Những phương án biến C-295 của Việt Nam thành máy bay tấn công

Thùy Dung |

Dù chỉ là vận tải cơ nhưng C-295 của Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành máy bay cường kích và săn ngầm bằng loạt trang bị mới.

Theo thông tin vừa được công bố, Tập đoàn Airbus Defence & Space đã ký thỏa thuận với hãng Roketsan Thổ Nhĩ Kỳ về việc tích hợp các hệ thống vũ khí do hãng này phát triển cho dòng máy bay vận tải C-295W. Hay nói cách khác là phát triển phiên bản cho nhiệm vụ cường kích hạng nhẹ trên nền tảng dòng máy bay vận tải C-295.

Nội dung được ký kết sẽ tích hợp lên máy bay C-295W gồm: Rocket dẫn đường laser CIRIT cỡ 70 mm; tên lửa chống tăng UMTAS và bom thông minh Mk 81 155 kg và Mk 82 270 kg lắp bộ dẫn đường chính xác cao.

Điều đặc biệt là C-295W là phiên bản mở rộng của dòng máy bay vận tải C-295 với cánh phụ ở đầu cánh chính, nâng cấp động cơ đem lại hiệu suất bay tốt hơn.

 Những phương án biến C-295 của Việt Nam thành máy bay tấn công - Ảnh 1.

Máy bay vận tải C-295M của Không quân Việt Nam

Cơ bản thì C-295W vẫn sử dụng khung thân gốc phiên bản tiêu chuẩn máy bay vận tải C-295M xuất khẩu tới Việt Nam và nhiều nước khác. Chính vì thế, nếu nâng cấp thành công C-295W trang bị vũ khí dẫn đường thì sẽ mở ra cơ hội cho các máy bay vận tải C-295 của Việt Nam trở thành cường kích hạng nhẹ.

Ngoài ra, những máy bay vận tải C-295M như của Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành máy bay tuần tra săn ngầm nhờ vào gói nâng cấp do Tập đoàn PT Dirgantara của Indonesia (PTDI) thực hiện. Theo hãng thông tấn ANTARA News, hiện nay nhà sản xuất này của Indonesia đang sản xuất CN-295 - phiên bản của chiếc C-295.

Những nhiệm vụ của chiếc CN-295 này bao gồm vận tải quân sự, đối phó với những tình trạng khẩn cấp và di tản y tế, tìm kiếm cứu nạn, tuần tra hàng hải, hoặc thậm chí là các nhiệm vụ phức tạp hơn như tác chiến chống ngầm hoặc trinh sát điện tử.

Máy bay vận tải chiến thuật CN-295 được trang bị 2 động cơ turbine cánh quạt cho phép đạt tốc độ tối đa gần 600 km/h, tầm bay tới 4.600 km, trần bay 9.100 m. Máy bay có chiều dài 24,5 m, sải cánh 25,81 m, chiều cao 8,6 m và có khả năng chở 71 người cùng 2 phi hành đoàn hoặc hơn 9 tấn hàng hóa, trong khi trọng tải cất cánh tối đa đạt 23,2 tấn.

Hiện nay, Việt Nam hiện đã nhận bàn giao 3 chiếc vận tải C-295M của Airbus và biên chế về Lữ đoàn Không quân 918 đóng tại Gia Lâm vốn trước đó đang vận hành các máy bay vận tải An-26 sắp hết niên hạn sử dụng.

So với An-26, C-295 có tải trọng gần gấp đôi, tầm bay xa hơn và khả năng cất hạ cánh đường băng ngắn cùng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. C-295M được trang bị cặp động cơ turbine cánh quạt do Canada sản xuất - PW127G với cánh quạt 6 lá cung cấp tải trọng, tốc độ và hành trình bay tương tự như phiên bản CN-295 do Indonesia sản xuất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại