Những thủ đoạn và con đường thẩm lậu thuốc tân dược vào Việt Nam

KHÁNH HOÀ |

Sau khi Báo Lao Động triển khai loạt bài phản ánh về các Cty ma buôn thuốc ung thư giả, ngày 8.11, Tổng cục Hải quan đã lên tiếng về thực trạng thẩm lậu cũng như những thủ đoạn tuồn thuốc tân dược giả, lậu vào Việt Nam.

Theo Tổng cục Hải quan, nhiều đối tượng đã lợi dụng địa hình hiểm trở, có nhiều đường mòn, lối tắt tại các tuyến đường bộ để xé lẻ lô hàng, tháo rời vỏ bao bì, nhãn mác rồi vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau, “khoán trách nhiệm” từng cung đường, cất giấu trà trộn lẫn trong các mặt hàng khác hoặc mang xách theo hành lý như người du lịch hoặc lợi dụng địa hình đường biên giới sát khu dân cư có nhiều đường mòn, lối mở, chia nhỏ thuốc tân dược nhập lậu về nội địa để tiêu thụ.

Không ít DN, Cty ma đã nhập khẩu hoạt chất, thuốc, tân dược, kháng sinh thế hệ mới nhưng không khai, khai sai hoặc cố tình khai không đúng số lượng, chủng loại, tính chất của hàng hóa để tránh bị kiểm tra ngay từ đầu vào nhập khẩu.

Vì hàng hóa là thuốc tân dược thường được vận chuyển về bằng đường biển nên thủ đoạn này được các đối tượng buôn lậu sử dụng tại các Cục Hải quan Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng nhập khẩu hoạt chất, thuốc tân dược, thuốc đặc trị nhưng thành phần không đúng bản chất của thuốc, thậm chí sản phẩm nhập không phải là dạng thuốc được bào chế để chữa bệnh cho con người, đồng thời lợi dụng loại hình quá cảnh để vận chuyển thuốc tân dược rồi sau đó vận chuyển ngược vào nội địa Việt Nam.

Thủ đoạn này thường được các đối tượng sử dụng tại khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh có đường biên giới giáp với Campuchia.

Không chỉ vậy, còn có một số đối tượng buôn lậu thuốc tân dược xuất cảnh đi du lịch rồi vận chuyển thuốc tân dược qua đường hàng không với vai là hành khách nhập cảnh, du lịch từ các thị trường thuốc như Cuba, Hàn Quốc.

Theo thống kê của ngành Hải quan, toàn quốc có khoảng trên 100 DN nhập khẩu thuốc tân dược. Tính đến thời điểm này, trong năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng gần 3 tỉ USD hàng dược phẩm từ thị trường Pháp, Đức và Hàn Quốc.

Ngoài ba thị trường chính kể trên, Việt Nam nhập khẩu dược phẩm từ các thị trường khác nữa như: Italia, Hoa Kỳ, Anh, Thụy Sỹ, Thái Lan, Ấn Độ….

Một số vụ việc điển hình được phát hiện như vụ phát hiện 1.360 vỉ thuốc tân dược là kháng sinh thế hệ mới, không rõ xuất xứ tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, hay vụ tân dược vô chủ 28.980 viên tân dược ở Đồng Tháp; 73.500 viên tân dược thuộc dòng kháng sinh thế hệ mới tại Điện Biên...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại