Các thảm họa diệt vong không giống với những gì bạn thường thấy trên phim ảnh. Không có đoạn dẫn truyện kéo dài lê thê 15’, không có nhân vật chính với những màn thoát chết kỳ diệu và trở thành người sống sót sau cùng, cũng chẳng có những cái tên nổi tiếng mỗi khi bộ phim kết thúc.
Trên thực tế, ranh giới giữa biến cố và thảm họa là rất mong manh. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào cái cách mà nhân loại chuẩn bị ứng phó với thảm họa, và những hậu quả mà nó để lại sau đó.
Vaccine phòng bệnh, các đội phản ứng nhanh cùng với hệ thống cảnh báo sớm - đó chính là những thứ biến một thảm họa toàn cầu thành một biến cố chỉ trên khu vực nhỏ hẹp. Nhưng nghèo đói, tham nhũng và ngu dốt sẽ nhanh chóng thắp lên mồi lửa thiêu trụi toàn bộ tương lai của nhân loại.
Chưa biết điều gì sẽ đón chờ chúng ta ở phía trước, và hãy cùng chúng tôi điểm qua những thảm họa có thể xóa sổ nhân loại trong tương lai qua bài viết dưới đây.
Thảm họa di truyền
Từ lâu, người ta đã e ngại rằng những thành tựu trong công nghệ di truyền học và biến đổi gene có thể đi quá xa tầm kiểm soát của con người. Những thành tựu của nó trong y khoa và nông nghiệp, cũng như vô số lĩnh vực khác, là không thể phủ nhận. Nhưng những hậu quả nó gây ra là không thể chối cãi.
Những thử nghiệm biến đổi gene trên lúa để giúp kháng nấm, hoặc trên muỗi để ngăn ngừa sốt rét đã nhanh chóng diệt sạch các chủng loại này trên các khu vực được thử nghiệm. Hay nói một cách khác, chúng ta có thể xóa sổ một chủng loại chỉ trong nháy mắt, và chỉ nhờ vào một sai sót nhỏ nhất.
Sẽ ra sao nếu chủng loại ấy là con người?
Các đại dịch toàn cầu
Nếu bạn nghĩ rằng đại dịch Cái chết đen là chuyện của thời cổ tích xa xưa - bạn đã nhầm! Các đại dịch có thể xóa sổ đến 90% nhân loại vẫn còn tồn tại đến ngày nay, và thứ duy nhất ngăn điều đó không xảy ra chính là hệ thống cảnh báo sớm và công tác dập dịch, phòng dịch được tiến hành triệt để.
Nếu sự phòng bị của con người trở nên quá tải, hoặc sự xuất hiện của một căn nguyên truyền nhiễm chưa từng được biết đến, thì khả năng xuất hiện đại dịch là điều hoàn toàn có thể.
Hơn thế nữa, những trận đại dịch quy mô toàn cầu sẽ đẩy xã hội loài người vào những tổn thương không thể phục hồi trở lại. Thảm họa dịch bệnh cũng đồng nghĩa với thảm họa về kinh tế, chính trị, xã hội, cũng như sự phân bố hàng hóa trên phạm vi toàn cầu.
Trận dịch có quy mô gần nhất với đại dịch là trận dịch cúm H1N1 diễn ra vào giai đoạn 2009-2010. Người ta ước tính rằng, tần suất xuất hiện trung bình của một trận đại dịch là 50 năm. Điều đó đồng nghĩa với việc rất có thể bạn sẽ được chứng kiến thêm một trận đại dịch nữa trong quãng đời còn lại của mình.
Bão mặt trời
Bão mặt trời, hay còn được gọi là các cơn phun trào plasma và trường điện từ xuất phát từ cực quang của mặt trời. Các nhà khoa học phân loại các cơn bão mặt trời theo các cấp A, B, C, M hoặc X, theo trình tự tăng dần, với mức độ cấp sau lớn hơn cấp trước 10 lần.
Các cơn bão mặt trời không đồng nghĩa với việc cả Trái đất sẽ bị nhấn chìm trong biển lửa. Tác động của nó nằm ở chỗ, nếu đạt mức năng lượng cực đại trong chu kỳ hoạt động của mình, nó sẽ phá hủy hoàn toàn các hệ thống điện từ của nhân loại. Điều này đồng nghĩa với sự tê liệt hoàn toàn của hệ thống giao thông, ngân hàng, bệnh viện…
Cúp điện khu phố của bạn trong vài tiếng đồng hồ có thể chỉ là chuyện nhỏ, nhưng sẽ ra sao nếu toàn thế giới bị cúp điện trong… vài tháng?
Dòng tuần hoàn băng tải đại dương dừng lại hoàn toàn
Cơn ác mộng bắt đầu từ khi sự ấm lên toàn cầu làm nung chảy băng ở hai cực một cách nhanh chóng. Băng tan chảy phân bố dọc khắp vùng Bắc Đại Tây Dương, và nó sẽ ngay lập tức dập tắt một loại dòng chảy có tên là băng tải đại dương. Dòng chảy này có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phân bố nhiệt đi khắp Trái đất.
Lấy ví dụ, khi khí hậu Florida nóng lên, dòng chảy này sẽ mang theo mức nhiệt đó lên phía bắc tới gần London, đây là lý do tại sao London lại có những thời điểm cực kỳ oi bức, mặc dù nó chung vĩ độ với Calgary, Canada và Kiev, vốn là những vùng tương đối lạnh giá.
Sự dừng hoạt động đột ngột của dòng tuần hoàn này có thể ví như việc dòng tuần hoàn cơ thể bạn ngừng hoạt động. Hậu quả tiếp đến là một giai đoạn Kỷ băng hà vô tận và rất có thể là sự diệt chủng hoàn toàn của loài người.
Thảm họa thiên thạch
Nếu vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của 4 chữ này, hãy hỏi loài khủng long xem một viên thiên thạch đã giúp tiễn toàn bộ giống loài của chúng về với dĩ vãng ra sao.
Nếu khủng long đã là chuyện của quá khứ, thì mới cách đây 5 năm, vào ngày 25/2/2013, một thiên thạch rơi xuống vùng Chelyabinsk thuộc lãnh thổ nước Nga, đã gây ra con số thương vong là 1500 về người, cùng hàng chục triệu đô la về tài sản vật chất.
Chelyabinsk chỉ là một vùng dân cư hẻo lánh với mật độ tương đối thưa thớt. Hãy thử tưởng tượng xem mọi chuyện sẽ ra sao, nếu thiên thạch trên đâm trúng một vùng đông dân cư như New York?
Mức độ tàn phá từ vụ nổ ban đầu có lẽ chưa là gì so với những tổn hại gián tiếp, khi nó kéo sụp các tòa cao ốc, các khu chung cư, hoặc những vụ cháy nổ ở những địa điểm đông người như sân bóng, khu vui chơi… Nhiều chuyên gia ước tính rằng, số tử vong trong thảm họa này có thể đến đơn vị hàng triệu, chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ.
Và đó mới chỉ là những thiên thạch cỡ nhỏ và vừa. Apophis, viên thiên thạch cỡ lớn suýt va phải Trái đất vào năm 2029 và sẽ quay trở lại một lần nữa trên quỹ đạo của mình vào năm 2036, có kích cỡ bằng khoảng 1 tòa nhà. Nếu có sự va chạm xảy ra, nó sẽ có sức công phá ngang với một quả bom nguyên tử 300 megaton. Có lẽ toàn bộ nhân loại sẽ bị thiêu rụi chỉ trong chớp mắt.
Robot và trí tuệ nhân tạo
Diệt vong bởi chính đứa con đẻ của mình, có lẽ đó là cái kết không ai mong đợi. Khi trí tuệ nhân tạo ngày càng có sự tiến bộ theo cái cách hết sức rùng rợn, đến mức giờ đây nó đã có thể đánh bại con người ở nhiều lĩnh vực, từ chân tay đến đầu óc.
Khi mọi thứ mất kiểm soát, có lẽ là không quá khó tưởng tượng cái ngày robot và máy tính vùng lên nắm lấy quyền kiểm soát.
Cái ngày đó có lẽ còn khá xa vời, nhưng đây là sự thực đang hiển hiện ngay trước mắt: máy móc đang ngày càng khiến con số thất nghiệp gia tăng. Một xã hội chưa được chuẩn bị cho sự chuyển dịch nhanh đến chóng mặt trên cán cân việc làm sẽ nhanh chóng trở nên mất phương hướng.
Những người lạc quan thì cho rằng, xã hội sẽ nhanh chóng tự biết cách điều chỉnh, còn những nhà kinh tế học thì tự tin vào quy luật cung và cầu sẽ liên tục tạo ra việc làm mới. Nhưng không thể phủ nhận rằng, vẫn còn quá nhiều điều cần phải làm, nếu nhân loại không muốn đối mặt với thảm họa diệt vong do chính mình tạo ra.
Thế chiến lần thứ 3
Thảm họa này có lẽ là thứ kinh khủng nhất, không phải bởi quy mô và mức độ tàn phá, mà bởi nó đang ở rất sát chúng ta rồi. Chiến tranh hạt nhân, chiến tranh công nghệ và chiến tranh sinh học, vốn là những thứ đã được nung nấu từ thời kỳ Chiến tranh lạnh, giờ đây, qua hàng chục năm phát triển, liệu nó sẽ có sức hủy diệt ghê gớm tới đâu?
Vô vàn những yếu tố khác nhau có thể gây xung đột: sự cạn kiệt về tài nguyên, nước và lương thực, những quả bong bóng tài chính, sự thay đổi khí hậu và sự bất ổn về mặt chính trị xã hội.
Khi chủ nghĩa dân tộc ngày càng lên cao, đi đôi với đó là vấn nạn khủng bố chưa có hồi kết, có lẽ việc bắt đầu hình dung về một bức tranh ảm đạm sẽ không phải là quá muộn.
Tham khảo: Howstuffworks