Những thông điệp của Chính phủ từ thương vụ Sabeco

Hà Chính |

Quyết chống lợi ích nhóm, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước và “Chính phủ không bán bia, bán sữa” là những thông điệp quan trọng từ thương vụ bán vốn nhà nước tại Sabeco.

Bán thành công 109 nghìn tỷ đồng cổ phiếu Sabeco Chính phủ liêm chính: ‘Người dân đang nhìn Vinamilk, Sabeco’

Chiều 18/12, Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá cạnh tranh 343,66 triệu cổ phiếu Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ. Toàn bộ khối lượng cổ phần chào bán đã được bán hết với mức giá rất cao là 320.000 đồng/cổ phiếu. Từ phiên đấu giá này, Nhà nước đã thu về hơn 109.972 tỷ đồng.

Những thông điệp của Chính phủ từ thương vụ Sabeco - Ảnh 1.

Kết quả phiên đấu giá cổ phiếu Sabeco ngày 18/12.

Quá trình bán vốn nhà nước tại Sabeco đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo hết sức chặt chẽ từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ngày 29/8/2016, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành về chủ trương tiếp tục bán vốn nhà nước tại Sabeco và nhiều doanh nghiệp lớn khác.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng đã nhấn mạnh các nguyên tắc, quan điểm trong quá trình bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nói trên và trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, bán vốn nhà nước nói chung.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện theo các quy luật, thông lệ thị trường, đấu giá cạnh tranh, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, chống lợi ích nhóm, bảo toàn tối đa tài sản nhà nước, bảo đảm lợi ích cao nhất của đất nước.

Với việc bán vốn nhà nước tại những doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết như Sabeco, Thủ tướng chỉ rõ, để bảo đảm công khai, minh bạch, bảo đảm có lợi nhất cho nhà nước, phải tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi bán vốn nhà nước. Tránh trường hợp định giá cổ phần không sát, không đúng, làm thất thoát phần vốn nhà nước, việc định giá cụ thể dựa trên các quy định pháp luật, nguyên tắc thị trường và ý kiến đơn vị tư vấn.

Thực hiện yêu cầu của Thủ tướng, quá trình bán vốn nhà nước tại Sabeco đã được triển khai hết sức bài bản. Cuối năm 2016, Sabeco chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn Hose và đây chính là cơ sở để cổ phiếu Sabeco được định giá rất cao.

Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Bộ Công Thương), mức giá khởi điểm của phiên đấu giá được xác định trên nguyên tắc lấy giá cao nhất trong các mức giá sau đây:

Mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán vào trước thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco 281.500 đồng; mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn 184.700 đồng; giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin 320.000 đồng.

Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công an, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) thực hiện giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình giao dịch mã cổ phiếu Sabeco trên thị trường chứng khoán để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các giao dịch bất thường, đảm bảo minh bạch ổn định đến ngày 31/12/2017.

Trên thực tế, nhiều trường hợp cổ phần hóa, bán vốn nhà nước trước đây đã để xảy ra các vi phạm, tiêu cực. Ngay tại Bộ Công Thương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của nguyên Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa liên quan tới việc cổ phần hóa Bóng đèn Điện Quang.

Nhưng với những chỉ đạo dứt khoát của Thủ tướng, của Chính phủ, có thể khẳng định việc bán vốn nhà nước tại Sabeco đã được tiến hành công khai, minh bạch và bảo đảm lợi ích cao nhất cho đất nước.

Việc Chính phủ kiên quyết bán phần vốn nhà nước tại một doanh nghiệp đang “ăn nên làm ra” như Sabeco còn phát đi một thông điệp nhất quán và kiên quyết khác. Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu “Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”, “cái gì mà tư nhân làm được thì để tư nhân làm” bởi ‘chìa khóa cho sự tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam nằm rất nhiều ở khu vực kinh tế tư nhân”.

Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiên trì, quyết liệt thúc đẩy triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, với tinh thần là những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm, thay vì Nhà nước làm, coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, khu vực doanh nghiệp Nhà nước ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn.

Chỉ khi bán vốn nhà nước, giảm được vai trò nhà đầu tư, nhà kinh doanh, Nhà nước mới có thể tập trung các nguồn lực cho chức năng kiến tạo sự phát triển của mình.

“Tăng trưởng xét đến cùng là công việc của người dân và doanh nghiệp, nhiệm vụ của Chính phủ và địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra tăng trưởng. Đây chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như vậy.

Việc Chính phủ dứt khoát rút vốn nhà nước khỏi những lĩnh vực mà khu vực tư nhân có thể làm tốt hơn sẽ gửi đi một thông điệp nhất quán cùng với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng trao đổi, trông đợi vào một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, người dân đang nhìn vào quá trình bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Sabeco. Và thành công của phiên đấu giá cổ phiếu Sabeco ngày 18/12 cho thấy Chính phủ đã nói đi đôi với làm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại