Giao thừa trên biển
Những ngày giáp Tết, chúng tôi có mặt tại dọc bờ biển thuộc phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), các tàu cá của ngư dân nơi đây đang tấp nập nạp nhiên liệu, các chủ tàu hối hả chuẩn bị ngư cụ, đá, lương thực... để chuẩn bị đánh bắt xuyên tết.
Có 3 năm liền đón Tết trên biển, em Nguyễn Thanh Tịnh (21 tuổi, ở thôn Mỹ Hòa, phường Quảng Phúc) chia sẻ, công việc đánh bắt không mệt nhưng đi vào những ngày này buồn lắm.
“Ba năm liên tục em đón Tết trên biển. Đến tối 30 Tết, các tàu vẫn làm bữa cơm tất niên, rồi đón giao thừa, nhưng tàu nào đón tàu đó, với lại giữa biển cả mênh mông nên buồn lắm.
Được cái đi vào dịp này thu nhập cao hơn. Tàu em có 6 người, bình thường đi về chia đều thì mỗi người chỉ được khoảng 2-3 triệu, nhưng đợt này được 7-8 triệu mỗi người”, Tịnh nói.
Các tàu đánh bắt xuyên Tết thường bắt đầu đi từ ngày 22 tháng chạp cho đến chậm nhất là ngày mồng 7 Tết thì quay về.
Ngư dân Nguyễn Thanh Bình (45 tuổi, ở phường Quảng Phúc) cho biết: “Tết nhà nào cũng sum vầy mà mình đi thì cũng buồn, nhưng những ngày này thời tiết thuận lợi, thu nhập lại được hơn nên chúng tôi đi vì mưu sinh thôi”.
Nói về vợ con trong những ngày Tết vắng mình, ông Bình rưng rưng nói rằng thương vợ ở nhà phải một mình vừa chăm con vừa chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa đón Tết.
“Trên tàu chúng tôi vẫn tổ chức đón Tết, nhưng vẫn thấy buồn. Buồn vì Tết mà ở nhà vợ con không có mình, còn trên tàu mình lại vắng vợ con, vắng ông bà”, ông Bình tâm sự.
Ngư dân chấp nhận đón Tết trên biển vì mùa này đi biển thu nhập cao hơn mùa khác. Ảnh: M.K
Chúc nhau qua bộ đàm
Để chuẩn bị cho chuyến đánh bắt xuyên Tết này, tàu cá nào cũng chuẩn bị đầy đủ lương thực từ gạo, gà sống, thịt heo, bánh, hoa quả... và cả một vài thùng bia.
Các ngư dân cho biết, lương thực cho đợt này thường chuẩn bị nhiều hơn ngày thường, có thêm cả bia để uống và hương để thắp vào bữa cơm tất niên.
Tàu nào đón tết ở tàu đó, để có không khí Tết hơn thì cứ đến giờ giao thừa là các tàu lại chúc tết nhau qua bộ đàm.
Ngư dân Đậu Văn Tùng cho biết: “Chúng tôi thường đánh bắt vào buổi tối, từ lúc bắt đầu lên đèn cho tới khi mặt trời ló rạng. Đêm 30 Tết, chúng tôi vẫn đánh bắt đến 10 giờ thì nghỉ để chuẩn bị đón tết. Ăn Tết trên tàu buồn lắm.
Để khỏa lấp nỗi buồn, anh em thường quây quần ngồi tâm sự, kể cho nhau nghe những chuyện vui, rồi các tàu giao lưu, chúc nhau qua bộ đàm để vơi đi nỗi nhớ nhà”.
Những ngày này, nhiều tàu cá ở Quảng Bình ra khơi đón tết. Ảnh: M.K
“Đến giờ giao thừa là các tàu lại giao lưu, chúc tết nhau qua bộ đàm vì làm gì có điều kiện mà chúc như trên đất liền. Cũng chẳng có đạp đất, lì xì, rồi sáng mùng 1 ngủ dậy lại thấy cả mênh mông biển trời Tổ quốc.
Ngày hôm sau lại bắt đầu hành trình đánh bắt như thường”, ngư dân Nguyễn Thanh Bình cho biết.
Theo các ngư dân, giá thủy sản đầu năm tăng cao nên các ngư dân có thu nhập cao hơn khi tàu vừa cập bến. Giá cá, mực tăng khoảng 20.000-30.000 đồng/kg, thậm chí là tăng gấp đôi.
Đây cũng chính là động lực tiếp thêm sức mạnh để các ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển mưu sinh, vơi đi nỗi buồn khi phải đón tết giữa biển cả bao la, không có người thân.