhai phải, loại pin này giải phóng một lượng chất độc hóa học nhất định.
Tránh để pin dạng cúc áo trong tầm với của trẻ. Đồng thời đảm bảo rằng bất kỳ loại đồ chơi nào vận hành bằng pin dạng cúc áo nên được khóa ổ pin bằng ốc vít trước khi cho trẻ sử dụng.
6. Viên nước đá
Viên nước đá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn nghẹn, hóc ở trẻ lớn, bởi chúng có thể dễ dàng trôi vào cổ họng khi trẻ uống nước. Kẹo cao su, kẹo cứng và kẹo mút cũng tiềm ẩn những nguy cơ tương tự.
Tất nhiên bố mẹ khó có thể cấm trẻ tiếp xúc với viên nước đá hay kẹo, nhưng hãy yêu cầu trẻ ngồi một chỗ khi uống nước hoặc khi ăn, bởi tai nạn nghẹn, hóc dễ rất dễ xảy ra khi trẻ chạy nhảy.
7. Bếp nướng dùng một lần
Trẻ thường không được đến gần bếp nướng đang cháy, tuy nhiên khi bếp nướng đã tắt lửa thì nhiều bậc phụ huynh lại buông lỏng cảnh giác. Nên nhớ rằng một cái bếp nướng có thể duy trì nhiệt độ cao trong nhiều giờ sau đó.
Bếp nướng dùng một lần càng đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ bởi chúng thường được đặt trên ngay trên sân và trẻ có thể dễ dàng bị ngã vào.
Quỹ Phòng tránh Tai nạn Trẻ em (CAPT) của Anh khuyến cáo nên nhúng bếp nướng vào một xô nước đá để làm nguội chúng nhanh chóng và an toàn.
8. Ba lô dây rút
Ba lô dây rút gây nguy hiểm cho trẻ như thế nào? Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể dễ dàng bị mắc cổ vào đoạn dây rút của ba lô, gây ra nguy cơ trẻ bị nghẹt thở nghiêm trọng. Do đó, các bậc phụ huynh cần cất ba lô ở ngoài tầm với của trẻ.
9. Nam châm
Mảnh nam châm nhỏ, siêu mạnh không chỉ gây tai nạn nghẹn hóc ở trẻ mà còn dẫn đến nguy cơ kinh khủng hơn nhiều. Nếu trẻ không may nuốt phải hai mảnh nam châm trái cực, hay một mảnh nam châm và một mảnh kim loại, chúng có thể hút nhau bên trong cơ thể trẻ.
Hậu quả của tai nạn này rất nghiêm trọng: thành ruột của trẻ bị dính vào nhau, thậm chí ruột có thể bị vỡ.
Nguy hiểm là nhiều loại đồ chơi của trẻ như bộ dụng cụ nam châm khối được gắn rất nhiều nam châm. Vì vậy để đảm bảo an toàn, các bậc phụ huynh cần đảm bảo rằng trẻ sẽ không bao giờ cho loại đồ chơi này vào miệng trước khi cho phép trẻ chơi chúng.
10. Nước giặt dạng viên
Với nhiều gia đình, sử dụng nước giặt dạng viên cho máy giặt tiện lợi hơn nhiều so với bột giặt, nhưng các bậc phụ huynh cần đảm bảo trẻ không được tiếp xúc với vật dụng này.
Theo thống kê của Trung tâm Thông tin Quốc gia về Ngộ độc của Anh Quốc, có tới hơn 2.000 trường hợp trẻ nhỏ nuốt phải nước giặt dạng viên được ghi nhận trong vòng 5 năm qua, khiến trẻ bị bỏng và khó thở.
Chuyên gia sức khỏe công đồng Sheila Merrill của RoSPA cho biết, “Hãy để mắt đến trẻ khi bạn đang giặt đồ khi trẻ đang chơi gần đó, bởi vì trẻ chỉ cần một vài giây là đã lấy được viên nước giặt.”
11. Bút chiếu laser
Trẻ nhỏ thường rất phấn khích với bút chiếu laser, và nhiều bậc phụ huynh không ngần ngại của cho con loại vật dụng được nhiều nhà sản xuất quảng cáo là đồ chơi trẻ em này. Tuy nhiên, bút chiếu laser có thể gây thương tổn nghiêm trọng cho thị lực của trẻ nếu không được sử dụng một cách an toàn.
Một khi mắt bị tia laser chiếu vào, thị lực có thể bị tổn hại trong vòng chưa đến 1 giây đồng hồ. Bởi tác hại đó, các bác sỹ cho biết ngày càng có nhiều trẻ nhỏ bị mù vì chơi với bút chiếu laser.
Annegret Dahlmann-Noor, chuyên gia tư vấn khoa nhãn nhi thuộc Bệnh viện Moorfield, Anh Quốc, cho biết: “Trẻ nhỏ khi chơi trò đấu kiếm ánh sáng thường rất phấn khích với ánh sáng phát ra từ tia laser và có thể nhìn chằm chằm vào chúng.
Điều này khiến võng mạc trong mắt của trẻ bị tổn thương nghiêm trọng và không thể hồi phục được. Vì vậy, các bậc phụ huynh, giáo viên và trẻ nhỏ cần nhận thức được mối nguy hại tia laser gây ra với thị lực của trẻ.”
12. Đệm quây cũi
Đệm quây cũi được thiết kế nhằm giúp bảo vệ đầu trẻ khỏi các chấn thương khi nằm trong cũi; tuy nhiên loại đệm này cũng có thể gây ra tai nạn ngạt thở, chèn cổ và nghẹn hóc cho trẻ. Kết luận này được đưa ra sau các nghiên cứu chứng minh.
Giám đốc điều hành Quỹ Lullaby – Francine Bates cho biết: “Nhiều trẻ sơ sinh bị cột vào dây của đệm quây, hoặc bị ngã khi cố rướn người lên khỏi đệm. Khuyến cáo của chúng tôi rất đơn giản: cũi an toàn nhất là loại cũi không có vật dụng gì bên trong.”
Nguồn: Tổng hợp