Câu hỏi hóc búa trên chính trường Úc
“Bạn có phải là người phát ngôn của Bắc Kinh không?", một nghị sĩ Úc đã bất ngờ nhận được câu hỏi này trên một chương trình truyền hình trực tiếp.
"Câu trả lời rất đơn giản", bà Gladys Liu trả lời: "Không".
Tuy nhiên, với tư cách là thành viên quốc hội gốc Hoa đầu tiên của Úc, bà Gladys Liu dường như đã không có câu trả lời dứt khoát như vậy trong cuộc phỏng vấn vào tuần trước với một thành viên thuộc tổ chức có quan hệ với Bắc Kinh, theo The New York Times (Mỹ-NYT).
Thời điểm đó, câu trả lời thiếu trôi chảy của bà dẫn đến các ý kiến phản đối mạnh mẽ và đã làm lộ ra cuộc tranh đấu giữa người bản địa với cộng đồng người nhập cư Trung Quốc đang không ngừng lớn mạnh tại đây.
Mới đây, bà Gladys Liu đã bật khóc trong một phiên họp quốc hội trước những chỉ trích dữ dội của các đối thủ về mối quan hệ của bà với các tổ chức thân Bắc Kinh trong quá khứ.
Theo báo Mỹ, hai thế lực mâu thuẫn đang xảy ra: Cộng đồng người Hoa ở Úc đang gia tăng quy mô và ảnh hưởng trong khi đất nước này ngày càng hoài nghi về sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và gióng lên hồi chuông báo động về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các thể chế địa phương.
Các quốc gia trên thế giới đang vật lộn đối phó với tham vọng leo thang của Trung Quốc nhưng những thách thức mà Úc phải đối mặt là đặc biệt rõ ràng.
Thủ tướng Úc Scott Morrison kiêm lãnh đạo đảng của bà Gladys Liu, nói rằng yêu cầu bà thể hiện về lòng trung thành với Úc là phân biệt chủng tộc. Ảnh: Getty
Rory Medeka, Viện trưởng Học viện an ninh quốc gia, Đại học quốc gia Úc cho biết: "Tranh cãi về Gladys Liu là một cảnh báo cho thấy, giống như nhiều quốc gia khác, Úc cần phải trưởng thành hơn trong tranh luận về Trung Quốc".
Ông nói rằng "cái lỗi thực sự nằm ở sự tự mãn lâu nay của tầng lớp chính trị Úc" và khi các đảng phái chính trị lớn của đất nước này không thấy có gì sai khi coi cộng đồng người Hoa là nơi khai thác kinh tế thì Bắc Kinh cũng coi Úc là nơi đầy rẫy những cơ hội để thu thập thông tin tình báo và can thiệp nội bộ.
Căng thẳng đặc biệt gay gắt ở Úc, nơi có hơn một triệu người gốc Hoa sinh sống. Mặc dù người Trung Quốc đã đến Úc trong hai thế kỷ nhưng một số lượng đáng kể người di cư Trung Quốc đã bắt đầu đến sau khi Chính sách nước Úc trắng kết thúc vào đầu những năm 1970 của thế kỷ 20. Nếu trong quá khứ những người nhập cư chủ yếu là di dân đến từ Hồng Kông và Đài Loan thì trong hơn một thập kỷ qua, số người nhập cư từ Trung Quốc đại lục đã tăng mạnh.
Trong một sự phản ánh về sức mạnh và ảnh hưởng to lớn của Trung Quốc, nhiều người Úc gốc Hoa đứng giữa hai thế giới, với thành tựu kinh tế của họ đôi khi phụ thuộc vào mối quan hệ với Đại lục.
Trước thực tế này, cũng như áp lực dân tộc chủ nghĩa mà Bắc Kinh đặt ra cho cộng đồng người Hoa hải ngoại, người nhập cư Trung Quốc ở Úc ngày càng phải đối mặt với một vấn đề hóc búa: Bạn có thể chứng minh lòng trung thành của mình với đất nước này không?. Hay nói cách khác chính là "Thân Trung Quốc ở mức độ nào thì bị coi là quá thân?".
Chính trong bối cảnh đó, Gladys Liu đã nhận trả lời phỏng vấn với nhà bình luận bảo thủ của Sky News Andrew Bolt. Gladys Liu là một hiện tượng trên chính trường Úc với khả năng gây quỹ và kết nối của riêng mình trong cộng đồng người Hoa.
Tuy nhiên, hết hết mọi người đều coi kết quả của cuộc phỏng vấn này là thảm họa. Liu nói rằng bà không nhớ mình đã từng là thành viên lâu năm của tổ chức cộng đồng người Hoa bản địa có liên quan đến sức ảnh hưởng ở nước ngoài của Bắc Kinh. Các nhà phê bình suy đoán, bà dường như cân nhắc lời nói của mình để không làm mất lòng Bắc Kinh.
Các đối thủ chính trị yêu cầu bà cần tuyên bố trung thành với Úc, nơi bà sống từ những năm 1980 và yêu cầu các cơ quan tình báo giám sát chặt chẽ hơn về bất kỳ mối liên hệ có thể tồn tại giữa bà và chính phủ Trung Quốc.
Người gốc Hoa bị lôi vào vòng xoáy
Ngoài ra còn có sự chia rẽ trong dư luận Úc. Một số người dân Úc lo ngại rằng đất nước đang tập trung ánh mắt hoài nghi đối với một cộng đồng và bôi nhọ một nghị sĩ mới lần đầu ứng cử. Trong khi những người khác cho rằng trường hợp của bà Liu làm tăng những mối lo ngại về chủ quyền và an ninh quốc gia.
Vào tháng Năm năm nay, Gladys Liu đã được bầu làm thành viên quốc hội Úc, đại diện cho một khu vực bầu cử ở ngoại ô Melbourne. Bà là thành viên người Hoa đầu tiên trong quốc hội Úc. Ảnh: Getty
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là những vấn đề mà nước Úc luôn né vì cơn khát tài nguyên thiên nhiên và bằng đại học của Trung Quốc đã giúp thúc đẩy một thời kỳ tăng trưởng kinh tế không bị gián đoạn của Úc.
"Chỉ có hai năm gần đây, Úc mới bắt đầu đề cập đến mặt trái về sự trỗi dậy của Trung Quốc", ông John Lee hiện đang làm việc ở Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Sydney, từng là cố vấn của cựu Ngoại trưởng Julie Bishop nói.
Năm ngoái, nước này đã thông qua dự luật phản đối sự can thiệp của nước ngoài, yêu cầu tất cả những người vận động hành lang đại diện cho các quốc gia khác phải đăng ký vào sổ đăng ký quốc gia.
Hai năm trước, Sam Dastyari, một chính trị gia thuộc đảng Lao động, đã rút khỏi Thượng viện trong bối cảnh ông này bị cáo nhận các khoản phí từ một tỷ phú Trung Quốc và làn sóng chỉ trích việc ông này thúc đẩy đảng Lao động thay đổi lập trường về vấn đề biển Đông để phù hợp với thái độ của Trung Quốc.
Chính phủ liên bang cũng đã thực hiện một số biện pháp để giữ khoảng cách với Bắc Kinh, như từ chối ký sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và con đườn, từ bỏ các gói thầu xây dựng lưới điện hoặc đường ống khí đốt tự nhiên của Trung Quốc và cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc lắp đặt mạng không dây 5G.
Theo NYT, sau nhiều năm công khai ủng hộ Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Úc hầu như không giải thích cho công chúng lý do tại sao họ thực hiện các bước đi này. Thay vào đó, họ chỉ đưa ra một số tuyên bố mơ hồ, chẳng hạn như cáo buộc Trung Quốc thực hiện các cuộc tấn công mạng quốc hội năm nay.
Vào thứ Hai vừa qua, Reuters đưa tin tình báo Úc xác định Trung Quốc đứng sau vụ tấn công, nhưng các quan chức chính phủ đã đề nghị giữ bí mật kết luận này để tránh làm tổn hại đến quan hệ thương mại giữa hai nước.
Các chuyên gia chỉ trích chính sự lạc quan và thiếu minh bạch của chính phủ đã cản trở các cuộc tranh luận công khai của công chúng, dẫn đến những lập luận và thuyết âm mưu quá mức.
"Tôi nghĩ rằng các cơ quan tình báo nên ý thức hơn về công bố thông tin, bởi vì trừ khi họ làm như vậy, nếu không, người dân sẽ dựa vào trí tưởng tượng phong phú đề suy luận về những hành động của người Trung Quốc", ông John Lee nói. "Bởi vì tôi đã làm việc trong chính phủ, tôi biết người Trung Quốc đang làm gì, nhưng tôi nghĩ thông tin này nên được công bố để công chúng có thể chỉ trích thay vì phản ứng thái quá".
Ông Lee nhấn mạnh, cho đến khi điều đó xảy ra, cuộc tranh luận về Trung Quốc sẽ liên tục thay đổi và sẽ tác động mạnh mẽ đến cộng đồng người Úc gốc Hoa, đặc biệt là những người có tham vọng chính trị.
"Mọi thứ có thể được phát triển theo hướng chúng ta đang lo ngại, đó là người Úc gốc Hoa cảm thấy rằng những điều họ làm đều bị nghi ngờ, đơn giản vì họ liên quan tới các nhóm người Hoa hoặc một bộ phận các tổ chức của người Hoa", ông nói.
Clive Hamilton - người đã viết một cuốn sách về sự can thiệp của Bắc Kinh vào các vấn đề của Úc, cuốn sách cuối cùng đã được tung ra thị trường sau khi ba nhà xuất bản rút lui vì họ lo lắng về việc chọc giận chính phủ Trung Quốc - cáo buộc, những nỗ lực xâm nhập vào các tổ chức người Hoa ở Úc của Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ qua đã ảnh hưởng tới tương lai của các chính trị gia gốc Hoa.