Sở hữu một chiếc lò vi sóng trong nhà, mọi công đoạn nấu ăn sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Ví dụ việc hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng sẽ tiết kiệm thời gian và giữ được nhiều nhất vitamin có trong thực phẩm so với việc hâm nóng trên bếp.
Bên cạnh đó, có rất nhiều món ăn bạn sẽ giảm được một nửa thời gian khi sử dụng lò vi song. Tuy nhiên, cần cẩn trọng với những cảnh báo khi dùng lò vi sóng để tránh gặp những tai nạn khó lường.
1. Mở cửa lò khi đang sử dụng
Lò vi sóng cần dẫn và tỏa một lượng nhiệt lớn, nếu bạn mở cửa đột ngột, nhiệt sẽ bất ngờ phát tán ra bên ngoài có thể gây bỏng cho người mở. Không những thế, thức ăn trong quá trình làm nóng bên trong khi bị mở cửa đột ngột có thể bắn ra bên ngoài gây tổn thương cho người sử dụng. Vì thế, hãy tránh thao tác không đáng có này. Luôn cần tuân thủ quy tắc quay đủ phút định sẵn, nên mở cửa khi lò báo chuông.
Không nên mở cửa lò khi đang sử dụng.
2. Hâm nóng đồ ăn có nhiều chất lỏng trong lò vi sóng
Đun nước hay hâm nóng đồ ăn có nhiều chất lỏng như canh, soup… vẫn là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, cách làm này dễ gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng. Với những trường hợp muốn hâm nóng đồ ăn có chất lỏng, mọi người cần chú ý hơn đến việc lựa chọn chất liệu đựng và vật dụng đựng đồ nên có nắp đậy. Một mẹo nhỏ là có thể để thêm vào cốc nước muỗng hay que khuấy để phân tán lượng nhiệt khi hâm nóng.
Không nên quay nóng những thức ăn không phù hợp.
3. Tiệt trùng khăn vải
Nhiều người thay vì việc tiệt trùng bằng nước sôi với khăn vải, quần áo, khăn trải bàn, lót cốc, đĩa… thì thường dùng cách sấy bằng lò vi sóng. Thói quen này thường bị cảnh báo vì độ an toàn không cao. Khi nhiệt độ lên cao dễ dàng gây ra tình trạng cháy nổ, hỏa hoạn trong nhà.
4. Để lò vi sóng trên nóc tủ lạnh hoặc lò nướng
Nhiều gia đình có thói quen để lò vi sóng phía trên tủ lạnh hoặc lò nướng để tiết kiệm diện tích. Cách làm này gây ra việc giảm tuổi thọ đối với các thiết bị điện tử. Bên cạnh đó, nếu một trong những thiết bị gây cháy nổ sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát tình trạng cháy nổ liên đới đối với các vật dụng, thiết bị khác.
Sử dụng lò vi sóng với chức năng không đúng dễ gây cháy nổ.
5. Tránh dùng túi nilon bọc thực phẩm và quay trong lò vi sóng
Bạn có thể bọc thực phẩm bằng túi nilon và bỏ trong tủ lạnh, hoặc bọc giấy dán thực phẩm vào các bát, nồi đựng đồ ăn và "tiện tay" để chúng vào quay luôn trong lò vi sóng. Nhiệt độ lên cao, thức ăn tiếp xúc với màng bọc sẽ tạo ra những chất độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.
6. Sử dụng hộp nhựa
Hộp nhựa đựng đồ ăn luôn là một trong những điều cần khuyến cáo. Hộp nhựa chứa chất độc hại như BPA khi tiếp xúc với nhiệt. Vì thế, an toàn nhất bạn nên dùng hộp thủy tinh chịu nhiệt, bát sành, sứ… để hâm nóng đồ ăn trong lò vi sóng.
Hộp nhựa được khuyến cáo không nên dùng để hâm nóng thức ăn.
7. Cho thức ăn không phù hợp
Có những đồ ăn không nên cho vào lò vi sóng như thực phẩm đóng hộp, nước đóng chai, trứng nguyên quả, động vật vỏ cứng… Nếu dùng lò vi sóng những thực phẩm này sẽ dễ biến đổi mùi vị hay mất chất dinh dưỡng.
8. Không vệ sinh thường xuyên
Không vệ sinh lò vi sóng khiến lò dễ bị thức ăn, dầu mỡ bám xung quanh gây mùi hôi, giảm tuổi thọ của lò và hao tốn điện năng.
Vệ sinh lò vi sóng cũng rất đơn giản. Bạn có thể dùng baking soda, chanh, giấm… để rửa và lau lò vi sóng theo định kỳ.
Cần vệ sinh thường xuyên lò vi sóng.
Ngoài những điều sai lầm trên, muốn sử dụng lò vi sóng được an toàn, bạn có thể lưu ý thêm một vài điều như: Không hâm nóng thực phẩm có nhiều đường, mỡ gây cháy nổ, bắn ra ngoài gây bỏng; không dùng lò vi sóng không đóng được khít cửa, không bật lò khi lò rỗng, đứng cách xa lò vi sóng ít nhất 1m khi lò bắt đầu quay.