Trong nhiều tháng qua, Ukraine đã hối thúc các nước phương Tây cho phép họ sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Kiev lập luận rằng họ cần những vũ khí đó để tấn công các địa điểm quân sự có máy bay chiến đấu mà Nga sử dụng để phóng tên lửa vào các thành phố của Ukraine.
Yêu cầu trên cũng là chủ đề thảo luận trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer. Ông Starmer được cho là đang cố gắng thuyết phục Mỹ trao thêm nhiều đặc quyền hơn cho Ukraine, đồng thời muốn Mỹ ủng hộ Anh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow để bắn vào Nga.
Nhưng cả hai bên đều không công bố bất kỳ sự thay đổi chính sách nào sau cuộc họp đó. Rời Nhà Trắng, ông Starmer nói với các phóng viên rằng: "Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rộng rãi về chiến lược". Còn bản tóm tắt của Nhà Trắng về cuộc họp cho biết hai nước đã "tái khẳng định sự ủng hộ không lay chuyển đối với Ukraine".
Trước đó, Tổng thống Biden vẫn chưa chấp thuận cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sâu rộng vào lãnh thổ Nga vì lo ngại căng thẳng leo thang với Moscow. Nhưng vào tháng 5/2024, ông Biden đã cho phép Ukraine sử dụng một số vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công các căn cứ quân sự của Nga – những nơi mà Moscow được cho là đã tiến hành các cuộc tập kích vào lãnh thổ Ukraine.
Hiện, Ukraine đang muốn có thêm nhiều vũ khí tầm xa, đồng thời muốn tìm kiếm sự cho phép sử dụng những loại vũ khí này tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Tổng thống Putin trước đó cảnh báo rằng, nếu Mỹ và đồng minh cho phép Ukraine làm điều này thì họ sẽ đưa “Nga và một cuộc chiến với NATO”.
Theo New York Times, Ukraine hiện sở hữu các loại tên lửa tầm xa là Storm Shadow/SCALP do Anh và Pháp phối hợp phát triển, tên lửa ATACMS được Mỹ chuyển giao. Sắp tới Kiev có thể nhận thêm tên lửa JASSM từ Mỹ, vốn được thiết kế để sử dụng cho tiêm kích F-16.
Storm Shadows/SCALP
Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine những tên lửa hành trình phóng từ trên không, được gọi là Storm Shadow ở Anh và SCALP ở Pháp, có tốc độ tối đa 1.000 km/h, đủ sức đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách 250 - 560 km tùy thuộc vào từng biến thể. Ukraine đã sử dụng những máy bay chiến đấu cũ có từ thời Liên Xô phóng các loại tên lửa này vào mục tiêu của Nga ở Crimea và Biển Đen.
Anh rất muốn cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadows để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga. Ông Starmer hy vọng nhận được sự chấp thuận của Mỹ về kế hoạch đó để các đồng minh có thể tạo thành một mặt trận thống nhất.
Pháp trước đây cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine vào Nga, nhưng chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự có liên quan trực tiếp đến hoạt động chiến đấu của Moscow tại Ukraine.
Một số nhà phân tích dự đoán Mỹ có thể sẽ hành động theo mô hình mà họ đã thiết lập đối với các yêu cầu vũ khí trước đây của Ukraine, như xe tăng Abrams, máy bay chiến đấu F-16 và hệ thống phòng không Patriot. Sau nhiều lần cân nhắc, cuối cùng Mỹ cũng cho phép các đồng minh của nước này hành động trước trong việc cung cấp cho Ukraine các năng lực mới và đôi khi Washington cũng thực hiện động thái tương tự.
ATACMS
Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) là tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất, mang đầu đạn chứa 170kg thuốc nổ. ATACMS được phát triển vào những năm 1980 ban đầu để tiêu diệt các mục tiêu của Liên Xô ở phía sau phòng tuyến đối phương. Sau đó, tên lửa này đã được nâng cấp nhiều lần.
ATACMS có nhiều biến thể với kích thước trung bình dài 4 m, đường kính 61 cm. Tùy vào phiên bản, tên lửa có trọng lượng dao động từ 1.633 đến 1.724 kg. Nhờ thiết kế linh hoạt, ATACMS có thể được phóng từ nhiều loại bệ phóng như Hệ thống tên lửa phóng loạt M270 (MLRS) hay Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS).
Mỹ đã cung cấp tên lửa ATACMS cho Ukraine vào năm 2023, nhưng cho đến nay chính quyền Tổng thống Biden vẫn chưa cho phép Ukraine sử dụng chúng để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Các quan chức quân sự Mỹ và châu Âu cho biết Nga hiện đã di chuyển 90% căn cứ không quân - nơi chứa máy bay ném bom, ra khỏi tầm bắn của ATACMS, vì dự đoán rằng Ukraine có thể sớm được cho phép phóng tên lửa này qua biên giới. ATACMS cũng có thể được sử dụng để phá hủy các hệ thống phòng không trên mặt đất của Nga nhắm vào phi đội F-16 mà Ukraine mới được trang bị, các chuyên gia lưu ý.
JASSM
Truyền thông phương Tây dẫn một số nguồn tin cho biết, Mỹ sắp đạt thỏa thuận cung cấp cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa không đối đất (JASSM) có khả năng vươn sâu vào lãnh thổ Nga. JASSM là tên lửa hành trình tầm xa với đầu đạn xuyên giáp nặng 450 kg có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 925 km (hoặc 370 km trong trường hợp các biến thể tầm tiêu chuẩn).
JASSM có thể được phóng từ máy bay chiến đấu F-16. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine có thể tấn công các mục tiêu quân sự bên trong lãnh thổ Nga trong khi máy bay chiến đấu F-16 không cần rời khỏi không phận Ukraine. Ukraine được cho là đã tiếp nhận khoảng 10 chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất vào mùa hè này.
Các quan chức Mỹ cho biết ngay cả khi ông Biden chấp thuận gửi JASSM cho Ukraine, việc chuyển giao có thể mất nhiều tháng và không rõ liệu Mỹ có cho phép Ukraine bắn những tên lửa này vào Nga hay không.