01.
Thay đổi thế giới
Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi thế giới. Không thể nói rằng, sau khi bệnh dịch kết thúc mọi thứ sẽ trở lại như cũ. Trong lịch sử, ngoài thiệt hại to lớn về nhân mạng, các hậu quả về sinh học, môi trường, các đại dịch lớn mà nhân loại đã trải qua còn để lại những hậu quả vô cùng to lớn về kinh tế, chính trị và xã hội.
Đại dịch hạch đầu tiên hay còn gọi là "Bệnh dịch Justian" xảy ra vào cuối thế kỷ thứ V đầu thế kỷ thứ VI giết chết khoảng 50 triệu người ở Trung Á, Trung Đông và Bắc Phi, chiếm một nửa dân số thế giới lúc bấy giờ đã dẫn đến sự sụp đổ của đế chế Byzantine và xuất hiện một nền văn minh mới - Hồi giáo.
Đại dịch "Cái chết đen" còn được gọi là "Great Plague" xảy ra vào giữa thế kỷ XIV đã giết chết hơn 60% dân số châu Âu, nhưng những người sống sót được tự do hơn, nghi ngờ vào sức mạnh của nhà thờ, sau đó dẫn đến một cuộc cải cách, đưa ra một mô hình kinh tế, xã hội mới - Chủ nghĩa tư bản.
Trong thế kỷ XX, nhiều sự kiện đã làm thay đổi thế giới như chiến tranh thế giới Thứ nhất và Thứ hai, kết thúc chiến tranh lạnh, bức tường Berlin sụp đổ, sự kiện 11/9 đầu thế kỷ XXI và cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài 4 tháng nay cũng rất có thể sẽ dẫn đến nhiều thay đổi, định hình lại trật tự thế giới.
Đại dịch Covid-19 cho thấy trật tự thế giới được hình thành sau chiến tranh lạnh đã bộc lộ nhiều yếu kém và cần thiết xem xét lại để thiết lập một trật tự thế giới mới có thể đáp ứng được những thách thức ngày càng tăng đang đe dọa loài người.
02.
Những hậu quả nghiêm trọng
Có thể nói cuộc khủng hoảng Covid-19 là thách thức lớn nhất đối với thế giới kể từ Thế chiến thứ hai, và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng dịch bệnh SARS và cúm lợn gần đây.
Ngoài số người chết hàng ngày tăng lên một cách khủng khiếp, ngoài những tác động kinh tế to lớn của nó, thế giới đang rơi vào tình trạng tê liệt do sản xuất bị đình trệ, lưu lượng thương mại giảm, ngừng việc đi lại và hoạt động hàng không giữa các quốc gia, sự sụp đổ của ngành du lịch và giá dầu lao dốc xuống mức kỷ lục.
Đại dịch Covid-19 đang cảnh báo những hiểm họa kinh tế hết sức to lớn. Đó là hàng chục triệu người sẽ mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và có khả năng sẽ xảy ra khủng hoảng lương thực, thực phẩm trên phạm vi toàn cầu. Mặc dù Hội nghị thượng đỉnh bất thường nhóm G-20 họp ngày 26/3 vừa qua đã cam kết dành 5 nghìn tỷ USD để khắc phục hậu quả đại dịch cho nền kinh tế thế giới, nhưng không dễ gì thực hiện.
Trật tự thế giới hiện nay đã phơi bày một thực tế rằng, các tổ chức kinh tế quốc tế lớn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO),... đã không giải quyết được hậu quả kinh tế của đại dịch Covid-19.
Chính sách tự do và toàn cầu hóa đang làm tăng thêm khoảng cách giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa các nước giàu và nghèo. Do đó, trật tự thế giới mới hậu Covid-19 sẽ mang nhiều đặc điểm khác trước.
Nhiều khả năng sẽ quay lại xu hướng tập trung kinh tế vào tay nhà nước sau thất bại của chính sách toàn cầu hoá. Các công ty đa quốc gia trong hệ thống kinh tế hiện nay và Liên minh châu Âu (EU) đã không phối hợp giúp đỡ các nước thành viên bị ảnh hưởng nhất như Italia và Tây Ban Nha. Các nước này đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của Nga, Trung Quốc, Israel và thậm chí cả Cuba.
Về chính trị, các cường quốc như Mỹ và các nước phát triển khác như Anh, Pháp, Đức, Italia. Tây Ban Nha, v.v., với các hệ thống y tế hiện đại của mình cũng đã không ngăn chặn được sự lây lan của dịch bệnh. Một trật tự thế giới mới sẽ nổi lên vai trò của Trung Quốc, Nga và các nền kinh tế mới nổi khác. Mỹ sẽ mất dần độc quyền lãnh đạo thế giới.
03.
Trật tự thế giới mới
Chắc chắn sẽ có sự thay đổi trên bản đồ chính trị thế giới, nhưng hãy còn quá sớm để đưa ra được nhận định chính xác về hình hài của một trật tự thế giới hậu Covid-19.
Nhiều nhà nghiên cứu chiến lược nhất trí cho rằng, cán cân quyền lực toàn cầu sẽ thay đổi căn bản, Mỹ sẽ không còn là siêu cường duy nhất do phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức mới cả trong và ngoài nước. Vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ với tư cách là một nước có nền kinh tế và sức mạnh quân sự lớn nhất đang trên đường suy giảm, đồng USD ngày càng suy yếu.
Stephen Walt, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi quyền lực và ảnh hưởng từ phương Tây sang phương Đông. Ông nói, cơ sở để đưa ra nhận định này là các nước phương Đông đã phản ứng nhanh chóng và có các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh này hữu hiệu hơn nhiều so với châu Âu và Mỹ.
Kết quả các cuộc thăm dò ý kiến do tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ chuyên về các vấn đề quốc tế cũng cho thấy quan điểm tương tự.
Điều này thể hiện rõ, mặc dù có tiềm lực lớn về tài chính, những tiến bộ về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực y tế, nhưng Mỹ và châu Âu đã phản ứng và hành động hết sức chậm chạp trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng, dẫn đến sự lây lan dịch bệnh trên diện rộng, tử vong hàng loạt ở Mỹ và châu Âu.
Ảnh minh họa: AFP
Trong khi đó Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam và nhiều nước khác với nguồn lực hạn chế hơn đã xử lý cuộc khủng hoảng tốt hơn rất nhiều. Trung Quốc là nguồn gốc của đại dịch, đến nay về cơ bản đã ngăn chặn được sự lây lan của bệnh dịch và số người tử vong thấp hơn nhiều so với các nước châu Âu và Mỹ.
Mặc dù còn nhiều bất đồng với Trung Quốc và Nga, ông D. Trump đã phải liên hệ gấp với Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống V. Putin đề nghị hai nước này giúp Mỹ trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Italia và Tây Ban Nha cũng đề nghị Nga và Trung Quốc giúp đỡ chống lại đại dịch này. Điều này thể hiện rằng, dù mạnh đến đâu Mỹ và châu Âu vẫn cần sự hợp tác với các nước mới giải quyết được những vấn đề mang tính chất toàn cầu.
04.
Cán cân Mỹ - Trung
Theo Kishore Mahbubani, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore và là tác giả của cuốn "Trung Quốc đã thắng" (Has China won?), đại dịch sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng kinh tế toàn cầu, nhưng nó sẽ mở đầu cho một sự thay đổi. Đó là sự chuyển đổi từ toàn cầu hóa do Mỹ là trung tâm sang toàn cầu hóa xoay quanh trục Trung Quốc.
Bruno Guigue, một cựu quan chức cao cấp người Pháp, chuyên gia về các vấn đề chính trị mới đây cho ra mắt cuốn sách "The Fall of the Eagle is Near" (Con đại bàng sắp ngã gục), thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Tác giả viết, Mỹ đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1979. Kể từ đó đến nay, ngoài cuộc chiến chống Việt Nam, Trung Quốc đã không tiến hành bất cứ cuộc chiến tranh nào. Trong khi đó, Mỹ vẫn thường xuyên ở trong tình trạng chiến tranh.
Có thể nói, Mỹ là quốc gia có chiến tranh nhiều nhất trong lịch sử thế giới, vì họ muốn áp đặt các giá trị Mỹ lên các dân tộc khác. Ngược lại, Trung Quốc đã tập trung mọi nguồn lực vào xây dựng và phát triển kinh tế.
Mỹ đã bị suy yếu rất nhiều sau khi ra khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo các con số thống kê của Mỹ, chi phí quân sự của Mỹ trong 50 năm qua lên tới trên 3 nghìn tỷ USD, chưa kể 5 đến 7 nghìn tỷ USD chi phí cho các cuộc chiến tranh gần đây tại Iraq và Afghanistan. Chi phí quân sự của Mỹ bằng 45% chi phí quân sự toàn cầu với 725 căn cứ quân sự ở nước ngoài, chưa kể đầu tư vào nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí mới.
Donald Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2016, trở thành ông chủ Nhà Trắng đã hứa "làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Không ai phủ nhận một số kết quả tích cực, nhưng tất cả những gì làm được trong nhiệm kỳ của ông đã không làm thay đổi bộ mặt nước Mỹ được bao nhiêu.
Năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với phần còn lại của thế giới tăng lên tới 891 tỷ USD, phá mức kỷ lục 795 tỷ USD năm 2017. Hai năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống D. Trump được coi là tồi tệ nhất trong lịch sử thương mại Mỹ.
Sự mất cân bằng trong cán cân thương mại với Trung Quốc đóng vai trò lớn nhất trong sự thâm hụt chung này. Donald Trump muốn sử dụng vũ khí thuế quan trong cuộc chiến thương mại để tái cân bằng cán cân thương mại của Mỹ, nhưng đã không đem lại kết quả mong muốn trong bối cảnh toàn cầu hoá, không thể áp đặt và can thiệp vào công việc của các công ty đa quốc gia.
Năm 2018, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lên tới 419 tỷ USD so với 375 tỷ USD năm 2017. Cuộc chiến thương mại mà D. Trump khởi xướng không những đã không cải thiện được tình hình mà còn làm trầm trọng thêm thâm hụt thương mại của Mỹ. Xuất khẩu các sản phẩm của Trung Quốc sang Mỹ tiếp tục tăng (hơn 7%) và nhập khẩu từ Mỹ vẫn tiếp tục giảm.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Châu Âu, Mexico, Canada và Nga cũng trở nên trầm trọng. Ngoài thâm hụt thương mại, thiếu hụt ngân sách liên bang cũng tăng mạnh (779 tỷ USD năm 2018 so với 666 tỷ USD năm 2017).
Chi phí quân sự tăng vọt. Ngân sách quốc phòng năm 2019 lên tới 686 tỷ USD, mức kỷ lục trong lịch sử nước Mỹ. Trong khi ngân sách quân sự của Trung Quốc cùng năm chỉ ở mức 175 tỷ USD, mặc dù dân số của họ gấp bốn lần của Mỹ.
Nợ liên bang cũng đạt mức kỷ lục 22.175 tỷ USD, lớn hơn tổng thu nhập quốc nội GDP của Mỹ. Các khoản nợ của các công ty và cá nhân tăng chóng mặt, lên tới 73.000 tỷ USD.
Tất nhiên, Mỹ đang được hưởng lợi do đồng USD vẫn là đồng tiền chính trong các giao dịch quốc tế và trong dự trữ của ngân hàng các nước. Tuy nhiên, đặc quyền này cũng đang dần dần mất đi.
Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác, thậm chí liên minh châu Âu đang giảm bớt dự trữ của họ bằng đồng USD và chuyển sang dự trữ bằng vàng miếng và sử dụng đồng nội tệ trong việc thanh toán các hợp đồng thương mại.
Tài liệu nghiên cứu mới đây "Thế giới năm 2050: Nền kinh tế thế giới sẽ thay đổi như thế nào trong ba mươi năm tới" của PwC (PricewaterhouseCoopers), một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới hiện nay, nhận định các nước mới nổi gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Mexico, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ có thể chiếm tới 50% GDP toàn cầu vào năm 2050, trong khi tỷ lệ của bảy nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản có thể sẽ giảm xuống còn 20%.
Đại dịch Covid-19 chắc chắn sẽ làm thay đổi thế giới và tư duy chính trị của nhiều nước.
Các nước đang phải xem xét lại chính sách của mình để rút ra được những đánh giá về toàn cầu hoá. Covid-19 cho thấy trật tự thế giới như hiện nay có nhiều khiếm khuyết, nhưng điều đó không có nghĩa là xóa bỏ nó hoàn toàn để xây dựng một trật tự mới.
Trung Quốc có thể sẽ là nước đầu tiên ra khỏi cuộc khủng hoảng này và tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, nhưng không thể bỏ qua được vai trò của Mỹ, Nga và các nước khác.
Các đại dịch và các cuộc chiến tranh lớn trước đây đều đã không chấm dứt được sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn, thì ngày nay cũng vậy. Ngay trong khi đại dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt, các nước này vẫn đang tìm cách khẳng định vị trí của mình trên bàn cờ chính trị thế giới.
*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại