Những nhà đầu tư điện gió hàng đầu Việt Nam

HN |

Theo đánh giá của Worldbank, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển ngành điện gió cả trên bờ và ngoài khơi lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Vì vậy trong những năm gần đây có rất nhiều nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đẩy mạnh khai thác lĩnh vực này.

Một số công ty có dự án đã đi vào vận hành:

Trung Nam Group

Tính đến 3/2020, dự án trang trại điện gió Trung Nam đã đi vào hoạt động với công suất lên tới 151,95 MW, tổng vốn đầu tư đạt gần 4.000 tỷ VNĐ trong vùng dự án 900 hecta tại Ninh Thuận.

Ngoài ra, trong năm nay Trung Nam Group đặt mục tiêu đưa 2.000 MW điện gió vào vận hành trong 3 năm tiếp với các dự án tại Trà Vinh, Gia Lai, Ninh Thuận, Đắk Lắk. Trung Nam Group đã chi 67 triệu USD để phát triển các dự án điện tái tạo này.

BIM Group

Đến tháng 6/2020, BIM Group hiện có tổng công suất điện gió đang cung cấp là 139,15 MW, nhà máy được đặt tại Ninh Thuận và chiếm 27,6% tổng nguồn năng lượng tái tạo.

Với định hướng trở thành nhà đầu tư tiên phong hàng đầu về năng lượng tái tạo tại Việt Nam, BIM Group đang tiếp tục các bước để triển khai dự án điện gió với công suất dự tính 320 MW, được khởi công tại Ninh Thuận vào đầu năm 2020 và dự kiến hoàn thành trước tháng 11/2021.

Công ty Cổ phần Phong Điện Thuận Bình

Ngày 19/9/2016, dự án Điện gió Phú Lạc (Bình Thuận) do công ty cổ phần Phong Điện Thuận Bình làm chủ đầu tư được hoàn thành. Giai đoạn 1 của dự án xây dựng nhà máy có công suất lắp máy 24 MW, sản lượng điện hàng năm trên 59 triệu kWh với tổng mức đầu tư là 1.089 tỷ VNĐ.

Công ty cổ phần TSV (TP. Hồ Chí Minh) và Công ty The Blue Circle (Singapore)

Đến tháng 11/2018, công trình điện gió Đầm Nại tại Ninh Thuận GĐ 1 - công suất 7,8 MW và GĐ 2 - công suất 30 MW đều được đưa vào hoạt động. Nhà máy có quy mô 9,6 ha với vốn đầu tư 1.523 tỷ VNĐ. Dự án do Liên doanh chủ đầu tư là Công ty cổ phần TSV và Công ty The Blue Circle (Singapore) phối hợp thực hiện.

Công ty cổ phần Năng lượng tái tạo Việt Nam (REVN)

Điện gió Tuy Phong (nay gọi là điện gió Bình Thạnh) do REVN làm chủ đầu tư là nhà máy điện gió xây dựng tại tỉnh Bình Thuận, dự án được khởi công năm 2008, đến tháng 4/2012 đã hoàn thành giai đoạn 1, mỗi năm nhà máy sản xuất 85 triệu kWh.

Tính đến năm 2019, toàn bộ dự án có công suất 120MW và được coi là nhà máy điện gió lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng đầu tư là hơn 2.000 tỷ VNĐ.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Xây Dựng – Thương mại và Du lịch Công Lý

Ngày 26/7/2020, Công ty TNHH Công Lý tiến hành khởi công dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 – Giai đoạn 2 và Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 (đặt tại Bạc Liêu) có tổng công suất 100MW, dự tính quy mô vốn đầu tư là 5.000 tỷ VNĐ.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam

Nhà máy điện gió Phú Quý có tổng vốn đầu tư là 335 tỷ VNĐ do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đầu tư, được đưa vào hoạt động vào tháng 8/2012 tại Bình Thuận. Điện gió Phú Quý có công suất lắp máy đạt 6 MW, cung cấp khoảng 25,4 triệu kWh hàng năm.

HBRE Group

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Phú Yên năm 2018, dự án Nhà Điện gió HBRE - Phú Yên do HBRE cam kết đầu tư có tổng số vốn hơn 9.000 tỷ VNĐ, và dự kiến hoạt động với công suất đạt 300 MW.

Ngoài ra HBRE cũng đã phát triển đầu tư giai đoạn 1 của dự án “Trang trại phong điện Tây Nguyên” tại Đắk Lắk với tổng vốn đầu tư là 1.400 tỷ VNĐ từ 2018.

Tập đoàn CIP (Đan Mạch)

Trong tháng 7/2020, Tập đoàn CIP và tỉnh Bình Thuận cũng ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất đến 3,5 GW, vốn đầu tư 10 tỷ USD – đây là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên được triển khai với 100% vốn nước ngoài

Công ty cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu

Ngày 11/10/2020, tại xã Vĩnh Thịnh - tỉnh Bạc Liêu, Năng lượng Hacom đã khởi công xây dựng Nhà máy điện gió Hòa Bình 5, giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 3.200 tỷ VNĐ, nhà máy có công suất 80MW được xây dựng trên 28 ha với 26 trụ tuabin gió – đây là nhà máy điện gió lớn nhất trên đất liền.

Eastern Power Group (Thái Lan)

Cũng trong tháng 10, Eastern Power đã công bố kế hoạch mua 2 dự án nhà máy điện gió Hướng Linh 3 và 4 (Quảng Trị) với tổng giá trị 9,6 triệu USD với cùng công suất 30 MW, quy mô 8ha và thời gian hoạt động 50 năm.

Công ty EAB (CHLB Đức)

Dự án điện gió Mũi Dinh (Ninh Thuận) do Công ty EAB đầu tư xây dựng có công suất lắp máy đạt 37,6 MW, vận hành từ tháng 1/2019. Nhà máy có 16 tuabin, xây dựng trên diện tích 12ha, hàng năm cung cấp khoảng 105 triệu kWh điện cho lưới điện quốc gia. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.272 tỷ VNĐ.

Một số công ty đang đề xuất đầu tư:

Công ty cổ phần Đầu tư HLP

Ngày 12/6/2019, CTCP Đầu tư HLP đã gửi văn bản đề xuất đầu tư Dự án điện gió biển Cổ Trạch (Bình Thuận) với diện tích khảo sát 30.264 ha, công suất dự án là 2.000 MW và tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 4,4 tỷ USD.

Tập đoàn Enterprize Energy (Anh)

Trong năm 2019, siêu dự án Thăng Long Wind được tập đoàn Enterprize Energy công bố xây dựng tại Bình Thuận có công suất 3400 MW cùng vốn đầu tư 11,9 tỷ USD – là dự án nhà máy điện gió lớn nhất Việt Nam. Nhưng hiện dự án vẫn chưa được bổ sung quy hoạch.

AC Energy (thuộc Tập đoàn Ayala Philippines)

Tháng 9/2017, AC Energy công bố kế hoạch xây dựng nhà máy năng lượng tái tạo điện gió tại Mũi Né - Việt Nam với tiềm năng mở rộng công suất lên 170 MW, chi phí cho dự án dự kiến khoảng 80 triệu USD và sẽ đi vào hoạt động vào năm 2021.

Tháng 8/2020, Tỉnh Đắk Lắk đã đề nghị Thủ tướng bổ sung dự án điện gió hơn 7.700 tỷ VNĐ tại huyện Cư M’gar, dự án do Công ty TNHH MTV AMI AC Renewables - công ty con của AC Energy đề xuất có công suất dự kiến 202,5 MW và sẽ đi vào vận hành tháng 2/2022.

Ngoài ra, cũng trong năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký công văn trình Thủ tướng cho bổ sung quy hoạch với cụm trang trại điện gió B&T có quy mô 252 MW đặt tại Quảng Bình. Tổng mức đầu tư là 8.904 tỷ VNĐ và chủ dự án là Công ty Công ty TNHH MTV AMI AC Renewables đóng góp 20% vốn, 80% còn lại là vốn vay.

Trong thời gian tới, khi thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam phát triển thì năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh với nguồn năng lượng truyền thống, đặc biệt là điện gió với sự đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các nước có lĩnh vực điện gió phát triển như Anh, Đức, Thái Lan…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại