Những sự kiện thiên văn đáng mong đợi 2019

NGUYỄN HOÀI ​ |

Ba lần siêu trăng, nhật thực toàn phần, nhật thực hình khuyên, mưa sao băng, Sao Thủy đi qua Mặt Trời là những hiện tượng thiên văn thú vị trong năm 2019. Việt Nam có thể quan sát một số các hiện tượng trên.

Mưa sao băng: Như thường lệ hàng năm, các trận mưa sao băng định kỳ là cơ hội để người yêu thiên văn chiêm ngưỡng. 

Hai trận mưa sao băng lớn nhất là Persides (đạt cực đại đêm 13 rạng sáng ngày 14 tháng 8) và mưa sao băng Geminids (đạt cực đại vào đêm 12 rạng sáng ngày 13/12) có thể lên tới 80-100 vệt sao băng một giờ, là cơ hội lý tưởng cho người quan sát trong điều kiện thời tiết tốt. Ngoài 2 trận mưa sao băng này, trong năm còn diễn ra nhiều trận mưa sao băng khá và trung bình khác.

Ngay trong tháng 1, người yêu thiên văn có thể quan sát mưa sao băng Quadrantid.  Đây là trận mưa sao băng khá với số lượng cực đại có thể lên tới 40 vệt sao băng một giờ.

 Mưa sao băng Quadrantid thường xuất hiện từ ngày 1-5 tháng một hằng năm, đạt cực đại vào đêm ngày 03, rạng sáng ngày 04 tháng một. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại khu vực tối, thoáng đãng.

Siêu trăng: Trong năm 2019, người yêu thiên văn Việt Nam có tới 3 lần được quan sát siêu trăng. Siêu trăng xảy ra khi Mặt Trăng xuất hiện phía đối diện Mặt Trời và phản xạ tối đa ánh sáng mặt trời về phía Trái Đất. Nhờ vậy, quan sát từ Trái Đất, mặt trăng trông to hơn và sáng hơn.

Lần siêu trăng đầu tiên diễn ra vào đêm ngày 21/1. Lần siêu trăng thứ 2 diễn ra vào đêm 19/2, trùng với ngày rằm tháng Giêng theo âm lịch, còn gọi là Tết Nguyên tiêu. Lần thứ 3 diễn ra vào đêm 19/5. 

Lần siêu trăng này còn được gọi là trăng xanh vì là lần trăng tròn thứ ba trong số bốn lần trăng tròn trong cùng một mùa. Hiện tượng này khá hiếm gặp, vài năm mới xuất hiện một lần.

Nhật thực: Trong năm 2019, nhật thực một phần, nhật thực toàn phần và nhật thực hình khuyên cùng xảy ra. Nhật thực một phần (xảy ra khi Mặt Trăng che phủ một phần Mặt Trời) diễn ra vào ngày 6/1.

Đáng tiếc, lần nhật thực một phần này chỉ hiện diện ở một số khu vực phía đông châu Á và phía bắc Thái Bình Dương. Việt Nam không quan sát được.

Nhật thực toàn phần (xảy ra khi Mặt Trăng che khuất hoàn toàn Mặt Trời) diễn ra vào ngày 2/7. Đây là hiện tượng thiên văn hiếm gặp, đáng tiếc Việt Nam không quan sát được lần nhật thực này.

Nhật thực hình khuyên diễn ra vào ngày 26/12 cũng là hiện tượng thiên văn hiếm gặp. Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng nằm quá xa Trái Đất và không thể che phủ toàn bộ Mặt Trời, kết quả là ở pha cực đại nhật thực có một vòng sáng xung quanh đĩa tối của Mặt Trăng. 

Tin vui là Việt Nam có thể quan sát được một phần sự kiện. Lưu ý, tất cả các hiện tượng nhật thực chỉ quan sát an toàn thông qua kính lọc chuyên dụng hoặc quan sát gián tiếp.

Sao Thủy đi qua Mặt Trời

Sao Thuỷ sẽ di chuyển ngay phía trước Mặt Trời từ hướng nhìn của Trái Đất vào ngày 11/11. Đây là hiện tượng thiên văn vô cùng hiếm gặp, dự kiến đến 2039 người yêu thiên văn mới có cơ hội quan sát lại hiện tượng này. Cũng giống như nhật thực, người quan sát phải dùng kính chuyên dụng hoặc quan sát gián tiếp. Đáng tiếc, Việt Nam không thể qua sát sự kiện này.

Cũng trong năm 2019, nguyệt thực toàn phần diễn ra vào ngày 21/1, Nguyệt thực một phần diễn ra vào ngày 17/7 nhưng Việt Nam không quan sát được.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại