Tỉnh táo với ChatGPT

Bình Lâm |

ChatGPT đang là hiện tượng công nghệ được nhiều người nhắc đến vì các giá trị tích cực và cả những mặt trái mà phần mềm này mang đến. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm nghiên cứu và ban hành các khuôn khổ pháp lý liên quan để bảo đảm việc khai thác, ứng dụng ChatGPT nói riêng và trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung hiệu quả, an toàn, trách nhiệm.

Được sử dụng như một công cụ

Công ty OpenAI hiện vẫn chưa hỗ trợ sử dụng ChatGPT tại Việt Nam nhưng đã tạo nên sự sôi động bằng việc mua bán tài khoản ChatGPT. Mức giá được rao bán dao động trong khoảng từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng. 

Qua nhiều diễn đàn mua bán tài khoản này cho thấy, cách đây vài tuần, mỗi tài khoản ChatGPT có thể bán được với giá 200.000 đồng thì nay còn 50.000 đồng, thậm chí 20.000 đồng và có nhiều nơi tặng không… Nguyên nhân là do có nhiều nhóm yêu thích công nghệ đã tạo vô số tài khoản ChatGPT để “ai chưa có thì dùng”. Không chỉ vậy, nhiều người còn chỉ cách để dùng ChatGPT sáng tạo hơn.

Tài khoản Facebook tên Nam Nguyen bày cách cài đặt tiện ích mở rộng của ChatGPT trên Google Chrome để sử dụng các tính năng của công cụ này. Theo đó, khi cài tiện ích “ChatGPT for Google” lên Chrome, công cụ sẽ đưa thêm phần trả lời của ChatGPT bên cạnh kết quả tìm kiếm của Google. Không chỉ vậy, tiện ích “ChatGPT writer” sẽ được Gmail tự động nhúng thẳng nút ChatGPT vào trình biên soạn và như vậy mỗi lần tạo email mới hay trả lời email cũ thì người dùng bấm nút bật “ChatGPT writer” lên và mô tả yêu cầu sơ lược, ChatGPT sẽ gợi ý nội dung cho email mới.

Trong một cộng đồng ChatGPT khác, không ít bạn trẻ đã chỉ ra việc sử dụng ChatGPT như một chuyên gia hỗ trợ viết code. Sau khi đưa ra yêu cầu, ChatGPT lập tức soạn ra các đoạn mã. Thậm chí, khi có những đoạn mã không hoạt động, người dùng tiếp tục truy vấn, đặt vấn đề với ChatGPT thì nền tảng này liền đưa lời khuyên và giải pháp ngay sau đó để người dùng xử lý.

Hiện giới trẻ yêu thích công nghệ đã ứng dụng ChatGPT theo nhiều cách khác nhau. Rất nhiều người yêu cầu công cụ này viết ra các kịch bản video để đăng trên TikTok hay YouTube. ChatGPT đã sáng tạo ra những phân cảnh nhìn rất bài bản hoặc hướng dẫn cách kết hợp ChatGPT với 2 công cụ AI khác là Midjourney (công cụ tạo tranh ảnh bằng AI) và Azure (để tạo ra một video kể câu chuyện). Trong đó, ChatGPT sáng tạo ra toàn bộ câu chuyện, Midjourney tạo ảnh minh họa dựa trên những miêu tả của ChatGPT, còn Azure Voice tạo ra giọng kể tiếng Việt…

Nguy cơ phát triển các phần mềm độc hại

Song song với những ứng dụng “xài được” như nói trên, ChatGPT vẫn còn nhiều tồn tại mà người dùng cần thận trọng. Ông Nguyễn Hồng Phúc, một chuyên gia công nghệ, cho rằng, lượng dữ liệu văn bản rất lớn mà các nhà khoa học tại OpenAI thu thập để huấn luyện cho AI không phải tất cả đều thiên hướng “đúng” và chứa những thông tin “đúng” với chuẩn mực của xã hội. Khi AI đọc đi đọc lại văn bản để tìm các tầng ý nghĩa thì nó cũng đồng thời tìm ra các ý “đúng” lẫn ý “sai”, nhưng AI không có ý thức để nhận biết được thông tin nào là đúng, thông tin nào là sai, mà chỉ đơn thuần là ghi nhớ tất cả.

Theo ông Huy Nguyễn, Giám đốc điều hành KardiaChain, ChatGPT là một sản phẩm thử nghiệm thú vị và đã chứng tỏ được sự ảnh hưởng và giá trị lớn của công nghệ AI, nhưng dự báo sẽ xuất hiện một số vấn đề cần sớm được giải quyết, ví dụ như: thông tin sai lệch, thông tin trái chiều cần kiểm chứng, các chủ đề gây tranh cãi, hay lỗ hổng tấn công an ninh. “Các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm nghiên cứu và ban hành các khuôn khổ pháp lý liên quan để bảo đảm việc khai thác, ứng dụng AI vào công việc, đời sống một cách hiệu quả, thiết thực cũng như góp phần tránh các vấn đề phát sinh tiêu cực do nó gây ra. Không chỉ vậy, cần xây dựng cho nó các thông tin đúng, chính xác để từ đó tạo ra những giá trị trong ứng dụng AI, đặc biệt chú trọng đến xây dựng AI của Việt Nam”, ông Huy Nguyễn đề xuất.

Trước sức hút của ChatGPT, các chuyên gia AI cho rằng, ChatGPT vừa có mặt tích cực và tiêu cực nên việc sử dụng nó như thế nào hợp lý là do mỗi người. Hơn nữa, câu trả lời của ChatGPT dựa trên dữ liệu đã được huấn luyện nên có thể có những thiên kiến về một hướng trả lời. Do dữ liệu huấn luyện chưa được cấu trúc cân đối, người dùng cần sử dụng thêm các nguồn thông tin khác để kiểm chứng.

Với vấn đề về an toàn thông tin, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm và thấy rằng, ChatGPT “với khả năng bắt chước ngôn ngữ con người một cách thuyết phục” đã không mắc phải những lỗi khiến một email lừa đảo dễ bị phát hiện, chẳng hạn như chính tả hay ngữ pháp. Bởi vậy, khả năng người dùng trở thành nạn nhân của email giả mạo do chatbot soạn thảo sẽ cao hơn, vì nó có khả năng sử dụng ngôn từ linh hoạt, có thể dễ dàng tạo một email lừa đảo với ngôn từ tinh vi và đầy sức thuyết phục, có thể gài bẫy để thu thập, chia sẻ dữ liệu hoặc mật khẩu của người dùng.

Bên cạnh đó, theo nhiều nhà phân tích, một nguy cơ nghiêm trọng hơn là ChatGPT có khả năng phát triển các phần mềm độc hại hoặc lừa đảo. Nhà cung cấp hệ thống bảo mật CyberArk phát hiện ra rằng, ChatGPT có thể được sử dụng để tạo ra mã độc đa hình, một chương trình phần mềm độc hại có khả năng lẩn tránh cao. Các chuyên gia Eran Shimony và Omer Tsarfati của CyberArk tiết lộ, ChatGPT có thể sao chép và thay đổi mã độc cũng như tạo nhiều phiên bản của mã đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại