Những người 'săn' máy bay

TRÚC MAI/VTC NEWS |

Những người trong giới săn hình ảnh, video máy bay gọi nhau là air spotter, hay người săn lùng hình ảnh máy bay.

Khi nghe tin Tổng thống Joe Biden sắp thăm Việt Nam, Quân lập tức tìm hiểu thông tin về các chuyến chuyên cơ của Mỹ đến Nội Bài mong ghi lại được những hình ảnh máy bay đẹp nhất có thể.

Vũ Hải Quân, ở Hà Nội, có đam mê chụp ảnh máy bay từ lâu. Những người trong giới săn hình ảnh, video máy bay gọi nhau là air spotter (người săn lùng hình ảnh máy bay).

“Gọi là nghề air spotter thì không đúng, vì hầu như những air spotter mà tôi biết đều có nghề khác để kiếm sống, nhưng đam mê chụp ảnh, quay phim máy bay cũng có thể mang lại tiền bạc”, Quân nói.

Những người 'săn' máy bay- Ảnh 1.

Ở đâu có sân bay, ở đó có air spotter (Ảnh: Malay Mail)

Máy bay trên họa báo Liên Xô

Anh cho biết có cửa hàng buôn bán hóa chất ở Thái Hà (Hà Nội) và đó là công việc, nguồn thu nhập chính của gia đình. “Vợ chồng cùng làm, nhưng được cái vợ tôi tôn trọng đam mê săn ảnh nên việc đi đây đó của tôi cũng đơn giản hơn”.

Quân cho hay anh mê máy bay từ nhỏ. Hình ảnh những chiếc TU-154, IL-76 hay IL-86 trên họa báo Aeroflot của Liên Xô mà bố anh mang về cho con xem đã mê hoặc anh từ những năm mới đến tuổi đi học. Niềm đam mê ấy cứ lớn dần, đến khi Quân biết đến trên thế giới có một hoạt động gọi là air spotting hay săn ảnh máy bay.

Air spotting ra đời từ đầu thế kỷ 20, khi máy bay bắt đầu được sử dụng rộng rãi. Ban đầu, air spotting được thực hiện bởi các quân nhân, chụp ảnh, quay phim nhằm theo dõi hoạt động của máy bay địch. Sau Thế chiến thứ nhất, air spotting trở thành một sở thích phổ biến, nhiều người bắt đầu theo dõi và ghi lại hình ảnh các loại máy bay.

“Để làm air spotter, ta cần có một số dụng cụ cơ bản, bao gồm ống nhòm, giúp nhìn rõ hơn các máy bay đang bay”, Quân nói.

Thứ không thể thiếu đối với air spotter đương nhiên là máy ảnh. “Thường người ta sẽ mang hai máy, một ống tele, một ống góc rộng”, air spotter 36 tuổi cho hay.

Ngoài ống nhòm và máy ảnh, anh luôn mang theo một cuốn sổ ghi chép để ghi lại thông tin về các máy bay, chẳng hạn như chủng loại, số đăng bạ và hãng hàng không đang vận hành chiếc máy bay.

Để chụp ảnh, quay phim máy bay, các air spotter phải nghiên cứu nhiều khái niệm về máy bay, về hàng không.

“Làm air spotter thì đầu tiên phải hiểu máy bay bay lên bằng cách nào, các cơ chế về lực nâng, trọng lực, lực cản… Không hiểu thì không thể biết cái gì đang diễn ra trước mắt, điều gì đáng ghi lại, đáng chú ý”, Trần Phi Long, air spotter ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng cho hay.

Theo Long, 28 tuổi, các air spotter ngoài đam mê còn cần thu nạp nhiều kiến thức về hàng không. “Họ cần biết chức năng của cánh tà, cánh lái, đuôi đứng, máy phát điện phụ trợ (APU), những ống cảm biến pitot và nhiều thứ khác của một chiếc máy bay”, Long nói.

Air spotter cũng cần phải nắm được các thuật ngữ bằng tiếng Anh, ngôn ngữ chính thức của ngành hàng không dân dụng, ví dụ “ATC” là đài kiểm soát không lưu, “touch down” là khoảnh khắc máy bay chạm đường băng, “go around” là hủy hạ cánh và cất cánh lên lại, “touch and go” là kỹ thuật của các phi công quân sự, hạ cánh xuống đường băng rồi ngay lập tức tăng tốc lấy đà cất cánh luôn, “push back” là nghiệp vụ dùng xe đẩy lùi máy bay ra khỏi nơi đỗ…

Những người 'săn' máy bay- Ảnh 3.

View ngắm máy bay lên xuống của một quán cà phê ở Đà Nẵng (Ảnh: nguoidanang.vn)

Có kiến thức về máy bay, có đồ nghề, các air spotter còn cần biết “hành tung” của máy bay để “phục kích”. Họ cần biết trước đường đi dự kiến của máy bay, dự kiến thời tiết, có mặt trước ở các điểm có thể quan sát.

Dân săn ảnh máy bay thường sử dụng các trang theo dõi máy bay như spotterguide.net, flightaware.com hay phổ biến trong giới săn ảnh máy bay ở Việt Nam là flightradar24.com. Các trang web này thường cung cấp lịch trình, đường bay dự kiến cũng như vị trí máy bay theo thời gian thực.

“Mỗi lần có các chuyến thăm của nguyên thủ quốc gia nước ngoài hay các triển lãm hàng không là giới air spotter lại được dịp chộn rộn hết cả lên”, Long nói. Lúc đó, ngoài máy bay thương mại, giới săn ảnh có dịp tha hồ quay, chụp các chuyên cơ, những chiếc máy bay vận tải quân sự khổng lồ.

“Tôi thích nhất là dịp được quay chiếc Boeing 747 Air Force One, chiếc trực thăng chuyên cơ Marine One phục vụ Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông ấy đến Hà Nội hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un”, Long cho biết.

Với những chuyến chuyên cơ chở yếu nhân hay các máy bay thuê bao, máy bay riêng, không có thông tin lịch trình trên các trang theo dõi máy bay thông thường, các “thợ săn” phải vận dụng sự suy đoán dựa trên các thông tin về sự kiện, thời tiết, nhiều khi là cả may mắn, để có thể “tóm” được hình ảnh những chiếc máy bay đặc biệt.

Những người 'săn' máy bay- Ảnh 4.

Hình ảnh một chiếc Boeing 787 của Vietnam Airlines được air spotter Việt đưa lên trang Jetphotos.net (Ảnh: Jetphotos.net)

“Đón lõng” các chuyến bay đặc biệt

Trần Đăng Khoa, air spotter ở Hà Đông, Hà Nội cho hay đầu tháng 2 vừa rồi tại Hà Nội xảy ra đợt sương mù đậm đặc khiến tầm nhìn giảm nghiêm trọng. Suy đoán nhiều máy bay không thể hạ cánh ở Nội Bài, Khoa đã xuống sân bay Cát Bi, Hải Phòng “đón lõng”.

Anh đã bắt gặp hình ảnh những chiếc máy bay nước ngoài hạ cánh ở đây, điều khá hiếm gặp. Tuy cũng có tình trạng sương mù nhưng tầm nhìn ở sân bay Cát Bi lúc đó tốt hơn Nội Bài và các máy bay không hạ cánh được ở Nội Bài sẽ chuyển hướng đáp xuống Cát Bi.

Dựa vào các trang theo dõi máy bay, Khoa biết điểm đến của những chiếc Boeing 737 của Air Incheon, một hãng hàng không Hàn Quốc, là Nội Bài. Việc chúng có mặt tại Cát Bi, theo Khoa, là tình huống bất khả kháng.

Dự đoán được tình hình các máy bay khó hạ cánh ở Nội Bài, Khoa có mặt tại địa điểm đầu đường băng 07 của sân bay Cát Bi. Hôm đó, anh quay được cảnh những chiếc vận tải cơ của Air Incheon cất cánh từ sân bay Cát Bi. “Gặp máy bay nước ngoài ở Cát Bi cũng tựa như trúng số vậy”, Khoa nói.

Vừa rồi, hai chiếc máy bay thương mại từ Trung Quốc đã đến sân bay quốc tế Vân Đồn để thực hiện bay trình diễn. Đây là sự kiện thu hút sự chú ý của giới yêu hàng không nói chung và các air spotter nói riêng bởi đây là hai chiếc máy bay thương mại đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, gồm một chiếc ARJ21 và một chiếc C919. Cả hai chiếc máy bay đều do COMAC (Tập đoàn máy bay dân dụng Trung Quốc, có trụ sở ở Thượng Hải) chế tạo.

Điều đặc biệt, đây là lần đầu tiên Trung Quốc “trình làng” C919 ra thị trường quốc tế. Sau khi bay trình diễn tại sự kiện Airshow 2024 ở Singapore, hai chiếc máy bay Trung Quốc đã tới sân bay quốc tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh trong 4 ngày (từ 26/2 đến 29/2).

Khi hai chiếc máy bay đến Vân Đồn, nhiều air spotter Việt Nam đã đợi sẵn để ghi hình. Hành trình tiếp theo của hai chiếc máy bay Trung Quốc đến Côn Đảo, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đều được giới săn ảnh bám sát.

“Ở đâu có sân bay, ở đó có air spotter”, Quân nói. Theo anh, giới săn ảnh máy bay ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở những nơi có sân bay, đặc biệt là ba thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. “Có lẽ, air spotter tại TPHCM là đông đảo hơn cả”, Quân nhận định.

Theo anh, thứ nhất là vì đây là thành phố đông dân, đầu tàu kinh tế của đất nước, lưu lượng hàng không lớn. Thứ hai là vì vị trí của sân bay Tân Sơn Nhất. “Sân bay nằm trải dài theo địa giới quận Gò Vấp và Tân Bình, sát trung tâm, nên thuận tiện cho giới theo dõi máy bay”, Quân cho hay.

Giới săn ảnh hàng không hầu như đều biết địa chỉ các quán cà phê chuyên phục vụ những người yêu máy bay, thích ngắm máy bay cất và hạ cánh ở đường Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Oanh ở quận Gò Vấp, đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TPHCM hay các quán cà phê ngắm máy bay ở đường Trường Thi, Lê Đại Hành, Thi Sách, Điện Biên Phủ ở Đà Nẵng, các nhà hàng có view chụp ảnh máy bay ở sân bay Nội Bài…

Theo Quân, một số air spotter theo đuổi hoạt động này chỉ vì đam mê, nhưng cũng có người kiếm tiền từ hoạt động quay phim, chụp ảnh máy bay. “Người thì bán ảnh cho các trang web mua bán ảnh hay video, người thì đăng YouTube 'ăn' view”, Quân nói.

Theo anh, có nhiều trang mua bán ảnh/video máy bay trên thế giới như Jetphotos.com, Alamy, Shutterstock, iStockphoto… “Tôi không bán video nên không rõ, nhưng ảnh thường dao động từ 0,2 đến 50 USD một lượt tải, tùy thuộc vào độ phổ biến của hãng bay, độ độc đáo của loại máy bay, chất lượng ảnh hoặc video”, Quân nói. Anh không tiết lộ mình kiếm được bao nhiêu tiền từ việc bán ảnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại