Hiểu và tuân theo những nghi thức sau đây khi du lịch nước ngoài là cách đơn giản giúp bạn thể hiện sự tôn trọng với các bản sắc riêng này.
Dưới đây là những điều bạn cần chú ý để dễ dàng "nhập gia tùy tục" trong bất kì bữa ăn ở đất nước nào.
Luôn ăn bằng tay phải ở Ấn Độ
Ở Ấn Độ, khắp khu vực Trung Đông và một phần của châu Phi, hãy luôn đảm bảo bạn dùng tay phải để ăn trong mọi bữa ăn, bởi tay trái được cho là không sạch sẽ.
Thêm vào đó, bạn còn phải chú ý sử dụng ngón tay cái để cho thức ăn vào miệng, thay vì những ngón tay còn lại.
Đừng ăn bánh mì trước bữa chính khi ở Pháp
Ở Pháp, nếu bánh mì được đặt trên bàn, đừng hiểu lầm đó là món khai vị nhé!
Bánh mì sẽ được dùng kèm với các món khác theo cách xé ra, sau đó bạn dùng dĩa để lấy các món ăn hoặc quét với nước sốt.
Luôn để tay trên bàn ăn khi ở Pháp
Dùng bữa ở Pháp đòi hỏi một số nguyên tắc về phép lịch sự, và việc đặt tay trên bàn là một trong số đó.
Tuy nhiên, bạn cũng nên tránh chống cằm hay để cả khuỷu tay trên bàn hay ngược lại như đặt tay vào lòng.
Đã ăn ở Pháp thì đừng đòi chia tiền
Ăn uống là một sự kiện bình thường ở Pháp, vì thế khi dùng bữa với bạn bè hay người thân, việc chia tiền với nhau được coi là không lịch sự.
Hoặc là bạn đề nghị thanh toán cả hóa đơn hoặc bạn để người khác làm vậy.
Không bao giờ gọi một cốc Cappuccino sau khi ăn ở Ý
Người Ý không bao giờ gọi đồ uống liên quan đến sữa sau bữa ăn bởi theo họ, sữa khiến cho quá trình tiêu hóa bị cản trở.
Thay vào đó, họ thường thích dùng espresso hay cà phê đen, những thức uống này được coi là giúp tiêu hóa tốt.
Sẽ chẳng ai nổi giận nếu bạn gọi một cốc cappuccino sau bữa ăn, người ta chỉ để ý đến bạn hơn với tư cách dân du lịch … nửa mùa.
Tiền tip sẽ không được chấp nhận ở Nhật Bản
Tiền tip ở nhiều quốc gia là chuyện bình thường, tuy nhiên lại hoàn toàn ngược lại ở Nhật. Bạn sẽ bị coi là kém lịch sự và thậm chí còn bị trả lại tiền tip.
Chừa lại một ít thức ăn khi đi ăn ở Trung Quốc
Khi dùng bữa ở Trung Quốc, hãy chắc rằng bạn để thừa lại một ít thức ăn sau khi ăn xong. Điều này thể hiện sự hào phóng của chủ nhà khi bạn được ăn rất no.
Đón lấy món ăn bằng cả hai tay khi dùng bữa ở Hàn Quốc
Khi bạn được phục vụ một món ăn ở Hàn Quốc, hãy đón lấy nó bằng cả hai tay và giữ chặt, điều này thể hiện sự trân trọng của bạn đến người nấu cũng như đến đồ ăn.
Đừng hỏi xin thêm muối hay tiêu khi đi ăn ở Bồ Đào Nha
Nếu không thấy có sẵn các lọ gia vị như muối hay tiêu trên bàn ăn, đừng hỏi xin, bởi lẽ điều này thể hiện sự đánh giá thấp của bạn đến kĩ năng nêm nếm của đầu bếp.
Đừng dùng tay khi ăn ở Chile
Người Chile cho rằng sẽ rất mất vệ sinh nếu chạm tay vào thức ăn. Điều này cũng thường xảy ra ở Brazil. Vì thế, hãy chắc rằng bạn luôn ăn mọi thứ bằng dĩa và dao, cho dù đó là bánh hotdog.
Đừng bao giờ trộn lẫn wasabi với xì dầu khi ăn sushi ở Nhật
Sẽ rất bất lịch sự nếu trộn lẫn wasabi và xì dầu trong cùng một chén rồi chấm sushi vào đó. Nếu bạn muốn ăn wasabi, hãy cho trực tiếp một ít lên miếng sushi của bạn rồi mới chấm vào xì dầu.
Đồng thời, gừng được kèm giữa các miếng sushi là để thanh tẩy vị giác.
Hãy đợi người khác rót nước cho khi bạn đi ăn ở Ai Cập
Bạn sẽ bị coi là không biết cách cư xử nếu tự mình rót nước vào cốc để uống khi ở Ai Cập. Thay vào đó, hãy đợi chủ nhà tự đề nghị rót thêm nước cho bạn.
Cũng tương tự như thế, bạn nên đề nghị rót nước cho người ngồi cạnh.
Đừng hy vọng một tách trà rót đầy khi ở Kazakhstan
Nếu chủ nhà người Kazakhstan mời bạn một tách trà vơi, đừng phiền lòng bởi đó là dấu hiệu tốt. Ngược lại, một tách trà đầy là ngụ ý "đuổi khách" của người dân nơi đây.
Không cần phải đúng giờ nếu đi ăn ở Tanzania
Đúng giờ đa phần được coi là một phẩm chất tốt, tuy nhiên, người Tanazina lại coi đó là sự xúc phạm.
Chủ nhà thường mong bạn đến trễ so với giờ hẹn tối thiểu 20 phút để họ có đủ thời gian chuẩn bị chu tất cho bữa ăn mời bạn.
Nguồn: Medium