Đối với nhiều vị lãnh đạo công ty Nhật, mức chi trả lên tới 31,5 tỷ yên (300 triệu USD) trong 2 năm của Soft Bank, một công ty trong lĩnh vực viễn thông và internet, cho cựu Chủ tịch Nikesh Arora – một người sinh ra tại Ấn Độ - là “không thể hiểu được”.
Ở Nhật, ông chủ các công ty lớn nhất bình quân chỉ nhận được 100 triệu yên (1 triệu USD) một năm; bằng khoảng 1/10 các giám đốc điều hành Mỹ.
Trong khi lãnh đạo các tập đoàn nước ngoài có trụ sở tại Tokyo thường có lương cao ngất ngưởng, thậm chí xếp gần top bảng xếp hạng lương cao toàn cầu, như ông Arora kể trên, thì lãnh đạo các công ty Nhật rất hiếm người có mức lương như thế.
Lương thấp có vẻ như là một biểu hiện của văn hóa kinh doanh Nhật Bản đầy thận trọng. Nhiều công ty Nhật thích “ngồi” trên đống tiền mặt cao ngất ngưởng - các công ty phi tài chính Nhật hiện đang nắm giữ hơn 1 nghìn triệu triệu yên (9,5 nghìn tỷ USD) thay vì đầu tư vào các dự án mới đầy rủi ro.
Lãnh đạo các công ty Nhật có lý do để thận trọng: Họ không chỉ ít có động lực tài chính để đưa ra những quyết định kinh doanh táo bạo; mà còn phải e ngại những rủi ro xã hội. Nếu thất bại, họ sẽ buộc phải cắt giảm lực lượng lao động, khó có thể yên ổn về hưu với những khoản phúc lợi ổn định và công việc cố vấn…
Dù gần đây, các công ty Nhật Bản đã có một số thay đổi trong chính sách lương thưởng, song “gói” tiền lương thưởng của các công ty Nhật cũng vẫn khiêm tốn hơn nhiều so với ở các quốc gia khác: Chỉ chiếm 14% chi phí của công ty, so với 33% ở Đức và 69% ở Mỹ.
Nhưng một quy định hình thành từ năm 2010 vẫn tiếp tục ngăn cản những thay đổi căn bản về tiền lương của các ông chủ Nhật. Đó là thời điểm mà cơ quan quản lý thị trường chứng khoán yêu cầu các công ty niêm yết công bố danh sách tất cả các nhà lãnh đạo công ty kiếm được trên 100 triệu yên/ năm; với mục đích tăng tính minh bạch cho các nhà đầu tư.
Tại Nhật Bản, một số nhà lãnh đạo công ty nhanh chóng chấp nhận giảm lương để không xuất hiện trên danh sách; dù nhìn chung mặt bằng chi trả đã được nâng lên. Số ông chủ kiếm được trên ngưỡng này (100 triệu yên, tương đương gần 1 triệu USD), đã tăng từ dưới 300 người đến trên 500 từ năm 2009. T
akeshi Niinami, chủ hãng đồ uống khổng lồ Suntory; đồng thời là cố vấn chủ chốt của Chính phủ, cho rằng các công ty không cần tiết lộ ngưỡng thu nhập mà có thể chỉ cần công bố mức chi trả chung cho nhóm những người được trả cao nhất.