Những tính toán mới của Trung Quốc tại Trung Đông

Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh, Ngọc Thạch/VOV-Cairo, Hồ Điệp/VOV1 |

Ngoại trưởng Trung Quốc thăm 6 nước Trung Đông và tham vọng cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ ở khu vực này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia. Ảnh: FMPRC.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia. Ảnh: FMPRC.

Cùng với những diễn biến nóng tại bán đảo Triều Triên, quan hệ Mỹ-châu Âu… chuyến thăm 6 nước Trung Đông của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm. Diễn ra 10 ngày sau cuộc đối thoại Trung- Mỹ tại Alaska, chuyến công du của ông Vương Nghị tới Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Bahrain và Oman được cho là chuyển tới Mỹ nhiều thông điệp.

Trung Quốc cũng không ngần ngại thể hiện một vai trò mới ở Trung Đông khi đề xuất kế hoạch mời Israel và Palestine tổ chức đối thoại cũng như đưa ra các giải pháp mới cho vấn đề hạt nhân Iran.

Đến ngày hôm nay, ông Vương Nghị đã kết thúc chuyến công du 4 nước bao gồm Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất...

Những điểm đáng lưu ý chặng đầu tiên của ông Vương Nghị

Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước Trung Đông và nâng quan hệ lên đối tác chiến lược với 13 nước trong khu vực này, đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn ở Trung Đông. Trong kế hoạch Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm 6 nước ở Trung Đông gồm Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, UAE và Bahrain, Oman.

Điều này phản ánh sự quan tâm lớn của Trung Quốc với các nước trong khu vực. Saudi Arabia là điểm dừng chân đầu tiên của ông Vương Nghị, tiếp đến là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Đây thực sự là ba nước có ảnh hưởng rất lớn trong khu vực. Tại Riyadh, ông Vương Nghị đã nêu lên 5 sáng kiến mà nước này mong muốn thúc đẩy hợp tác với khu vực Trung Đông. Trước hết, sáng kiến ​​của Trung Quốc bao gồm "ủng hộ sự tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng công lý và bình đẳng, đạt được mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân, hợp tác để đạt được an ninh tập thể ".

Trung Quốc ủng hộ sáng kiến ​​của Saudi Arabia nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Yemen. Với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc ủng hộ và đóng góp cho hòa bình và phát triển ở Trung Đông. Cụ thể đối với vấn đề Palestine, Trung Quốc kêu gọi hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước, nhấn mạnh sẽ gửi lời mời đến lãnh đạo Palestine và Israel tham gia đối thoại tại Trung Quốc.

Một nội dung quan trọng khác là cung cấp vaccine cho khu vực này. Ông Vương Nghị khẳng định Trung Quốc sẽ giúp các nước chống dịch và tăng cường sản xuất, phân phối và cung cấp vaccine. Trước đó, nhiều nước trong khu vực đã nhận viện trợ vaccine Sinopham của Trung Quốc”.

Trung Quốc chuyển hướng chiến lược về vấn đề Iran và Palestine?

“Dường như nhận thấy sự thay đổi trong “cục diện truyền thống do Mỹ chủ đạo” tại đây, Bắc Kinh đã đặt nội dung “trao đổi chiến lược” lên vị trí số 1 trong nghị trình của ông Vương Nghị. Rõ ràng, chuyến thăm này giúp Trung Quốc củng cố và mở rộng “mạng lưới bạn bè” trong bối cảnh đang bị Mỹ và phương Tây phối hợp đối đầu.

Đáng chú ý, trong chuyến thăm lần này, ông Vương Nghị đã đưa ra sáng kiến 5 điểm để giải quyết vấn đề Trung Đông, gồm tôn trọng lẫn nhau, công bằng chính nghĩa, không phổ biến vũ khí hạt nhận, thiết lập an ninh tập thể và đẩy nhanh hợp tác phát triển, trong đó có việc xây dựng lộ trình và thời gian biểu khôi phục thực hiện Thỏa thuận hạt nhân Iran với việc Mỹ phải có những bước đi thực chất nới lỏng trừng phạt đơn phương nhằm vào Iran, trong khi Iran thực hiện trở lại các cam kết trong thỏa thuận theo hình thức đối đẳng, cũng như việc một lần nữa Trung Quốc mời đại diện của Israel và Palestine tới nước này tiến hành đối thoại.

Nội dung chính của các sáng kiến này là nhằm thay đổi cách giải quyết các vấn đề ở khu vực Trung Đông bấy lâu nay, thể hiện vai trò chủ động hơn của Bắc Kinh đối với khu vực, trong khi vẫn đảm bảo được sự “không can thiệp” vốn có - cách ứng xử được cho là gây được “thiện cảm” hơn với các lãnh đạo trong một khu vực vốn nhiều tranh cãi như Trung Đông của Trung Quốc.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Iran Rowhani ngày 27/3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, “giờ đã là lúc nhìn nhận lại một cách nghiêm túc những hậu quả do sự can thiệp từ bên ngoài gây ra cho tình hình khu vực, để chung tay tìm kiếm con đường hữu hiệu duy trì ổn định và hòa bình lâu dài trong khu vực”.

Tính khả thi của những đại kế hoạch này và thái độ của dư luận Trung Đông?

Trung Quốc có những quan hệ và ảnh hưởng ở Trung Đông. Nước này cũng ít có những tác động trực tiếp vào các vấn đề lớn của khu vực mà thường chú trọng hợp tác đầu tư, kinh tế và giáo dục. Nhưng sáng kiến mà Ngoại trưởng Vương Nghị vừa nêu cho thấy chính sách mới của Trung Quốc đối với các vấn đề “nóng”ở Trung Đông.

Tuy nhiên, để thực hiện các sáng kiến hay đại kế hoạch mà nước này vừa nêu là một câu chuyện dài và có thể nói là khó khả thi. Bởi các vấn đề của khu vực Trung Đông từ lâu này không còn đơn thuần là vấn đề nội bộ mà là sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc, là cuộc chiến ủy nhiệm và những mâu thuẫn nội bộ với sự phức tạp về an ninh, khủng bố, cực đoan.

Như vấn đề hạt nhân của Iran, tiến trình hòa bình Israel – Palestine, Syria hay Yemen đều do Mỹ, Nga đứng ra dàn xếp hòa giải. Hay nói cách khác đây là “miếng bánh” của các nước này vì thế Trung Quốc khó có thể thay đổi cục diện, có chăng là ủng hộ thêm cho các bên liên quan. Ngay cả vấn đề vaccine, Trung Quốc đã viện trợ cho nhiều nước trong khu vực nhưng ngay cả nguồn cung này cũng không đủ, nhiều nước vẫn nhập từ các nguồn khác.

Các nhà lãnh đạo Trung Đông luôn sẵn sàng chào đón bất kỳ sự ủng hộ, hỗ trợ nào của các nước để giải quyết các vấn đề của khu vực, thúc đẩy hòa bình, ổn định. Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và là cường quốc lớn, đầu tư lớn vào Trung Đông nên những sáng kiến mà nước này nêu được hoan nghênh. Nhưng còn hiệu quả tới đâu thì khó có thể khẳng định được trong bối cảnh khu vực có nhiều phức tạp như hiện nay.

Thông điệp do phía Trung Quốc gửi từ chuyến thăm này?

“Theo ông Vương Nghị, đề xuất 5 điểm mà Bắc Kinh đưa ra là nhằm kêu gọi các nước trong khu vực phát huy vai trò của “người làm chủ” và tinh thần độc lập tự chủ, thoát khỏi sự tranh giành địa chính trị, tìm kiếm con đường phát triển phù hợp với tình hình khu vực và các quốc gia, xây dựng khung an ninh phù hợp với lợi ích của các quốc gia trong khu vực.

Thông điệp mà Bắc Kinh đưa ra qua phát biểu này là quá rõ ràng. Đó là kêu gọi các nước Trung Đông từ chối mọi sự can thiệp từ bên ngoài, trong đó có cả Mỹ. Trung Quốc nếu có tham dự cũng chỉ với vai trò trung gian và đối tác, không vượt qua giới hạn kiểu “can thiệp nội bộ”, nhưng cũng chẳng “khoanh tay đứng nhìn”.

Qua hàng loạt các hoạt động ngoại giao thời gian qua, trong đó có chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Vương Nghị, Trung Quốc đang muốn chứng minh cho Mỹ và đồng minh rằng, họ không thể khiến Trung Quốc thay đổi thái độ hay đạt được lợi thế trong đối thoại với Trung Quốc bằng các biện pháp trừng phạt, đồng thời đáp trả bằng chính sách ngoại giao tích cực ở nhiều khu vực.

Chuyến công du này còn nhằm gửi tới các các đối trọng của Trung Quốc thông điệp rằng các quốc gia quan trọng trong thế giới Hồi giáo và Arab, bao gồm cả các đối tác của Mỹ và NATO đang muốn tách mình ra khỏi chiến dịch chính trị của phương Tây, ưu tiên phát triển quan hệ với Trung Quốc./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại