Theo ông Đạt, năm nay Thủ tướng nhắc sớm việc các địa phương không tặng quá tết cho lãnh đạo là để thực hiện bằng được Quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng từ năm 2007.
“Điều quan trọng nhất là giải tỏa được tâm lý cho cấp dưới. Lâu nay chúng ta có lệ cứ đến Tết là tặng quà, biếu xén như một nghĩa vụ.
Nếu không biếu xén người ta sẽ phân vân, sợ cấp trên có ý gì”, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng nói.
'Tặng quà Tết' chứ ai thừa nhận hối lộ
Làm sao để phân biệt được đâu là tặng quà vì tình cảm, đâu là quà có ý đồ, thưa ông?
Việc tặng quà vì tình cảm không thiếu gì lúc, không thiếu gì thời gian, địa điểm để tặng. Nhưng người ta lợi dụng Tết để dễ chấp nhận hơn cho cả người đưa lẫn người nhận và dễ công khai hơn.
Người ta cứ bảo tặng quà Tết chứ ai thừa nhận hối lộ. Nhưng thực ra bên trong có ý cả. Chả thân thiết gì nhau mà chúc Tết cả trăm triệu thì đó là vô lý, bất thường, không thể nói là tình cảm.
Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN vừa công bố khảo sát về xung đột lợi ích trong đó có nội dung tặng quà cho thấy phần lớn cán bộ công chức nói rằng việc cấp dưới tặng quà cho cấp trên là thể hiện sự biết điều. Ông nhận xét thế nào về kết luận này?
Điều tra của WB là đúng với thực tế đang diễn ra. Chỉ thị của Thủ tướng cũng chính là để giải quyết câu chuyện này.
Cấp dưới tặng quà cho cấp trên đã trở thành cái nếp. Cứ ngày Tết là phải thống kê danh sách để đi biếu ông này ông kia, cơ quan này cơ quan kia. Cho nên nhiều người mới lo sợ, không biếu quà nữa thì sợ cấp trên đánh giá.
Cho nên khi Thủ tướng nói cấm địa phương về Hà Nội chúc Tết, biếu quà là để xử lý việc này. Người đứng đầu Chính phủ đã mở lời như thế thì phải làm.
Không có liên quan gì đến cơ chế xin cho, bổ nhiệm nữa, các địa phương sẽ thấy thoải mái, không phải lo lắng gì nữa.
Đưa tiền là lạc hậu lắm rồi
Ông từng nói việc tặng quà biến tướng đến mức người ta chẳng cần cầu kỳ gì, mời đi ăn cơm bụi cũng có thể tặng nhau cả ngàn đô?
Đây là một thực tế đang diễn ra. Những ngày Tết này người ta lợi dụng tặng quà để đưa hối lộ cũng có. Nhưng cũng có lúc chỉ cần mời nhau uống cốc nước chè, tách cà phê cũng giải quyết việc đó.
Hoặc gặp nhau ở một hội nghị nào đó… người ta rất dễ chuyển giao “quà” cho nhau như là chuyển tài liệu. Cần gì phải đến nhà, đến phòng làm việc.
Việc này diễn ra có sự tính toán chuẩn bị và người ta hiểu ý đó rồi. Nhiều khi chỉ cần một cú điện thoại nói hôm nay đi uống cà phê nhé là người ta hiểu cà phê để làm gì rồi.
Sự dàn dựng đó nó ý thức trong đầu rồi. Cả người đưa người nhận “quà” đều hiểu điều đó là gì.
Trong quá trình làm công tác phòng chống tham nhũng tôi gặp khá nhiều trường hợp như vậy qua thông tin báo của người dân, thông tin từ lực lượng của mình.
Nhưng để xử lý, giải quyết thế nào là cả một vấn đề. Bởi vì giữa hiện tượng và bản chất nó chằng chịt lẫn nhau, biến tướng che đậy lẫn nhau nên để làm rõ rất khó khăn.
Một khi người ta đã có sự chuẩn bị hết sức tinh vi thì cần gì gói to mới gọi là quà. Bây giờ đưa tiền nong là lạc hậu lắm rồi.
Phải hình sự việc tặng và nhận quà trái quy định
Chỉ đạo của Thủ tưởng được người dân ủng hộ nhưng vấn đề là thực hiện và giám sát thế nào?
Mình có cơ chế giám sát hết rồi. Từ QH, Đảng, MTTQ, người dân đều có giám sát cả. Nhưng thực ra giám sát chỉ là 1 việc thôi.
Thông điệp của Thủ tướng cũng bao hàm việc xác định trách nhiệm của người đứng đầu phải làm, phải thực hiện, chỉ đạo làm cho tốt. Tỉnh nào, bộ nào lấy tiền cơ quan đi biếu xén ông này ông kia thì ông bộ trưởng, chủ tịch và bí thư tỉnh phải chịu trách nhiệm, không thể nói lơ tơ mơ được.
Ý thứ 2 của Thủ tướng là nêu gương cho mọi người. Thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng phải nêu gương trước. Các bộ phải nêu gương, đừng để các địa phương về biếu xén.
Có như vậy mới giải tỏa tâm lý ở dưới, không sợ bị ảnh hưởng đến việc đánh giá cán bộ, thi đua khen thưởng hay cơ chế xin cho dự án này kia.
Được thế thì người ta sướng quá!
Ý thứ 3 của Thủ tướng là xử lý hết sức nghiêm túc nếu vi phạm. Kể cả người đứng đầu vi phạm cũng phải xử lý chứ cấm người ta mà anh vi phạm thì làm sao thực hiện.
Hoặc là anh không nhận ở trên này nhưng xuống địa phương nhận thì cũng phải xử. Song song đó, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.
Phải có quy định pháp luật ràng buộc như thế nào để thực hiện bằng được thông điệp của Thủ tướng?
Ở nước ngoài, nếu tặng quà quá quy định, họ cho đấy là tội nhận và đưa hối lộ.
Tới đây sửa luật Phòng chống tham nhũng phải đưa hành vi tặng quà trái quy định vào và xem xét lại mức quà tặng tăng như thế nào cho phù hợp.
Trước kia quy định trên 500 ngàn đồng, bây giờ phải đưa ra mức như thế nào, nếu quá mức quy định phải xem là tội hối lộ và xử lý hình sự.