Những phụ nữ châu Á can đảm tố cáo thủ phạm lạm dụng tình dục

Yến Chi |

Đã 8 năm kể từ khi Seo Ji-hyun, một công tố viên cấp cao, bị quấy rối tình dục, nhưng nỗi đau vẫn y nguyên mỗi khi nhớ lại. Ở Hàn Quốc, những phụ nữ như Seo Ji-hyun dù lên tiếng bảo vệ phụ nữ nhưng vẫn phải đeo mặt nạ, cảnh giác khi thông tin cá nhân bị rò rỉ, lo sợ bị sa thải.

Seo Ji-hyun cáo buộc rằng năm 2010, cô đã liên tục bị một đồng nghiệp cấp trên “sờ soạng” tại một đám tang, trong khi Bộ trưởng Tư pháp ngồi gần đó.

Nữ công tố viên này đã báo cáo sự việc lên cấp trên nhưng sau đó đã bị đối xử một cách không công bằng, bị điều chuyển tới chi nhánh cấp thấp hơn ngoài Seoul - điều hoàn toàn không xứng đáng với những thành tích trong công tác của cô.

Mùa thu năm ngoái, sau khi sức khỏe yếu đi vì những cơn hoảng loạn và khó ngủ, Seo bắt đầu biết đến phong trào phụ nữ đồng loạt tố cáo những kẻ đã quấy rối tình dục ở Hollywood có tên gọi #MeToo và nhận ra đã đến lúc không cần phải tự đổ lỗi cho mình nữa.

Những phụ nữ châu Á can đảm tố cáo thủ phạm lạm dụng tình dục - Ảnh 1.

Nhiều người Hàn Quốc đã sốc khi nhận ra rằng ngay cả vị trí uy tín như nữ công tố viên Seo Ji-hyun cũng bị quấy rối tình dục và im lặng.

Phát súng đầu tiên của phong trào #MeToo ở Hàn Quốc

Khi phụ nữ khắp Hoa Kỳ, Canada và châu Âu rộ lên phong trào tố cáo các hành vi lạm dụng tình dục từ đụng chạm, dò dẫm, hôn đến cưỡng bức, vào tháng 11-2017, cô Seo Ji-hyun đã yêu cầu tổ chức cuộc họp với ban quản lý cấp cao để mở một cuộc điều tra về vụ việc cũng như làm rõ việc đối xử bất công với cô.

Không thấy gì tiến triển, công tố viên người Hàn Quốc này đã quyết định góp thêm tiếng nói của mình vào điệp khúc đang gia tăng khắp toàn cầu: Vào ngày 29-1-2018, cô đã chia sẻ về những gì mình đã trải qua trong một bức thư ngỏ trên mạng nội bộ nơi làm việc của cô và ký tên #MeToo ở cuối.

Trong vòng một vài giờ sau khi bài viết được đăng lên, Bộ Tư pháp cho biết, tuyên bố của cô là sai và từ chối đưa ra lời xin lỗi.

Tối hôm đó, Seo Ji-hyun đã xuất hiện trong một trong những chương trình truyền hình tin tức buổi tối có ảnh hưởng nhất Hàn Quốc.

Những lời nói của cô giống như cơn địa chấn. Hiện nay, cuộc phỏng vấn đó được ghi nhận như phát súng đầu tiên khởi động phong trào #MeToo của Hàn Quốc, kích hoạt làn sóng phụ nữ tố cáo chuyện bị lạm dụng bởi các đạo diễn phim, nhà thơ, diễn viên và nhiều đối tượng khác.

Ko Mi-kyung, Chủ tịch Đường dây nóng của phụ nữ Hàn Quốc, một tổ chức hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và quấy rối tình dục, ước tính rằng, số lượng cuộc gọi cho họ tăng lên 23% chỉ vài tuần sau cuộc phỏng vấn đó.

Công tố viên Seo đã nghỉ phép để chữa bệnh sau cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 1-2018 và dành nhiều thời gian hơn cho con trai 10 tuổi của mình. Đến giờ cô vẫn chưa nhận được lời xin lỗi.

“Tôi nghĩ chưa có gì thay đổi tại Văn phòng Công tố viên. Tôi nghe nói rằng họ vẫn nghĩ tôi là kẻ làm ô danh Văn phòng và họ vẫn không tin vào lời nói của tôi”.

Việc dám nói ra những bí mật đáng hổ thẹn này trong một số xã hội gia trưởng như Hàn Quốc cũng đồng nghĩa là kèm theo rủi ro.

Luật sư Lee Eun-eui, người đã kiện thành công hãng Samsung, nơi cô làm việc trong vụ kiện quấy rối tình dục vào năm 2008 cho biết, 80% khách hàng của cô khiếu nại các trường hợp liên quan đến phân biệt đối xử và quấy rối nơi làm việc.

Nhiều người cuối cùng bị tố cáo là “đào mỏ”, bị “ném đá” trên mạng, thậm chí còn bị kiện ngược lại.

Trung Quốc: Người tố cáo và “đối tác” cùng nhau ra tòa

Khác hơn một chút, ở Trung Quốc, phụ nữ không xuống đường tuần hành mà thể hiện chính kiến qua các phương tiện truyền thông xã hội hay các nền tảng trực tuyến vốn bị kiểm duyệt gắt gao.

Sự kiện mở đầu cho phong trào #MeToo ở Trung Quốc diễn ra vào ngày 1-1-2018 khi Luo Xixi, một cựu sinh viên tại Đại học Hàng không ở Bắc Kinh, hiện đang sống ở Mỹ, đã viết một bức thư ngỏ trên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc. 

Luo cáo buộc rằng khi cô là nghiên cứu sinh Tiến sĩ năm 2004, Giáo sư Chen Xiaowu, 45 tuổi đã đưa cô đến nhà em gái ông ta và định cưỡng bức cô.

Ông Chen phủ nhận cáo buộc nhưng 10 ngày sau, sau khi điều tra, ông bị sa thải và trường đại học thu hồi bằng cấp giảng dạy của ông này.

Thời điểm ấy, bài viết của Luo Xixi có hơn 3 triệu lượt xem chỉ trong một ngày và tạo hiệu ứng cho hàng loạt cáo buộc khác chống lại hơn chục giáo sư đại học.

Đến tháng 7-2018, phong trào này đã vượt ra khỏi các trường đại học của Trung Quốc, với một loạt cáo buộc có liên quan đến những nhân vật hàng đầu trong các tổ chức phi Chính phủ và truyền thông của Trung Quốc.

Thực ra, hoạt động bảo vệ nữ quyền đã xuất hiện mạnh mẽ từ trước đó.

Năm 2015, nhóm 5 nhà hoạt động nữ quyền ở Trung Quốc đã bị bắt giam vì tội “kích động rắc rối” sau khi lên kế hoạch tuần hành ở nhiều thành phố yêu cầu giải quyết nạn quấy rối tình dục trên phương tiện công cộng. Sau khi bị quốc tế lên án, chính quyền thả nhóm phụ nữ này sau 1 tháng giam giữ.

Một trường hợp được nhắc đến gần đây nhất là cựu thực tập sinh ở Đài truyền hình Trung ương CCTV 25 tuổi, Xian Zi, cáo buộc rằng người dẫn chương trình truyền hình cao cấp Zhu Jun quấy rối cô trong một phòng trang điểm vào năm 2014.

“Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm riêng với các cô gái khác, mặc dù không thể đảm bảo điều gì sẽ xảy ra khi họ lên tiếng”, Xian Zi nói. Câu chuyện của cô được đăng lại bởi một người dùng khác trên Weibo, nhưng đã bị kiểm duyệt chỉ sau 2 giờ. Mẹ Xian Zi cũng nhận được nhiều cuộc gọi điện thoại nặc danh.

Vào tháng 8-2018, Zhu Jun đã đệ đơn kiện chống lại Xian Zi cũng như một người bạn của cô đã đăng câu chuyện trên Weibo vì lý do “phá hủy danh tiếng”. Zhu cho biết, những lời buộc tội của Xian Zi là bịa đặt, yêu cầu có lời xin lỗi công khai, xóa bài viết trực tuyến cũng như bồi thường 95.000 USD.

Đến ngày 25-9, Xian Zi đã đệ đơn kiện chống lại Zhu Jun vì lý do “xâm phạm nhân cách”. Cô trở thành một trong những người đầu tiên trong phong trào #MeToo của Trung Quốc đối đầu với kẻ mà họ cáo buộc tại tòa.

Mong muốn thay đổi nhận thức của chính nạn nhân

Thật khó dự đoán các vụ việc đình đám ở trên có tạo được thay đổi gì về mặt pháp lý hay không nhưng ở Hàn Quốc, tiết lộ của công tố viên Seo Ji-hyun dường như đã thay đổi nhận thức của xã hội về quấy rối tình dục.

Trong một xã hội mà một công tố viên được coi là nghề có uy tín nhất, nhiều người đã bị sốc khi nhận ra rằng ngay cả những phụ nữ mạnh mẽ như Seo Ji-hyun cũng bị quấy rối tình dục và im lặng.

“Cô ấy thực sự làm rung chuyển khuôn mẫu định sẵn về nạn nhân bạo lực tình dục”, Giáo sư Bae Eun-kyung, chuyên nghiên cứu về giới tại Đại học Quốc gia Seoul nhận định.

Nhưng ít nhất, những thay đổi dù còn ít ỏi về mặt thể chế đã xuất hiện. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang kêu gọi biện pháp trừng phạt gay gắt hơn đối với các thủ phạm đặt máy quay gián điệp và chính quyền Seoul mở chiến dịch rà soát, thu gom các camera giấu kín tại các nhà vệ sinh công cộng.

Trong khi đó, hồi tháng 8-2018, Trung Quốc đã công bố lập dự thảo luật về quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Vào tháng 9 vừa rồi, Hội đồng Chính sách Lao động Nhật Bản cũng đã thảo luận về dự thảo luật và quy định tương tự để giải quyết vấn đề này.

Tuy vậy, ở môi trường đầy thử thách, những phụ nữ như Seo Ji-hyun và Xian Zi không muốn gì hơn là thay đổi nhận thức của những nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

“Hàn Quốc có một nền văn hóa khiến các nạn nhân phải sống trong đau đớn, khóc than và không thể hạnh phúc. Tôi muốn thể hiện hình ảnh của một nạn nhân sống sót nhưng hạnh phúc và tự tin”, Seo Ji-hyun nói.

Ở châu Á, #MeToo không chỉ đồng nghĩa với quấy rối tình dục và hành hung mà nó đã mở rộng ở việc bênh vực nữ quyền, ví như tại Nhật Bản, phong trào #WithYou thể hiện tình đoàn kết với những người bị quấy rối tình dục nơi làm việc; ở Thái Lan, phụ nữ thích hưởng ứng phong trào “Đừng bảo tôi phải ăn mặc như thế nào”.

Với Hàn Quốc, một trong những phong trào sôi nổi là đấu tranh chống các camera bí mật trong nhà vệ sinh hay phòng thay đồ công cộng. Theo cảnh sát, những đoạn phim kiểu này thường xuyên xuất hiện trên các trang web khiêu dâm trực tuyến, với gần 6.500 trường hợp được báo cáo vào năm 2017.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại