Nhiều người có thói quen xử lý rác thải một cách bừa bãi bằng cách đổ trực tiếp xuống ống nước thải mà không biết cách làm đó vô cùng có hại, lâu dần sẽ khiến hệ thống thoát nước thải bốc mùi hôi thối, tắc nghẽn, làm tốn công sức cũng như tiền của để sửa chữa, thay mới.
Những thứ nào không nên xả vào đường ống nước thải?
Có thể bạn đổ những thứ này xuống cống vì thấy chúng không gây tắc nghẽn ngay lập tức, nhưng nếu bạn tiếp tục duy trì thói quen sai lầm đó, tình trạng tắc cống chắc chắn sẽ xảy ra dù sớm hay muộn. Ngoài ra, một số thứ tuy không dễ gây tắc cống nhưng có nguy cơ "đầu độc" môi trường.
Dầu mỡ
Nếu bạn vô tư đổ thẳng dầu mỡ thừa xuống ống cống thì nó sẽ bám vào thành cống, bị cứng lại, khiến lòng cống hẹp dần và tắc nghẽn sau một thời gian. Một số loại sốt trộn salad, bơ, sốt mayonnaise cũng chứa dầu mỡ, dễ bám vào thành cống.
Do đó, bạn cần nhớ rằng dầu mỡ là một trong những thứ không nên xả vào đường ống nước thải. Trước khi vệ sinh rửa bát đĩa, xoong nồi, bạn nên gạt bỏ sạch các loại nước sốt còn bám trên bát/đĩa vào thùng rác, dầu ăn cũng nên được đổ nguội rồi đổ vào thùng rác.
Bã cà phê
Bã cà phê là một trong những thủ phạm tồi tệ nhất gây ra tình trạng tắc nghẽn cống. Thay vì đổ xuống bồn rửa, bạn hãy bỏ chúng vào thùng rác hay tận dụng để làm đất trồng cây.
Để ngăn ngừa bã cà phê đóng cặn trong đường ống, hãy đông lạnh một ít giấm trong ngăn đá, thả một số viên giấm này xuống cống, bật vòi nước ấm thật nóng và xả vài phút. Cách này giúp đẩy bã cà phê trên thành ống thoát nước xuống đường ống và trôi đi.
Vỏ trứng
Không ít người nghĩ rằng vỏ trứng sau khi được nghiền nát có thể trượt xuống cống một cách trơn tru, nhưng thực tế nó làm tăng nguy cơ làm tắc cống bởi thành phần chính trong vỏ trứng là CaCO3 không tan trong nước.
Nhiều mảnh vỏ trứng nhỏ tụ dần với nhau, sau một thời gian sẽ hình thành vật cản lớn trong đường ống nước. Bên cạnh đó, các cạnh sắc cứng của mảnh vỏ trứng có thể cuốn theo những loại rác khác chảy xuống cống, gây tắc.
Thuốc
Do lo sợ có người nhặt lại hay vật nuôi ăn phải thuốc, nhiều người có thói quen nghiền nát thuốc rồi đổ xuống cống mà không biết rằng những chất trong thuốc có thể bị rò rỉ trở lại nguồn nước và môi trường.
Vì vậy, nếu muốn xử lý chỗ thuốc hết hạn hay không sử dụng nữa, bạn nên gói chặt rồi vứt vào thùng rác, có thể làm bẩn thuốc trước khi vứt đi.
Sản phẩm làm từ giấy
Sản phẩm giấy duy nhất nên xả xuống cống là giấy vệ sinh vì nó được thiết kế đặc biệt để phân rã trong nước.
Còn khăn giấy, bông gòn, băng vệ sinh là những thứ không nên xả vào đường ống nước thải mà phải được vứt vào thùng rác vì chúng có khả năng thấm hút cao, dễ dàng làm tắc nghẽn đường ống.
Sơn
Sơn là thứ tuyệt đối không được đổ xuống cống dù đó là chất lỏng. Sơn có khả năng gây ô nhiễm môi trường và khiến cống thoát nước bị tắc.
Ngoài ra, tóc rụng, cơm, sợi mỳ, phở cũng là những thứ không nên xả vào đường ống nước thải để tránh nguy cơ tắc nghẽn.
Cách xử lý ống thoát nước có dấu hiệu tắc
Khi đường ống thoát nước nhà bạn có dấu hiệu tắc nghẽn, hãy áp dụng các biện pháp xử lý sau (hãy gọi thợ nếu nhận thấy tình trạng tắc nghiêm trọng hoặc việc tự xử lý không hiệu quả):
- Dùng nước ấm từ 50 - 70 độ C để thông ống thoát nước khi bị nghẹt do rác thải mềm (như giấy vệ sinh, thực phẩm dư thừa)... Không nên sử dụng nước nóng 100 độ C vì nước quá nóng có nguy cơ làm hỏng hoặc giảm tuổi thọ đường ống dẫn.
- Mua bột thông cống về và thực hiện theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Lưu ý, bột thông cống chỉ hiệu quả với những loại rác thải mềm, rác thải hữu cơ.
- Sử dụng bột baking soda/giấm/coca để thông cống. Cách làm này chỉ hữu hiệu nếu đường ống bị tắc nhẹ và có rác thải sinh hoạt hữu cơ.
- Dùng móc phơi quần áo bằng kim loại để móc rác.