Ngay từ khi bước chân vào hôn nhân đã phải xác định rõ vợ chồng có tranh cãi là điều tất yếu. Bởi vì 2 con người khác nhau, 2 giới tính khác nhau chung sống trong 1 nhà. Hơn thế hôn nhân còn là “bài toán khó” với bao nhiêu vấn đề khúc mắc có thể xảy ra như: gia đình nội ngoại 2 bên, bài toán tài chính, nuôi dạy con cái, sở thích riêng tư… Chính vì thế, việc bình tĩnh trước những xung đột có thể xảy ra, không hành động nông nổi là việc quan trọng để tránh nguy cơ tan vỡ.
Dưới đây là 4 sai lầm nhiều phụ nữ đã mắc phải lúc xảy ra xung đột và dễ dẫn đến gia đình tan vỡ.
Doạ ly hôn
Có những người như một thói quen, cứ cãi nhau là đòi ly hôn. Nhưng mục đích chính của họ là để doạ người kia chứ không phải để ly hôn thật. Việc này khiến cho đối phương dễ cảm thấy chán nản và dần dần trong đầu họ cũng hình thành khái niệm ly hôn thật sự.
Chị Hoàng Anh (Long Biên, Hà Nôi) kể đến lúc chị bảo ly hôn lần thứ 80 như mọi lần thì chồng chị đồng ý. Đó là điều xưa nay chị không thể ngờ vì người đòi bỏ chồng chỉ là chị và anh ấy thường nói rằng "kệ em, anh sẽ không bao giờ bỏ vợ đâu".
Như vậy, bài doạ ly hôn đã diễn ra nhiều lần và chàng mặc định cô ấy muốn ly hôn với mình thực sự và chàng sẽ giúp bạn thực hiện điều đó trong im lặng.
Về nhà đẻ
Cách hành xử trẻ con này rất nhiều cô vợ mắc phải, đó là cứ cãi nhau là về nhà mẹ đẻ. Mục đích là để chồng sáng mắt ra hoặc phải xuống nước để xin lỗi vợ. Một vài lần có khi có tác dụng đúng ý như cô ấy muốn, nhưng có lẽ đến lần thứ 4 là người chồng đã cảm thấy quá mệt mỏi rồi.
Phụ nữ sau khi lập gia đình không thể nào coi mình là trẻ con mãi hoặc hành động một cách bản năng như thế. Vợ chồng là “cơm sôi bớt lửa” chứ không phải đun cho lửa to hơn để đến cháy khét.
Khi đã có gia đình riêng thì dù có giận dỗi hãy luôn xác định đây mới là nhà của mình. Bạn có thể bỏ chồng cũng không sao, nhưng tuyệt đối đừng về nhà đẻ để cho chồng một bài học.
Kể chuyện nhà với bạn bè, người thân
Câu chuyện nếu chỉ có đôi bạn biết nó sẽ bé tí, nhưng nếu nhiều người biết nó sẽ dễ trở thành một vấn đề hệ trọng.
Phụ nữ nhiều khi hay tìm sự chia sẻ thông cảm từ bên ngoài. Việc nói ra những vấn đề đang bức xúc, ngay cả việc vợ chồng giận nhau, chồng xấu tính như thế nào với ai đó có xu hướng khiến họ cảm thấy nhẹ lòng hơn.
Tuy nhiên, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi có quá nhiều người biết câu chuyện của bạn và dường như càng trở nên khó gỡ hơn. Vấn đề vốn không nghiêm trọng nhưng qua nhiều lời “tham vấn” bạn sẽ thấy nó trở nên vô cùng hệ trọng.
Xu hướng nói chung bạn bè là của bạn, nên thường có xu hướng bênh vực bạn hơn và trong quá trình này thì có lẽ bạn sẽ thấy chồng bạn xấu đúng như những gì bạn đang nghĩ. Tình huống tiếp theo là chồng bạn biết được điều đó, anh ấy sẽ cực kỳ ghét “chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường’.
Im lặng
Người ta bảo im lặng là vàng, nhưng trong trường hợp có mâu thuẫn im lặng chỉ làm cho đôi bạn không to tiếng nhưng không giải quyết được mấu chốt vấn đề. Vì sao đôi bạn cãi nhau? Việc này cần phải giái quyết như thế nào?... Đó là những điều buộc đôi bạn phải trả lời, chứ không phải là cách giấu đi những mâu thuẫn và im lặng.
Phụ nữ có xu hướng nghĩ rằng “các ông chồng phải biết chứ, đều là người lớn cả rồi” và sau đó các cô sẽ im lặng trong giận dỗi. Nhưng đàn ông thì đơn giản hơn sức nghĩ của phụ nữ. Muốn gì hãy nói ra cho anh ấy biết.
Đàn ông cũng sợ vợ giận hơn bao giờ hết nên nếu quá nhiều lần như thế anh ấy sẽ chuyển từ trạng thái tôn trọng vợ sang cảm thấy bất bình.
Quan trọng hơn khi cãi nhau đôi bên cần ngồi lại với nhau, bàn bạc các vấn đề một cách bình tĩnh và ôn hoà rồi đi đến một quyết định có thể làm hài lòng cả đôi bên.
Nhiều cặp đôi chia tay nhưng không xác định được nguyên nhân và giải quyết nó. Chính vì vậy sự im lặng của bạn trong lúc này thể hiện đối phương không còn nhiều giá trị trong lòng bạn và các xung đột có xu hướng leo thang.
Trên đây là 4 tình huống nhiều chị em mắc phải khi giận chồng. Tuy nhiên, các cuộc giận dỗi, cãi vã sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, chị em nên đọc để tránh nhé.