"Làm phẳng đường cong" là gì?
"Đường cong dịch" là biểu đồ thể hiện số lượng ca nhiễm bệnh mới theo từng ngày trong một khoảng thời gian nhất định.
Đường cong tăng mạnh có nghĩa là bệnh lây lan nhanh chóng, điều này có thể dẫn đến nhiều người bị nhiễm bệnh cùng lúc và hệ thống y tế trở nên quá tải.
Đường cong phẳng hơn có nghĩa là tốc độ lây nhiễm chậm hơn và với cùng tổng số người nhiễm bệnh, nhưng quá trình lây nhiễm diễn ra trong một khoảng thời gian dài hơn. Điều này có nghĩa là số ca nhiễm ở đỉnh dịch - điểm cao nhất trên biểu đồ - sẽ nhỏ hơn, cho phép dịch vụ y tế đối phó tốt hơn với tình huống và cung cấp dịch vụ chăm sóc thích hợp.
Các biện pháp kiềm chế, như giãn cách xã hội, phong tỏa, được thực hiện nhằm mục đích hạ thấp tỷ lệ lây nhiễm và do đó "làm phẳng đường cong".
Hiện nay, nước Mỹ hiện đang trở thành một “điểm nóng” của đại dịch COVID-19 trên thế giới. Số ca mắc bệnh mới dường như mỗi ngày lại lập một kỷ lục mới. Trong ngày 3/4, Mỹ ghi nhận có thêm trên 30.110 ca bệnh mới và 1.094 ca tử vong. "Đường cong dịch" đang đi lên mạnh của Mỹ khiến nhiều chuyên gia dự báo dịch chưa đạt đến đỉnh điểm và tình hình còn trở nên tồi tệ hơn.
Theo tạp chí Foreign Policy, trong khi một số nhà lãnh đạo thế giới đối mặt với những lời chỉ trích vì phản ứng chậm chạp và không hiệu quả, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Iceland đang được coi là câu chuyện khá thành công trong nỗ lực “làm phẳng đường cong” biểu đồ dịch trước khi tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt mất kiểm soát, khiến hệ thống y tế không còn đủ năng lực đáp ứng.
Trung Quốc
Sau khi ghi nhận 80.000 ca nhiễm và hơn 3.200 bệnh nhân tử vong, Trung Quốc đã thành công trong giảm mạnh các ca lây nhiễm mỗi ngày. Nói cách khác, nước này đã “làm phẳng đường cong” của dịch.
Kể từ đầu tháng 3 đến nay, Trung Quốc chỉ ghi nhận không đầy 100 ca nhiễm virus mới và 30 ca tử vong mỗi ngày, theo số liệu của trường Đại học John Hopkins. Thậm chí trong những ngày gần đây, con số nhiễm mới tại Trung Quốc hàng ngày chỉ khoảng 30 trường hợp, đa số là những người trở về từ nước ngoài, và dưới 10 ca tử vong.
"Đường cong dịch" của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hàn Quốc
Hàn Quốc từng là một trong những “điểm nóng” dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên nước này đã có những biện pháp hiệu quả nhằm “làm phẳng đường cong” mà không cần phong tỏa diện rộng. Chìa khóa của Hàn Quốc là tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, điều mà nhiều quốc gia khác nên học hỏi.
Tạp chí Time cho biết, với dân số 51 triệu người, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 20.000 người mỗi ngày, áp dụng biện pháp cách ly và sử dụng nhiều biện pháp theo dõi chặt chẽ các mối liên hệ của bệnh nhân để phá vỡ chuỗi lây truyền bệnh - theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Hàn Quốc đang chứng tỏ hiệu quả của mô hình kết hợp này trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giảm áp lực cho hệ thống y tế và khiến tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở mức thấp nhất thế giới”, Giáo sư Devi Sridhar, Giám đốc Chương trình Quản trị Y tế Toàn cầu tại Đại học Y khoa Edinburgh (Anh) đánh giá.
Hiện nay, biểu đồ dịch COVID-19 tại Hàn Quốc đang đi cùng chiều với biểu đồ tại Trung Quốc, với số ca nhiễm mới hàng ngày tương đối thấp kể từ giữa tháng 3.
Nhân viên y tế Hàn Quốc vận chuyển người mắc COVID-19 tại Daegu. Ảnh: AFP/TTXVN
Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc)
Đài Loan đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm SARS-CoV-2 từ ngày 21/1. Tuy nhiên đến ngày 1/4, vùng lãnh thổ này chỉ xác định 355 trường hợp nhiễm virus, trong đó có 5 ca tử vong.
Chính quyền Đài Loan đã hành động từ rất sớm ngay khi khi có thông tin về căn "bệnh lạ” ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nằm cách Trung Quốc đại lục chỉ hơn 100km, Đài Loan đã bắt đầu điều tra y tế du khách tới hòn đảo này từ ngày 31/12, thiết lập một hệ thống theo dõi những người tự cách ly, và tăng cường sản xuất thiết bị y tế từ tháng 1.
Cho đến nay Đài Loan vẫn chưa nối lại xuất khẩu các dụng cụ y tế, kể cả khẩu trang. Kết quả nói trên đạt được cũng một phần nhờ Đài Loan có phản ứng sớm và hiệu quả dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt là thời kỳ chống dịch SARS.
Canada
Mặc dù là nước láng giềng của Mỹ, “điểm nóng” dịch lớn nhất thế giới hiện nay, nhưng Canada lại được coi là một câu chuyện thành công khác trong ngăn chặn dịch bệnh.
Từ tháng 1 và tháng 2/2020, Canada đã bắt đầu thiết lập cơ sở hạ tầng để làm xét nghiệm và theo dõi dấu vết virus. Phản ứng sớm một phần xuất phát từ kinh nghiệm của Canada khi đại dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Thời điểm đó, Canada là quốc gia duy nhất bên ngoài châu Á thông báo có trường hợp tử vong do SARS.
Canada có hệ thống chăm sóc y tế công cộng được đầu tư tốt và các tiêu chí đối với những người có thể được làm xét nghiệm không bị giới hạn như ở Mỹ. “Bằng cách phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm virus và điều tra nguồn gốc lây của họ, cho đến lúc này Canada đã giảm bớt được tác động của dịch bệnh”, nhà khoa học Justin Ling viết.
Gruzia
Tạp chí Foreign Policy cho biết, Gruzia là một ví dụ điển hình về phản ứng sớm. Mặc dù có diện tích nhỏ và nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, quốc gia này đã bắt đầu thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt vào cuối tháng 2/2020, trong đó có việc đóng cửa các trường học và tiến hành xét nghiệm rộng rãi.
Đến ngày 4/4, quốc gia này chỉ ghi nhận 159 ca mắc và 1 ca tử vong do COVID-19. “Tôi cho rằng, việc chính phủ thực sự coi trọng vấn đề ngày từ đầu đã phát huy hiệu quả”, nhà báo người Gruzia, Natalia Antelava cho biết.
Iceland
Iceland có tỷ lệ xét nghiệm trên đầu người cao hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Đây là nhờ nỗ lực do công ty nghiên cứu y tế tư nhân deCode Genetic có trụ sở tại Reykjavik dẫn đầu.
Là một quốc gia nhỏ và thịnh vượng, Iceland có lợi thế trong triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 với toàn cộng đồng. Chuyên gia dịch tễ học của Iceland, Thorolfur Guðnason cho rằng nỗ lực xét nghiệm này là nhằm “thu thập được bức tranh rõ ràng về mức độ lân lay thực sự của virus trong cộng đồng, vì tại thời điểm này hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ xét nghiệm các cá nhân có triệu chứng bệnh”.
Với chỉ khoảng 364.000 dân, Iceland không cần phong tỏa mà tiến hành xét nghiệm toàn cộng đồng, và cách ly nhanh những người có kết quả dương tính. Hiện tại khoảng 6% dân số Iceland đã được xét nghiệm, tương đương gần 21.000 người. Trong khi đó, tới ngày 1/4 nước Mỹ tiến hành khoảng 1,1 triệu xét nghiệm, chỉ chiếm 0,34% dân số.
Italy
Biểu đồ dịch đi xuống rõ rệt tại Italy kể từ ngày 9/3 khi áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, với số ca nhiễm mới tăng 24,4%, xuống còn 4,2%.
Tuy đã gặp những sai lầm trong giai đoạn đầu dịch bùng phát, nhưng nhờ những nỗ lực phong tỏa chặt chẽ sau đó, Italy hiện đang chứng kiến số ca nhiễm mới hàng ngày giảm dần từ cuối tháng 3. Dữ liệu quốc gia của Italy cho thấy từ ngày 31/3 - 1/4, Italy chỉ tăng khoảng 4,5% tổng số ca mắc COVID-19 hàng ngày, một con số khả quan hơn nhiều những thống kê trước đó, điển hình như mức tăng 12,6% tổng số ca giữa ngày 16 và 17/3 và 24,4% vào ngày 8 và 9/3.
Các chuyên gia vẫn còn đưa ra những ý kiến khác nhau xung quanh nhận định cho rằng Italy đang "làm phẳng đường cong dịch". Tuy nhiên, hầu hết họ đồng ý rằng, mặc dù đã đi qua đỉnh dịch, hiện không phải lúc Italy có thể vui mừng và nới lỏng các hạn chế. "Chúng ta cần phải rất thận trọng với sự lạc quan hiện tại. Chúng ta không nên ‘thở phào’ với những con số này", tạp chí Time dẫn lời ông Casani Lorenzo Casani, Giám đốc một bệnh viện ở tâm dịch Lombardy - phía Bắc Italy cảnh báo.