Trong cuộc cải tổ nội các lớn nhất từ trước tới nay, ngày 5/9 ông Andrii Sybiha đã được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Ukraine thay thế ông Dmytro Kuleba. Việc đề cử ông Sybiha được 258 thành viên quốc hội Ukraine ủng hộ.
Mặc dù kế hoạch cải tổ chính phủ đã xuất hiện từ nhiều tháng trước, nhưng đối với nhiều nhà quan sát quốc tế cũng như ở Ukraine, thông tin ông Kuleba từ chức Ngoại trưởng là một điều bất ngờ.
Ông Kuleba hiện chưa bình luận về đơn từ chức của mình và giới lãnh đạo chính trị Ukraine cũng chưa chính thức nêu rõ lý do thay thế ông.
Ông Sybiha là một nhà ngoại giao kỳ cựu, do vậy, việc đảm nhận vị trí Ngoại trưởng là một nhiệm vụ mới nhưng không hoàn toàn xa lạ đối với ông.
Mặc dù không được công chúng nhắc tới nhiều như ông Kuleba, nhưng ông Sybiha từng lãnh đạo các nỗ lực ngoại giao tại Văn phòng Tổng thống – nơi được cho là có thể “vượt” Bộ Ngoại giao để trở thành cơ quan chủ chốt xử lý các vấn đề đối ngoại của Ukraine.
Ông Sybiha được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine vào tháng 4 năm nay. Khi đó, một số quan chức giấu tên đã nói rằng, việc ông được bổ nhiệm vào vị trí cao nhất chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ông Sybiha sinh năm 1975 tại thị trấn Zboriv, tỉnh Ternopil, phía Tây Ukraine. Ông làm việc tại Bộ Ngoại giao từ năm 1997. Ông tốt nghiệp Đại học Ivan Franko ở Lviv với bằng quan hệ quốc tế cùng năm và sau đó lấy bằng luật.
Trong vài năm tiếp theo, ông Sybiha giữ một số chức vụ tại Bộ Ngoại giao. Từ năm 2008, ông là Tham tán tại Đại sứ quán Ukraine ở Ba Lan. Bốn năm sau, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc bộ phận dịch vụ lãnh sự tại Bộ Ngoại giao.
Năm 2016, ông Sybiha được bổ nhiệm làm Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2021, ông Sybiha trở về Ukraine và được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Văn phòng Tổng thống, dưới quyền ông Andrii Yermak. Ông Sybiha phụ trách chính sách đối ngoại - công việc trở nên quan trọng sau khi xung đột với Nga bắt đầu bùng phát.
Những ưu tiên của ông Sybiha
Phát biểu tại quốc hội vào ngày 5/9, ông Sybiha nhấn mạnh, đảm bảo Ukraine nhận được vũ khí cần thiết sẽ là ưu tiên hàng đầu của ông trong vai trò Ngoại trưởng.
Cuộc cải tổ chính phủ Ukraine diễn ra vào thời điểm Kiev đang kêu gọi các nước phương Tây cho phép sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga. Cho đến nay, cả Mỹ và châu Âu đều chưa bật đèn xanh cho Ukraine làm như vậy.
“Tôi không nghĩ ông Sybiha có thể làm tốt hơn ông Kuleba. Ông ấy có thể là người mới hoặc khác biệt”, nhà quan sát chính trị người Ukraine Mykola Davydiuk nói với tờ Kyiv Independent.
Cựu nghị sĩ Hanna Hopko, đồng sáng lập Trung tâm Quốc tế vì Chiến thắng của Ukraine và là người đứng đầu nhóm nghiên cứu Ants, đồng tình với tuyên bố của ông Davydiuk, cho rằng điều quan trọng là phải bảo vệ sự độc lập của Bộ Ngoại giao.
“Vấn đề không phải là thay tên của các nhà ngoại giao. Câu hỏi đặt ra là về hệ thống cho phép bộ trưởng, với những quyền hạn của chức vụ này, làm việc hiệu quả và không phải là một phần của văn phòng tổng thống”, bà Hopko nói.