Những người già Trung Quốc bị thời đại vứt bỏ: Khi công nghệ mang đến sự tiện lợi cho xã hội thì lại trở thành gánh nặng khiến họ "không thở nổi"

HY LI |

Những công nghệ hiện đại mà chúng ta tin rằng sẽ mang đến sự tiện lợi cho cuộc sống lại không hoàn toàn tốt đẹp với người lớn tuổi.

Những người lớn tuổi bị thời đại vứt bỏ

Cách đây không lâu, một cụ ông 67 tuổi sống tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc đã đến siêu thị mua trái cây với giá 8,8 NDT (hơn 29 nghìn VND). 

Khi thanh toán, nhân viên siêu thị đã thông báo không chấp nhận tiền mặt, buộc phải thanh thoán qua Wechat. Lúc này, cụ ông đã nổi giận nên cầm túi trái cây bỏ đi nhưng bị bảo vệ giữ lại.

Cụ ông ấm ức: "Thứ tôi cầm trên tay là tiền đấy, không phải tiền giả, nhưng lại làm nhục tôi thế này à? Làm nhục tôi chỉ vì không biết dùng Wechat?".

Video ghi lại sự việc này đã khiến cộng đồng mạng tranh luận gây gắt: Khi xã hội ngày càng tiến bộ, công nghệ không ngừng phát triển thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm bảo vệ những cụ ông cụ bà khỏi sự đào thải?

Đầu năm 2020, một người đàn ông 58 tuổi đến từ tỉnh An Huy, Trung Quốc đã quỳ xuống đất và khóc lớn vì bất lực do không thể mua được vé tàu về quê. 

Ông đã đến 6 trạm ga để mua vé nhưng chỉ được nhân viên hướng dẫn mua vé trực tuyến.

Những người già Trung Quốc bị thời đại vứt bỏ: Khi công nghệ mang đến sự tiện lợi cho xã hội thì lại trở thành gánh nặng khiến họ không thở nổi - Ảnh 1.

Cụ ông bất lực quỳ xuống đất và khóc to khi không thể mua vé tàu.

Với những người trẻ tuổi, chỉ cần có điện thoại di động thì có thể dễ dàng mua vé tàu, vé máy bay, thanh toán mọi hóa đơn trực tuyến nhưng với những cụ ông cụ bà trên 60 - 70 tuổi, họ sẽ cảm thấy như thế không hề tiện lợi chút nào.

Trên thực tế, những sự việc tương tự không phải là hiếm trong cuộc sống ngày nay. 

Theo một khảo sát ở Trung Quốc, chỉ có 13,7% người cao tuổi có thể sử dụng phần mềm để gọi taxi. Đón xe ngay bên đường vẫn là lựa chọn hàng đầu của người lớn tuổi.

Một tác giả trực tuyến tên là Tiểu Úc đã chia sẻ lại câu chuyện khiến cô ám ảnh trong một thời gian dài. Lần đầu tiên Tiểu Úc đưa mẹ lên ngồi trên một chiếc ô tô màu vàng. 

Cụ bà đã rất hoang mang, sau đó lại buồn bã nói với con gái: "Ây da, phải làm sao đây? Người già như mẹ đã bị thời đại đào thải, về sau làm gì cũng sẽ rất khó khăn rồi".

Lúc đó, Tiểu Úc nhìn thấy mẹ hành động như một đứa trẻ, liên tục đảo mắt nhìn mọi thứ xung quanh. Hiện tại nhớ lại cảnh tượng này, Tiểu Úc đã nghĩ: "Lúc đó trong lòng mẹ tôi thật sự rất lo lắng, rất buồn rầu vì vấn đề bị thời đại vứt bỏ".

Những công nghệ hiện đại mà chúng ta tin rằng chúng sẽ mang đến sự tiện lợi cho cuộc sống lại không hoàn toàn tốt đẹp với người lớn tuổi. 

Chúng ta đã tùy tiện thay đổi các nguyên tắc xã hội mà họ dành cả đời để làm quen rồi sau đó nói với họ: Xin lỗi, vì ông bà đã hơn 70 tuổi, dựa theo những nguyên tắc mới này, ông bà đã không còn thích hợp để tồn tại nữa.

Tính đến cuối năm 2017, tổng dân số Trung Quốc có 240,9 triệu người lớn hơn 60 tuổi. Mức độ lão hóa vẫn tăng lên hàng năm. 

Và trong số 240,9 triệu người cao tuổi này, có bao nhiêu người có kỹ năng sử dụng các ứng dụng thanh toán trực tuyến, dùng phần mềm gọi taxi hay mua vé trực tuyến?.

Đối với những người trẻ tuổi, chúng ta có thể thẳng thắn mà nói: "Nếu không tiến lên thì bạn sẽ thụt lùi. Hãy thích nghi với sự phát triển của thời đại, hãy tự học, hãy tự thích ứng với xã hội"

Nhưng với các cụ ông cụ bà 60 - 70 tuổi, đừng nói đơn giản là họ phải học cách theo kịp thời đại. Có một số thứ không phải cố gắng là có thể học được, họ đều muốn học nhưng thật sự không thể.

Những người già Trung Quốc bị thời đại vứt bỏ: Khi công nghệ mang đến sự tiện lợi cho xã hội thì lại trở thành gánh nặng khiến họ không thở nổi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Trung tâm thông tin mạng Trung Quốc, tính đến tháng 3/2020, số người dùng Internet ở đất nước này là 904 triệu người với tỷ lệ là 64,5%. Nói cách khác là có khoảng 500 triệu người không sử dụng mạng.

Người cao tuổi là nhóm lớn nhất không 500 triệu người không sử dụng mạng và chính là "điểm mù" của thời đại kỹ thuật số này.

Trong xã hội hiện đại hóa ngày nay, họ đã bị cô lập.

Trong thời điểm dịch COVID-19 lan rộng, Trung Quốc đã áp dụng mã sức khỏe điện tử để quản lý dân số hiệu quả hơn. Mã sức khỏe được đính kèm trong điện thoại thông minh. 

Những người không có điện thoại thông minh hoặc không biết cách sử dụng điện thoại thông minh sẽ bị loại bỏ.

Sự bao dung và im lặng của những người lớn tuổi đã khiến họ bị lãng quên, bị đào thải

Vào ngày 20/3, tại một trạm xe buýt ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc có rất nhiều người cao tuổi không được lên xe bởi vì họ không có mã sức khỏe điện tử. 

Nhiều người buộc phải xuống xe nhưng một số người khác không chấp nhận và kiên quyết ngồi trên xe. Sự việc khiến các hành khách khác trên xe bất mãn và xảy ra tranh cãi. 

Cuối cùng những người già không có mã sức khỏe điện tử phải rời khỏi xe dưới sự lăng mạ của các hành khách khác.

Trong quyển sách kinh điển The Great Gatsby có một câu thế này: "Bất cứ khi nào bạn muốn chỉ trích một ai, bạn phải nhớ không phải tất cả mọi người trên thế giới này đều có những lợi thế mà bạn đang có".

Cũng trong thời điểm này, tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, một cụ ông đã không thể tiến hành quét mã sức khỏe vì điện thoại di động lỗi thời. 

Dù cụ ông hết lời giải thích nhưng đối phương vẫn không chấp nhận nên đã xảy ra xô xát. Kết quả là cụ ông bị thương, mặt đầy máu và chiếc điện thoại đã bị hỏng. Ông liên tục tự hỏi: "Tại sao vậy? Tại sao lại như vậy?".

Những người già Trung Quốc bị thời đại vứt bỏ: Khi công nghệ mang đến sự tiện lợi cho xã hội thì lại trở thành gánh nặng khiến họ không thở nổi - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Trước đó, vào thời kỳ cao điểm của dịch COVID-19 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ông Lưu 77 tuổi đã phải đối mặt với 1 tình huống chưa từng gặp trước đây. 

Con gái ông vừa qua đời vì dịch bệnh, vợ chồng ông và cháu ngoại 13 tuổi cũng nhiễm bệnh. Trong lúc đó, con trai ông Lưu vẫn đang công tác tại tuyến đầu.

Vì cháu ngoại, ông Lưu quyết định sử dụng mạng xã hội Weibo để cầu cứu. Ông phải mò mẫm suốt một đêm để có thể tải ứng dụng về điện thoại và bắt đầu đăng bài viết đầu tiên vào lúc rạng sáng. 

Chỉ vỏn vẹn 2 chữ "Xin chào". Một giờ đồng hồ sau, ông Lưu cũng đã gửi đi một tin nhắn hoàn chỉnh để cầu cứu với bên ngoài.

Đối với thế giới luôn thay đổi mỗi ngày này, ông Lưu như một người viếng thăm phải thận trọng, mỗi bước đi luôn cực kỳ khó khăn.

Có thể nói rằng, phần lớn nhóm người cao tuổi, nhất là những người sống ở nông thôn, họ không thể hòa nhập vào thời đại kỹ thuật số. Và chính sự bao dung và im lặng của họ đã khiến họ bị lãng quên, bị đào thải.

Những người già Trung Quốc bị thời đại vứt bỏ: Khi công nghệ mang đến sự tiện lợi cho xã hội thì lại trở thành gánh nặng khiến họ không thở nổi - Ảnh 4.

Người già được ưu tiên mua hàng trong siêu thị.

Tuy nhiên, người cao tuổi vẫn có thể "tận hưởng" sự công bằng trong xã hội hiện tại nếu như chúng ta chú ý đến. 

Tại Anh, một thời gian dịch COVID-19 lan rộng, hàng hóa trong siêu nhanh chóng bị mua hết. Những người lớn tuổi với khả năng di chuyển hạn chế chỉ có thể đối mặt với những kệ hàng trống trơn.

Trước tình trạng đó, một chuỗi siêu thị địa phương đã thông báo siêu thị mở cửa cho khách hàng cao tuổi từ 8 đến 9 giờ sáng thứ 3 hàng tuần và kêu gọi các khách hàng khác tôn trọng quy định này.

Chỉ cần chúng ta suy nghĩ nhiều hơn một chút, cuộc sống của người cao tuổi sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại