Ảnh: AFP
Các cảng của Ukraine ở Biển Đen bị phong tỏa, đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga là những yếu tố khiến giá lương thực thế giới tăng cao làm gia tăng quan ngại về nạn đói trên khắp thế giới.
Theo Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) có trụ sở ở Washington (Mỹ), Nga và Ukraine sản xuất khoảng 1/3 lúa mì và 1/4 lúa mạch trên thị trường thế giới.
Liên Hợp Quốc cảnh báo, xung đột Nga-Ukraine có thể khiến tới 47 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm nay. Một số nơi đã cảm nhận được ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngũ cốc.
Dưới đây là những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Nigeria
Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi, phụ thuộc nhiều vào ngũ cốc nhập khẩu. Lúa mì chiếm tỷ lệ lớn trong khẩu phần ăn hàng ngày, nhưng Nigeria chỉ sản xuất được 1% lượng lúa mì tiêu thụ trong nước.
Khoảng 43% người Nigeria sống dưới mức nghèo khổ. Theo số liệu thống kê của chính phủ từ năm 2018, tình trạng suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực đã làm hạn chế sự phát triển của hơn 1/3 trẻ em dưới 5 tuổi.
Xung đột ở Ukraine kết hợp với các yếu tố trong nước như cuộc nổi dậy ở phía Đông Bắc và dự báo lượng mưa dưới mức trung bình ở vành đai miền Trung và các khu vực phía Nam đã làm trầm trọng thêm nạn đói ở Nigeria.
Nigeria là một trong số ít các quốc gia bị xếp vào danh sách báo động cao nhất trong báo cáo “Các điểm nóng về nạn đói” của Liên Hợp Quốc.
“Châu Phi không có quyền kiểm soát đối với chuỗi sản xuất hoặc hậu cần và hoàn toàn bất lực trước tình hình này”, Tổng thống Senegal Macky Sall, Chủ tịch Liên minh Châu Phi, cho biết trước chuyến công du tới Nga đầu tháng 6 để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Trả lời phỏng vấn France 24 sau đó, ông Sall cảnh báo rằng nạn đói có thể gây mất ổn định ở lục địa đen.
Somalia và Ethiopia
Somalia và Ethiopia, nằm ở vùng Sừng châu Phi, đang phải đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu tới xung đột và giá lương thực tăng cao. Cùng với Kenya, 2 quốc gia này đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ qua. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo, 20 triệu người trong khu vực có thể bị đói vì hạn hán vào cuối năm nay.
Ông David Laborde, thành viên nghiên cứu cấp cao tại IFPRI, cho biết do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, các quốc gia ở vùng Sừng châu Phi cần nhập khẩu nhiều lương thực hơn trong năm nay. Tuy nhiên Somalia phụ thuộc vào Nga và Ukraine tới hơn 90% lượng lúa mì nhập khẩu.
Xung đột trong nước cũng đang làm phức tạp thêm khả năng tiếp cận lương thực. Tại Somalia, giao tranh giữa chính phủ và các chiến binh Hồi giáo cực đoan al-Shabab đã khiến nhiều người dân mất nhà cửa. Còn tại Ethiopia, chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed cũng phải đối phó với lực lượng nổi dậy từ khu vực phía Bắc Tigray kể từ năm 2020. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 9 triệu người đã đề nghị viện trợ lương thực vì chiến tranh và hàng trăm nghìn người đang trên bờ vực của nạn đói.
Xung đột Nga-Ukraine đã góp phần khiến tăng giá lương thực tăng cao ở Ethiopia từ đầu năm nay. Các nhóm viện trợ đều ghi nhận tình trạng “thiếu nghiêm trọng” bánh mì và dầu ăn.
Somalia và Ethiopia cũng nằm trong danh sách cảnh báo cao nhất của Liên Hợp Quốc. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, hơn 80.000 người ở Somalia có thể phải đối mặt với nguy cơ đói hoặc chết đói trong năm nay.
Trẻ em cũng bị ảnh hưởng nặng nề vì suy dinh dưỡng và gần 2 triệu trẻ em trên ở Ethiopia, Kenya và Somalia cần được điều trị khẩn cấp.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cảnh báo xung đột Nga-Ukraine đang cản trở khả năng ứng phó của Somania. Bà Rania Dagash, Phó Giám đốc UNICEF khu vực phía Đông và Nam châu Phi cho biết chi phí thực phẩm trị liệu mà UNICEF sử dụng để điều trị trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng dự kiến tăng 16% trên toàn cầu trong 6 tháng tới.
Ai Cập
Bà Corinne Fleischer, Giám đốc khu vực của WFP cho biết, khu vực Trung Đông và Bắc Phi bị ảnh hưởng đặc biệt vì xung đột Nga-Ukraine do gần Biển Đen.
Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Trước xung đột, Nga và Ukraine cung cấp hơn 80% lượng lúa mì nhập khẩu của Ai Cập. Vì thế, Cairo ngay lập tức bị ảnh hưởng vì sự gián đoạn nguồn cung.
Chính phủ nước này đã phải đã trợ cấp bánh mì “baladi” truyền thống - món chính trong bữa ăn của người Ai Cập - cho hơn 70 triệu trong số 102 triệu dân.
Ông Laborde nói rằng nạn đói không phải là vấn đề đáng lo ngại ở Ai Cập. Thay vào đó, những lo ngại xoay quanh chi phí để chính phủ “duy trì các chương trình xã hội và tránh các bất ổn chính trị”.
Giá lương thực tăng cao là một trong những thảm họa kinh tế góp phần làm bùng nổ cuộc cách mạng Mùa xuân Arab năm 2011. Việc tăng giá ảnh hưởng đến bánh mì và các hàng hóa khác ở Ai Cập trong những năm 1970 cũng từng làm bùng phát các cuộc bạo động khiến chính phủ phải nhanh chóng đảo ngược kế hoạch.
“Xung đột gây ra nạn đói và nạn đói dẫn đến xung đột”, bà Fleischer nói.
Yemen
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã phải cung cấp lương thực cho 13 triệu người ở Yemen, nơi cuộc nội chiến kéo dài khiến giá lương thực và nhiên liệu tăng cao, kéo theo nạn đói trên diện rộng.
WFP mua một nửa số lúa mì phục vụ chương trình viện trợ lương thực toàn cầu từ Ukraine. Vào thời điểm rất nhiều người trên khắp thế giới đề nghị viện trợ, chi phí cung cấp viện trợ đã tăng lên, khiến cơ quan này thiếu hụt ngân sách đáng kể.
“Hiện tại chúng tôi phải quyết định trẻ nào ăn, trẻ nào không ăn, trẻ nào sống, trẻ nào chết”, Giám đốc điều hành WFP David Beasley nói với Washington Post vào tháng trước.
WFP đã phải cắt khẩu phần lương thực cho 8 triệu người ở Yemen trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hiện giờ, cơ quan này có thể sẽ phải cắt giảm nhiều hơn nữa./.