Những thiên thần im lặng

Hoàng Xuân |

Chúng tôi quyết định sẽ chỉ gắn bó với một hai nơi, nối lại một vài sợi dây đến xã hội bên ngoài, cái mà những người ở đó vô cùng thiếu thốn, nhưng họ không bao giờ dám xin ai cả.

Bé mới ba tuổi. Làn da như sữa lọc, hàng lông mày dài nâu nhạt nằm ngang, đôi mắt trong vắt, mi dài mềm mại, mí mắt như một vành móng tay bé xíu trong trong, cái mũi bé như của một con chó con và cái miệng chúm chím hồng nhạt. Con đáng yêu như một thiên thần.

Thiên thần bé nhỏ của tôi nằm ngoẹo đầu hết sức kỳ quặc trên tấm nệm rộng màu đỏ nhạt. Bé không thể nằm ở tư thế nào khác vì cái đầu to khủng khiếp, như một trái dưa hấu lỗ mãng chụp vào trên khuôn mặt non tơ.

Không có cảnh tượng nào phi lý, đáng giận và khiến ta trào nước mắt vì thấy mình bất lực hơn cảnh tượng ấy: Những đứa bé mới vài năm tuổi nằm ngổn ngang, không nói cười, không u ơ ngọng nghịu, không giơ tay đòi bế...

Chúng chỉ nằm đó, đôi mắt trong vắt như những giọt nước nhưng trí não đục mờ.

Tấm thân bé nhỏ của chúng cần đôi tay ôm ấp biết bao. Nhưng mẹ chúng đã bỏ rơi con khi sinh ra một sinh linh bại liệt, câm điếc, què quặt hay liệt trí, não úng thủy… Chúng được đưa về từ khắp mọi nơi, như những mảnh "rác" mà cha mẹ chúng sợ quấn vào chính đời họ.

Những thiên thần im lặng - Ảnh 1.

Những đứa trẻ bại não, úng thủy, tê liệt... trong mái ấm Thiên Phước. Ảnh từ Internet.

Thiên thần luôn luôn có cánh và xinh đẹp. Trong những bức tranh, thiên thần không bao giờ bị điếc, bị câm, bị dị tật, bị vẹo vọ hay bại não. Thiên thần luôn bay lượn và hát ca, không bao giờ nằm méo mó lặng im cả một cuộc đời không biết đến bao lâu trên những tấm nệm màu đỏ nhạt.

Thiên thần không bao giờ phải giam hãm trong những chiếc tã ẩm nóng suốt đời vì không có phản xạ bài tiết. Thiên thần không bao giờ phải ăn một món thức ăn xay nhuyễn duy nhất suốt đời vì không có phản xạ nhai nuốt. Thiên thần chỉ đem lại nụ cười, không bao giờ đem lại nước mắt.

Thế nhưng đôi cánh của chúng đâu? Những thiên thần ngoẹo đầu im lặng kia?

Khi chúng tôi bế lên tay, những đứa trẻ tưởng chừng như đã bị giam hãm mãi mãi trong tù ngục của sự vô tri bỗng nép sát vào chúng tôi. Mắt chúng cũng vụt sáng.

Một bà soeur chăm sóc các bé nói như có lỗi: "Nhiều bé bị tê liệt, quanh năm suốt tháng chỉ nằm, thích được bồng ẵm lắm nhưng các soeur không phải lúc nào cũng bồng ẵm cháu luôn được. Cho nên có khách đến là các bé khóc đòi bế. Cứ bồng lên thì cười, mà đặt xuống là giãy nảy".

Những thiên thần im lặng - Ảnh 2.

Bé chìa tay muốn níu lại người đến thăm. Ảnh từ Internet.

Nhiều bé quá, chao ôi, nhiều quá! Chúng tôi chỉ có mấy người. Không đủ đôi tay để bồng bế các bé được lâu như mong muốn.

Đặt bé này xuống, cuống quýt bồng bé khác lên để đứa nào cũng có một chút hơi ấm, thấy con vặn người mếu máo, huơ huơ đôi tay tìm kiếm.. nước mắt chúng tôi tràn trề trên mặt.

Chiều sập xuống. Phải xa các con rồi. Bà soeur trong Mái ấm Thiên Phước (Củ Chi, TP HCM) ngần ngừ nói, mai mốt trở lại thì rủ thêm đông đông nhé.

"Soeur nhờ bồng các bé, hoặc là đẩy xe đưa mấy đứa lớn hơn ra vườn đi dạo. Trong này soeur ít người quá. Không cần quà cáp gì đâu em"-soeur nhắc lại lần nữa.

Ở Trại phong Bến Sắn (Bình Dương) một lần nữa chúng tôi gặp chuyện tương tự.

Các bà cụ bảy tám mươi tuổi ở chung trong một phòng. Chúng tôi bu vào ôm lấy các cụ, quàng vai, dựa đầu, ngả ngớn nũng nịu như một bầy con cháu. Các cụ cũng vậy. Cầm chiếc kẹo mềm, nhất định không chịu tự bóc mà đưa chúng tôi bóc rồi vừa chọc ghẹo vừa đưa vào miệng giúp.

Khi chúng tôi về, có khác chi những bàn tay nhỏ bé quờ lấy ở Thiên Phước đâu, các cụ cứ nắm níu bịn rịn không rời.

Trong một căn phòng khác, thấy các cụ ngồi bó gối đuổi ruồi suốt cả ngày, chúng tôi đề nghị mua tivi để các cụ xem đỡ buồn. Chẳng nói chẳng rằng, một cụ chỉ tay lên phía đầu phòng. Hừm, một chiếc tivi đã ở đó từ đời nào, ngay ngắn, sạch đẹp, và... câm tiếng.

Những thiên thần im lặng - Ảnh 3.

Thiếu nhi Gia Định thăm các bệnh nhân trong trại phong Bến Sắn (Bình Dương). Ảnh từ Internet

Nỗi xót xa buốt nhói trong lòng tôi. Hóa ra các cụ không cần quà. Các cụ cần hơi người, cần những rịt ràng tình cảm.

Bị gia đình ghê sợ bỏ rơi từ khi mắc căn bệnh này (cách đây vài chục năm, nó là nỗi kinh hoàng với nhiều người), ngoài những người bệnh và y bác sĩ trong Trại, họ hoàn toàn cô độc trên đời.

Tôi nhớ lại em X. Ngày đầu gặp, nó nằm co quắp trên giường, vùi mặt trong gối, không thèm trả lời chúng tôi lấy một tiếng. Nó sốc. Phải thôi, thời này có còn ai mắc bệnh phong nữa đâu cơ chứ.

Lần sau, cách đó vài tuần, gặp lại chúng tôi, trời ơi nó đã cười. Nó còn chỉ vanh vách lần trước chị này mặc áo màu này, chị kia mặc áo màu kia, em nhớ nè.. "nhưng mà em không ngờ mấy chị trở lại"-nó hân hoan như một đứa trẻ nít, dù đã 15 tuổi.

Câu chuyện của tôi giản dị vậy thôi. Ở đây, cũng như một số địa chỉ từ thiện nổi tiếng khác, quá nhiều đoàn từ thiện, nhất là vào lễ tết. Họ ào đến, mang rất nhiều quà cáp, đi thăm tất cả bệnh nhân, gặp ai cũng thăm hỏi vài câu rồi đi tiếp.

Hầu như không ai trở lại nơi mình đã làm từ thiện một lần. Họ muốn đến các nơi khác, một phần là để trải nghiệm những không gian từ thiện khác, đến với những phận đời kém may mắn khác.

Một phần nhỏ thôi, thành thật mà nói, với một số người chuyến từ thiện cũng là một chuyến đi chơi bổ ích. Đi nhiều chỗ vẫn vui hơn.

Nhưng với chúng tôi, sau những lần tôi vừa kể, chúng tôi đã quyết định sẽ chỉ gắn bó với một hai nơi, làm những khuôn mặt quen thuộc gợi lại hình ảnh một gia đình, nối lại một vài sợi dây đến xã hội bên ngoài, cái mà những người ở đó vô cùng thiếu thốn tận trong tâm can, nhưng họ không bao giờ dám xin ai cả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại