Nhân viên cứu hộ đưa nạn nhân ra khỏi đống đổ nát do trận động đất ở Diyarbakir, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP
Trung Đông đã từng hứng chịu một số lượng lớn các trận động đất trong nhiều thế kỷ, bao gồm một số trường hợp tồi tệ nhất được ghi nhận trong lịch sử.
Một trận động đất có độ lớn 7,8 độ đã tấn công miền Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria hôm 6/2 vừa qua, khiến gần 8.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương cho đến thời điểm này.
Trận động đất trên đã ảnh hưởng đến tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các tỉnh ở Tây Bắc Syria - những khu vực trước đó đã hứng chịu hai trận động đất kinh hoàng nhất trên thế giới.
Trong lích sử, Iran, Palestine và Ai Cập cũng đã bị tàn phá bởi động đất, làm hư hại các tòa nhà lịch sử và khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trong những vụ thiên tai này.
Dưới đây là một số trận động đất tồi tệ nhất ở khu vực trong 2000 năm qua:
Trận động đất ở Aleppo, Syria năm 1138
Trận động đất tấn công Aleppo của Syria vào ngày 11/10/1938 là một trong những trận động đất tồi tệ nhất trong lịch sử. Theo nhà sử học Ai Cập-Hồi giáo thế kỷ 15, Ibn Taghribirdi, thảm họa được cho là đã làm khoảng 230.000 người thiệt mạng.
Vụ động đất này đã khiến Thành Aleppo hoàn toàn sụp đổ, trong khi một pháo đài của người Hồi giáo tại al-Atarib (nay là một phần của tỉnh Aleppo ngày nay) cũng bị san phẳng, khiến 600 lính canh của thành phố thiệt mạng.
Vào thời điểm đó, Aleppo đang chịu nhiều biến động do các trận chiến giữa lực lượng Hồi giáo và quân thập tự chinh.
Trận động đất ở Damghan, Iran năm 856
Trận động đất Damghan năm 856 ở miền Bắc Iran cũng là một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong lịch sử toàn cầu.
Vào ngày 22/12/856, một trận động đất có độ lớn 7,9 độ đã xảy ra ở khu vực núi Alborz của Iran.
Nó được cho là đã giết chết khoảng 200.000 người, mặc dù con số này còn gây tranh cãi. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ liệt kê nó là trận động đất nguy hiểm thứ sáu trong lịch sử được ghi lại.
Thành phố Damghad đã bị phá hủy đáng kể, cũng như một số khu vực xung quanh.
Damghad là thủ phủ của tỉnh Qumis thời trung cổ của Ba Tư cho đến khi nó bị phá hủy vào năm 1723.
Iran nằm giữa các mảng kiến tạo Arập và Á-Âu, hai mảng kiến tạo này thường xuyên va chạm, dẫn đến những trận động đất kinh hoàng.
Trận động đất ở Antioch, Thổ Nhĩ Kỳ năm 526
Một trận động đất kinh hoàng năm 526 đã tấn công thành phố Antioch của Byzantine khi đó, nằm ở tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Trận động đất xảy ra do vị trí của Antioch nằm ngay trên đỉnh của ba mảng kiến tạo: châu Phi, Arập và Anatolia. Sự va chạm tương tự đã dẫn đến trận động đất hôm 6/2 ở tỉnh Hatay.
Trong thảm họa thiên nhiên lịch sử trên, 250.000 người đã thiệt mạng, theo một số ước tính. Nhiều người trong số này không phải do trận động đất ban đầu, mà là do một loạt các đám cháy bùng phát sau trận động đất.
Cường độ của trận động đất đó có thể có độ lớn 7,0 độ, theo ước tính hiện đại.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng số người thiệt mạng khổng lồ có thể là do Antioch tổ chức lễ hội Thiên chúa giáo hàng năm, thu hút du khách từ khắp Đế chế Byzantine.
Hoàng đế Justinian, người lên ngôi Byzantine một năm sau trận động đất, đã chi một số tiền lớn để xây dựng lại thành phố. Nhưng điều này trở thành vô ích vì thành phố đã bị người Ba Tư tàn phá chỉ hơn một thập kỷ sau đó.
Trận động đất ở Thung lũng Jordan, Palestine năm 1033
Trận động đất năm 1033 ở Thung lũng Jordan, Palestine đã tàn phá nhiều vùng của khu vực Levant.
Theo hầu hết các học giả, trận động đất có độ lớn từ 6,7 đến 7,1 độ và làm cho ít nhất 70.000 người thiệt mạng.
Thảm họa có liên quan đến sự rạn nứt ở Biển Chết, một loạt các đường đứt gãy giữa các mảng kiến tạo châu Phi và Arập đã gây ra nhiều trận động đất trong hai thiên niên kỷ qua.
Các thành phố Nablus, Jericho, Hebron, Tiberias, Ashkelon và Akka đã bị phá hủy ở Palestine thời kỳ lịch sử.
Cung điện của Hisham, một địa điểm Hồi giáo đầu tiên quan trọng ở Jericho vẫn là nơi viếng thăm cho đến ngày nay, đã bị phá hủy. Thiệt hại cũng được báo cáo ở một số vùng của Syria và Ai Cập.
Trận động đất ở Cairo, Ai Cập năm 1754
Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ở Cairo của Ai Cập năm 1754.
Trận động đất, ước tính có độ lớn 6,6 độ, được cho là đã khiến 40.000 người thiệt mạng tại thành phố của Đế chế Ottoman khi đó.
Một số lượng lớn các tòa nhà ở Cairo bị sập, giết chết nhiều cư dân.
Tu viện Saint Catherine ở bán đảo Sinai, hiện là Di sản Thế giới của UNESCO, cũng bị hư hại và sau đó được sửa chữa, khôi phục.