Vào cuối tháng 8, tại một chương trình nông nghiệp ở Decatur, Illinois, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue đang trả lời các câu hỏi thì Tổng thống gọi điện. Ông Perdue đã mở loa và đặt điện thoại bên cạnh micro để đám đông có thể nghe ông Trump nói. Trong cuộc gọi gần 7 phút, Tổng thống đã bào chữa cho việc giải quyết chiến tranh thương mại với Trung Quốc khiến nông dân Mỹ mất đi một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của họ.
Tuy nhiên, ông Trump đã nhanh chóng nhắc nhở những người nông dân rằng ông đã cố gắng cứu vãn nỗi đau của họ. "Đôi khi tôi thấy những phóng viên thiếu trung thực nói rằng ‘ôi, những người nông dân đang buồn bã’. Họ không thể quá buồn vì tôi đã cho họ 12 tỷ USD và thêm 16 tỷ USD trong năm nay."
Một vài năm trước, một bài phát biểu nhiệt huyết của ông Trump có thể thu hút những tràng pháo tay vang dội từ một trong những khu vực bầu cử quan trọng. Lần này đám đông đã trở nên chán nản. Gói cứu trợ là một sự đền bù, nhưng không phải là một giải pháp, nó giống như miếng băng che tạm vết thương vậy, theo ông Stan Born, một nông dân trồng 500 mẫu đậu nành gần Decatur. Khi được hỏi liệu các khoản bồi thường có giải quyết được mọi việc hay không, ông Born trả lời "tất nhiên là không". Ông ấy thích giao dịch tự do hơn.
Những nhân vật có thái độ "diều hâu" với Trung Quốc trong chính quyền Trump muốn Bắc Kinh bỏ trợ cấp cho các ngành công nghiệp chiến lược, tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Nhà Trắng rót hàng tỷ đồng viện trợ cho nông dân Mỹ, những người đã phụ thuộc vào tiền của chính phủ nhiều hơn so với những năm trước đây. Với 28 tỷ USD cho đến nay, việc giải cứu cây trồng đắt hơn gấp đôi so với gói cứu trợ năm 2009 cho 3 nhà sản xuất ô tô (Big Three) của Detroit trong cuộc khủng hoảng ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Và nông dân vẫn kỳ vọng vào những khoản tiền tiếp theo. Trong một cuộc khảo sát tháng 8 của Đại học Purdue và Tập đoàn CME, 58% người tham gia cho biết họ dự đoán một đợt hỗ trợ thương mại khác vào năm tới.
Nông dân trở thành những người chịu thiệt hại ngoài dự kiến trong cuộc chiến thuế quan trả đũa của ông Trump với Trung Quốc, vốn được tiến hành chủ yếu vì lợi ích của các lĩnh vực như sản xuất và công nghệ. Nông nghiệp thực sự là một trong những ngành công nghiệp hiếm hoi của Mỹ luôn có thặng dư thương mại, không chỉ với Trung Quốc, mà đã tích lũy từ toàn cầu hóa.
Ngày 1/9, Tổng thống Trump đã áp thuế bổ sung khoảng 110 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, bao gồm cả giày dép và may mặc. Trung Quốc đáp trả bằng thuế quan đối với thịt lợn, thịt bò, thịt gà và các mặt hàng nông sản khác của Mỹ. Kể từ đó, quan hệ hai bên đã tốt hơn. Ngày 13/9, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rằng nước này sẽ miễn thuế đậu nành, thịt lợn và một số sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ.
Đối với các nhà sản xuất Mỹ, đòn đánh vào xuất khẩu đã làm căng thẳng thêm vấn đề tài chính đang ở thời điểm đáng báo động bởi giá các mặt hàng nông sản đã sụt giảm 6 năm nay. Lãi ròng của ngành trồng trọt dự kiến sẽ giảm 29% trong năm nay so với mức 2013 và nợ tổng cộng là 420 tỷ USD.
Thời tiết cũng không thuận lợi. Lũ lụt kỷ lục vào mùa xuân năm nay đã cản trở nông dân trồng khoảng 11,4 triệu mẫu ngô và 4,5 triệu mẫu đậu nành, theo ước tính của chính phủ.
Các nhà sản xuất cũng bày tỏ sự thất vọng rằng ông Trump đã không thể làm theo cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình để duy trì các nhiệm vụ tiêu dùng quốc gia đối với nhiên liệu tái tạo. Thay vào đó, chính quyền của ông đã cấp phép cho các nhà máy lọc dầu miễn trừ hạn ngạch cho ethanol từ ngô và diesel sinh học từ đậu nành. Những người nông dân cho rằng chính điều này làm giảm nhu cầu đối với các loại cây trồng đó.
Nông dân sẽ nhận được 19,5 tỷ USD viện trợ chính phủ trực tiếp trong năm nay, nhiều nhất kể từ năm 2005, theo dự báo mới nhất của USDA, không bao gồm dự báo về 10,5 tỷ USD các khoản bồi thường bảo hiểm mùa màng của chính quyền liên bang, phương tiện chính cho chương trình trợ cấp nông nghiệp thường xuyên.
Các quỹ cứu trợ không bù đắp được tất cả những mất mát của người nông dân. Các nhà sản xuất ở Iowa đã được bồi thường trực tiếp 973 triệu USD từ vòng viện trợ thương mại đầu tiên trong khoảng thời gian chiến tranh thương mại lấy đi của họ 1,7 tỷ USD, theo ước tính của Đại học bang Iowa.
Mặc dù vậy, không có sự thay đổi nào trong việc ủng hộ Tổng thống Trump ở các vùng nông thôn, nơi số phiếu của ông luôn cao hơn khoảng 12 điểm phần trăm so với cả nước. Vào tháng 8, 52% cư dân nông thôn đã tán thành hành động của Trump, theo cuộc thăm dò của Gallup bao gồm 1.258 người trả lời tự nhận ở nông thôn. Số người nông dân ủng hộ ông Trump thậm chí còn cao hơn với 67%, tăng từ 60% một năm trước, theo khảo sát của Farm Futures thực hiện từ ngày 21/7 đến 3/8.
Sự ủng hộ của nông thôn Mỹ giảm đi có thể làm thất bại kế hoạch tái tranh cử của Tổng thống Trump, đặc biệt là sau giai đoạn giữa năm 2018 khi sự ủng hộ đảng Cộng hòa ở khu vực ngoại ô yếu đi. Ở Iowa, năm ngoái, đảng Dân chủ đã giành được hai trong số bốn ghế của bang trong Hạ viện từ đảng Cộng hoà, ông Steve King của vùng tây bắc Iowa là đại diện đảng Cộng hòa duy nhất của bang này.
Ở phía tây bắc của Iowa, ít nhất một nông dân không chắc mình sẽ bầu cho ứng viên nào vào năm 2020. Ông Brian Kemp, người trồng 1.500 mẫu đậu nành và ngô, đã ủng hộ Tổng thống trong cuộc bầu cử gần nhất, giống như mọi người ở khu vực quốc hội thứ 4 của Iowa, nơi ông Trump đã đánh bại bà Hillary Clinton từ 60% xuống 33%. Ông Kemp đang chờ đợi vấn đề thương mại được giải quyết như thế nào hoặc nếu nó được giải quyết, thì điều gì đó cần phải được thực hiện, chiến tranh thương mại đáng tiếc đã làm cho nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là đậu nành.
Hàng tỷ USD viện trợ cho nông dân mà chính quyền Trump đã phê duyệt chưa chắc đã đủ để giữ những phiếu bầu ở vùng nông thôn vào năm 2020.