Những trận đánh 'không tên' của nữ Biệt động Sài Gòn

Đình Du |

Ðã thành bà ngoại, bà nội từ lâu, nhưng những ký ức hào hùng trong những năm tháng tươi trẻ như chưa bao giờ mất đi với những nữ chiến sĩ Biệt động Thành năm xưa. Những năm tháng đó, họ đã hy sinh cả tuổi trẻ, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng bằng sự gan dạ, “lanh trí”…và bị tù ngục, tra tấn dã man nhưng không bao giờ lung lay lòng yêu nước.

“Lì đòn” như “Dame Hai Phiên”

Đó là tên một bài báo do một nhà báo nước ngoài viết về người nữ biệt động Sài Gòn Dung Thị Phiên vào năm 1986, khi bà ra thăm Hà Nội. Bà sinh năm 1940, tại Củ Chi, đồng đội gọi bà là cô Hai Phiên.

Nhà cô Hai Phiên ở xã Thác Mỹ. Cô kể, năm 1963, khi cô mới 23 tuổi, chồng đã hy sinh, cô nối chí chồng tham gia cách mạng, làm giao liên và trinh sát ở Đoàn A20, do ông Hai Trí làm đội trưởng, dù lúc này hai đứa con của cô còn quá nhỏ. Cô đã cùng gia đình vận chuyển vũ khí để đánh trận tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968.

“Ông Hai Trí giao nhiệm vụ cho gia đình tôi đi mua cây về cắt ra thành từng khúc, sau đó những người em tôi chẻ làm đôi, đục hết lõi ra và bỏ đạn B40, thuốc nổ… vào trong.

Sau đó cha tôi ghép lại cẩn thận và bỏ xuống bùn vùi cho đen khúc cây để không bị địch phát hiện. Khi đã đủ số lượng vũ khí cần thiết, cha tôi cho chất “bó củi” lên xe bò đi ra tỉnh lộ 7, nơi có xe của chú Năm Lai (tức Mai Hồng Quế, là một tình báo lúc bấy giờ làm nội thất trong Dinh Độc Lập) đợi sẵn nhận vũ khí”, cô Hai Phiên kể.

Năm 1969, cô Hai Phiên chủ yếu vận chuyển vàng qua Campuchia để đổi ra đô la xanh và đưa về Củ Chi.

Cô gói vàng vào những đòn bánh tét, rồi bỏ vào quang gánh, đem sang Campuchia. Khi đã đổi được đô la, cô bỏ vào đáy thúng rồi trải lá chuối và mắm bên trên. Mỗi lần vận chuyển khoảng 20 lượng vàng, có nhiều đợt vận chuyển từ Củ Chi lên Trảng Bàng (Tây Ninh), cô đi bằng xe lam qua chợ Dầu tới đất Campuchia, còn lúc vào lại Sài Gòn có khi đi xe đò hoặc xe thồ.

“Hồi đó 45 đồng tiền Việt đổi được 100 USD. Mỗi tháng tôi đi từ 3 tới 4 lần. Cuối năm 1970, lúc Campuchia đang đánh nhau ác liệt, việc đi lại rất khó khăn, vì một bên là lính quốc gia, một bên là lính của Campuchia nên việc kiểm soát giấy tờ căn cước chúng làm rất gắt gao. Phải bày mưu mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Tôi hay nhặt lại những tờ giấy mà bọn chiêu hồi rải khắp đường, lúc tới cửa khẩu lính gác hỏi, tôi nói qua thăm chồng, muốn kêu chồng tôi về và đưa cho họ giấy kêu gọi chiêu hồi. Chúng hỏi bao giờ về, tôi nói, nếu qua gặp được thì 3 hay 4 ngày về, nếu không gặp thì đợi khi nào tôi gặp được chồng tôi mới về.

Về sau, thấy tôi đi nhiều, chúng cũng thắc mắc, tôi nói nhà nước có lệnh khoan hồng thì tôi phải qua kêu gọi chồng về bằng được”, cô Hai hồi tưởng thời ác liệt nhưng hào hùng nhất ấy.

Lần cuối cùng, cô vận chuyển tiền đô la xanh về vào năm 1970, với số lượng 400 USD, trên đường đi mới giao được 80 USD, còn hơn 300 USD giao ở điểm thứ 2 thì bị bắt, do địch đã nhặt được tờ biên nhận tiền bị mất của cô trên đường đi.

Sau đó, chúng bắt giam cô 18 tháng. Trong tù, chúng dùng nhục hình ép cung. Dù đau đớn, nhưng cô nhất nhất chỉ khai là qua thăm chồng. “Không những bắt tôi, mà chúng bắt cả hai đứa con tôi. Đứa con gái lớn của tôi lúc đó 11 tuổi, bị chúng đánh, bóp cổ ra máu họng, còn thằng con trai thì còn nhỏ, mới 9 tuổi nên chúng đánh ít hơn.

Sau khi được thả về nhà, mẹ tôi quỳ lạy, than khóc, xin tôi đừng đi làm việc đó nữa, vì từ cha tôi tới các anh em đều đi theo cách mạng. Nhà cũng đã có hai người em hy sinh rồi. Nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, tôi gửi con cho bà ngoại, hàng xóm rồi tiếp tục hoạt động”, cô Hai Phiên nhớ lại.

Ký ức chiến tranh của “Cô Ba biệt động”

Cô Nguyễn Ngọc Huệ (Ba Huệ, sinh năm 1946), tham gia cách mạng năm 1958 và vào bộ đội năm 1964, khi vừa tròn 18 tuổi. Cô Ba Huệ là một nhân chứng còn lại của lực lượng Biệt động Thành năm xưa, đã từng tham gia cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968.

Trí nhớ của cô đã giảm nhiều vì những trận đòn tra tấn tàn nhẫn năm xưa. Nhớ lại hồi mới tham gia cách mạng, cô làm giao liên, nhiệm vụ là đưa thư ở căn cứ Hố Bò, đôi khi là giao qua tới bên Campuchia để chuẩn bị đánh trận Mậu Thân.

Cũng có lúc, cô được điều động để vận chuyển vũ khí như súng AK, lựu đạn, thuốc nổ TNT… Việc vận chuyển vũ khí vào nội thành có nhiều chặng nhưng được chia làm 3 chặng chính: Là từ căn cứ bàn đạp (khu giải phóng) về vùng giáp ranh; Từ vùng giáp ranh đến các trục giao thông chính (do chính quyền Sài Gòn kiểm soát) và chặng quan trọng nhất, hung hiểm nhất là từ đó đi vào nội đô Sài Gòn.

Do quen thuộc đường vào nội đô và có kinh nghiệm nhiều lần ra vào Sài Gòn khi còn làm giao liên, vận chuyển tiền, thuốc tây… nên “Cô Ba biệt động”, được giao nhiệm vụ áp tải vũ khí vào Sài Gòn.

Có lần điểm giao vũ khí cho chú Năm Lai ngay trên trục đường chính, có lần chuyển đến nội thành mới giao.

Theo lời cô kể, việc nguỵ trang để vận chuyển là việc mất thời gian nhất, như: súng AK được cuốn trong tấm bố, thuốc nổ, lựu đạn cho vào “cần xé”, để rơm và trái cây lên giả làm người mua bán, đạn súng AK cho vào bộ ván khoét ruột, vào giữa hai lớp gạo trong bao gạo…

“Có hôm vận chuyển vũ khí, thấy tình hình yên tĩnh có thể đi được, tôi cho xe bò chuyển vũ khí ra. Khi vừa đánh xe bò ra tới ngã ba thì lính ở đâu ập tới quá trời.

Chúng hỏi cái gì đó em gái, tôi nhanh nhảu nói nhà có bộ ván gỗ quý, mà để trong ấp sợ pháo bắn cháy uổng, tôi đem qua gửi bên nhà ngoại ở Sài Gòn.

Các anh giúp em mang qua xe hơi chở vào Sài Gòn với, em biết ơn. Nghe vậy, chúng chẳng mảy may nghi ngờ mà còn giúp tôi “rinh” gỗ từ xe bò qua xe tải của ông Ba Bảo”, “Cô Ba biệt động” nhớ lại.

Những trận đánh không tên của nữ Biệt động Sài Gòn - Ảnh 1.

Những bó cà tăng giấu vũ khí bên trong.

Tinh thần thép

Với sự gan dạ, “lanh trí” của mình, cô Ba Huệ đã vận chuyển trót lọt hàng chục chuyến vũ khí vào Sài Gòn để lực lượng Biệt động Thành chuẩn bị cho những trận đánh kinh thiên, động địa. Không chỉ vận chuyển vũ khí, “Cô Ba biệt động” còn đưa quân ta (cải trang) vượt qua hàng rào kiểm soát dày đặc của địch để vào nội thành.

Một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất là chuyến đi vào ngày 29-30 Tết Mậu Thân. Ngày đó, “Cô Ba biệt động” đảm trách đưa một phân đội khoảng 20 người vào Sài Gòn, để “ém” quân, chuẩn bị cho trận đánh lớn.

Những trận đánh không tên của nữ Biệt động Sài Gòn - Ảnh 2.

Những sọt cà chua, khoai mì giấu vũ khí đưa đi tập hợp ở hầm bí mật nhà ông Năm Lai để Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.

Trong một lần đi trinh sát tại Trường đua Phú Thọ để chuẩn bị cho trận đánh lớn ở đây, cô cùng một nữ biệt động khác chuẩn bị vào nhà để nghỉ, thì bên ngoài lính đã phục sẵn. “Lính ập vào, chúng lập tức còng tay chúng tôi rồi áp tải vào trại giam, giam mỗi người một phòng.

Ngay sau đó, một tốp lính 5 thằng mang vũ khí của chúng tôi (mang theo trong người) vứt trước mặt rồi “hù”, có một nữ biệt động bị bắt khác đã khai hết 7 cơ sở. Chúng tôi bị bỏ tù 3 tháng, bị đánh đập tàn bạo, nhưng nhớ nhất những lần bị chích điện, đau đến ngất lịm.

Chúng còn đưa một tên chiêu hồi đi nhận mặt tù nhân. Tôi lo lắm, vì trong căn cứ nó biết mặt tôi. Anh em tù bảo nhau, nếu thấy thằng chiêu hồi, cứ lánh đi, không tránh được thì đánh thẳng mặt nó, mắng lớn “mày bị đánh nhiều quá khai tầm bậy hả?”, Cô Ba biệt động kể.

Sau hơn 3 tháng giam cầm, do địch không khai thác được gì, cô Huệ được thả ra. Sau đó, cô Huệ được đưa vô “cứ” đi học 6 tháng y tá và chính trị để lánh mặt giặc, rồi về hoạt động bình thường.

Sau chiến tranh, những người nữ biệt động năm xưa giải ngũ, trở về với công việc làm ăn mưu sinh, lo toan cho gia đình hàng ngày. Giờ đây, ở tuổi xế chiều, các nữ biệt động “vang bóng một thời” như “Dame Hai Phiên” và “Cô Ba biệt động” Ngọc Huệ đã thành những bà lão hàng ngày vui vầy với con cháu, với những ký ức chiến tranh mãi mãi lùi xa…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại