Những mặt hàng Việt tỷ USD, chinh phục thị trường thế giới

Phạm Duy |

Năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam khởi sắc, cán mốc tỷ USD và kỳ vọng tiếp tục bứt phá trong năm 2023, nhiều mặt hàng đã gây tiếng vang trên thế giới.

Việt Nam hiện là 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới, trong đó cà phê, chè, gạo, bưởi da xanh, chuối, vải thiều...là những mặt hàng đang được đông đảo "khách ngoại" ưa chuộng. Sau đây là những mặt hàng cán mốc tỷ USD và kỳ vọng đem lại kết quả tích cực trong năm 2023.

Xuất khẩu cá tra đạt kỷ lục 2,4 tỷ USD

Năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới và đã bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục 2,4 tỷ USD. Sau đỉnh dịch, lượng tồn kho còn nhiều, sản xuất chế biến hồi phục, nhu cầu trên các thị trường đều tăng. Giá xuất khẩu cá tra sang các thị trường tăng từ 20-55%, nhất là tại thị trường Mỹ. Xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung cá thịt trắng tại nhiều thị trường sụt giảm, tạo cơ hội cho cá tra tăng thị phần.

Những mặt hàng Việt tỷ USD, chinh phục thị trường thế giới - Ảnh 1.

Năm 2022, cá tra Việt Nam đã chinh phục hơn 140 thị trường trên thế giới và bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục 2,4 tỷ USD.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng dự báo, năm 2023 lạm phát đang làm sụt giảm nhu cầu thủy sản trên thị trường thế giới, xuất khẩu cá tra cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Mặc xu hướng giảm và giá cá thịt trắng tăng mạnh thì cá tra Việt Nam vẫn nhìn thấy cơ hội lạc quan trong năm 2023 với lợi thế về nguồn cung ổn định và giá cả phù hợp, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ổn định hơn so với các ngành hàng khác và dự báo sẽ bứt phá mạnh mẽ khi thị trường bình ổn trở lại.

Hiện cá tra của Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các thị trường truyền thống và khắt khe về an toàn thực phẩm và các quy định kỹ thuật như Mỹ, EU và cả những thị trường vốn không ưa chuộng cá nuôi như Nhật Bản. VASEP cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu cá thịt trắng từ 1,5 - 2,4 tỷ USD/năm, riêng con cá tra đã chiếm 16 - 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Xuất khẩu cá ngừ chạm 1,03 tỷ USD

Xuất khẩu cá ngừ liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua: đạt 651 triệu USD năm 2018; đạt 730 triệu USD năm 2019; đạt 648 triệu USD năm 2020 và 733 triệu USD năm 2021. Năm 2022, lần đầu tiên chạm tới mốc 1,03 tỷ USD. Mỹ, Canada, Nhật Bản, Israel và Arab Saudi là 5 thị trường nhập khẩu chính cá ngừ của Việt Nam.

Những mặt hàng Việt tỷ USD, chinh phục thị trường thế giới - Ảnh 2.

Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua.

Đáng chú ý, xuất khẩu cá ngừ sang Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, tăng 120% so cùng kỳ năm 2021. Thái Lan tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 6 của Việt Nam trong năm 2022.

Theo VASEP, trong bối cảnh này, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam với lợi thế về mặt thuế quan theo hiệp định EVFTA đang có sức cạnh tranh tốt hơn so với các nước như Philippines, Indonesia hay Thái Lan.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chú trọng hơn vào những sản phẩm có giá bán rẻ hơn. Ngoài ra chi phí đầu vào đánh bắt vẫn cao, chưa gỡ được thẻ vàng IUU; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản...vẫn là những trở ngại cho ngành cá ngừ.

Xuất khẩu cà phê chạm 1,03 tỷ USD

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 1,5 triệu tấn, chạm tới mốc 1,03 tỷ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ). Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong những niên vụ vừa qua, khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia đứng top đầu thế giới về cà phê. Dự kiến hết năm 2022, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 3,9 - 4 tỉ USD.

Các thị trường xuất khẩu cà phê chính của Việt Nam bao gồm: châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. Tại thị trường châu Âu, Việt Nam là nhà cung ứng cà phê lớn thứ hai sau Brasil (22,2%), chiếm 16,1% thị phần về lượng.

Những mặt hàng Việt tỷ USD, chinh phục thị trường thế giới - Ảnh 3.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt khoảng 1,5 triệu tấn, chạm tới mốc 1,03 tỷ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ).

Ngành gạo xuất khẩu 7,2 triệu tấn

Năm 2022, thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam gặp nhiều thuận lợi khi khách hàng mua gạo truyền thống là Philippines đã tăng nhập khẩu từ 2,9 triệu tấn lên 3,4 triệu tấn. Thị trường Trung Quốc cũng chuyển sang nhập khẩu với khối lượng lớn vào cuối năm.

Một số quốc gia châu Âu có xu hướng nhập khẩu gạo nhiều hơn thay thế cho nguồn cung lúa mì bị sụt giảm mạnh vì xung đột Nga - Ukraine.

Những mặt hàng Việt tỷ USD, chinh phục thị trường thế giới - Ảnh 4.

Xuất khẩu gạo năm 2022 đạt trên 7 triệu tấn.

Ngày 2/9, lần đầu tiên gạo ST25 thương hiệu A An của Tập đoàn tân Long được sử dụng trong thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Nhờ vậy, gạo A An ST25 đã nhanh chóng trở thành “bữa trưa đặc biệt” của các quan chức trong Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Trong tờ giới thiệu đặt tại Văn phòng Nội các Nhật Bản thông tin, gạo thơm ST25 là loại gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Sau hơn 1 năm đàm phán và kiểm định chất lượng, Công ty TNHH Spice House đã thành công trong việc đưa gạo ST25 thương hiệu A An tới người tiêu dùng tại Nhật Bản. Từ việc gieo trồng, theo dõi chất lượng, thu hoạch, đóng gói và bảo quản, các quy trình đều được kiểm soát chặt chẽ để có thể đảm bảo được chất lượng hạt gạo thơm, chắc, hạt cơm có vị ngọt tự nhiên.

Nhờ vậy, xuất khẩu gạo năm 2022 đạt trên 7 triệu tấn, tăng từ 500 ngàn đến 700 ngàn tấn so với năm 2021. Đây là khối lượng gạo xuất khẩu rất ấn tượng trong năm nay và lập lại mức xuất khẩu kỷ lục 7,72 triệu tấn của năm 2012.

Bưởi da xanh xuất khẩu sang Mỹ

Mới đây, Mỹ đã chính thức cấp phép nhập khẩu quả bưởi tươi Việt Nam. Bưởi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sau quả nhãn, vải, xoài, chôm chôm và vú sữa.

Cuối tháng 11, tại Bến Tre, lô bưởi da xanh Việt Nam 40 tấn được xuất khẩu chính thức sang Mỹ, được vận chuyển cả bằng đường hàng không và đường biển. Trong đó, khoảng 4 tấn bưởi đã được “đi máy bay” sang Mỹ, được phân phối tới các điểm bán lẻ.

Những mặt hàng Việt tỷ USD, chinh phục thị trường thế giới - Ảnh 5.

Bưới da xanh xuất khẩu sang Mỹ.

Tại các cửa hàng, siêu thị tại nhiều bang khác nhau ở Mỹ, giá bưởi da xanh được niêm yết ở mức 15-22 USD/kg, tương đương 375.000-535.000 đồng/kg. Mức giá này cao gấp khoảng 16-20 lần so với giá bưởi da xanh tại thị trường nội địa.

Vải thiều xuất khẩu sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ

Năm 2022, vải thiều Việt Nam được dự báo là được mùa với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Tại vùng vải thiều lớn nhất cả nước Bắc Giang, diện tích trồng vải ước tính là 28.300 ha với sản lượng vải thiều dự kiến khoảng 180.000 tấn.

Tỉnh Hải Dương có khoảng 9.000 ha vải thiều, sản lượng thu hoạch dự kiến đạt 60.000 tấn. Trong đó 100% diện tích trồng vải được hai tỉnh này định hướng theo quy trình sản xuất sạch an toàn.

Những mặt hàng Việt tỷ USD, chinh phục thị trường thế giới - Ảnh 6.

Vải thiều tươi Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản được thị trường đón nhận.

Hiện nay, sản phẩm vải thiều không chỉ nổi tiếng trong nước mà quả vải thương hiệu Lục Ngạn (Bắc Giang), Thanh Hà (Hải Dương)... đã được xuất trên 30 quốc gia vùng lãnh thổ.

Chuối tiêu xuất khẩu sang Nhật

Theo thông tin từ Hải quan Nhật Bản, sản lượng nhập khẩu chủng loại trái chuối của nước này trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 728.700 tấn, trị giá 80,2 tỷ Yên (tương đương 539,3 triệu USD), giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Điều đáng nói là, trong khi nhập khẩu trái chuối từ các thị trường chính đều giảm về lượng thì nhập khẩu từ Việt Nam, Peru, Indonesia, Thái Lan và Lào lại tăng trong 8 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam đạt 5.700 tấn, trị giá 687,9 triệu yen (tương đương 4,6 triệu USD), tăng 20,1% về lượng và tăng 37,7% về trị giá so cùng kỳ năm 2021.

Những mặt hàng Việt tỷ USD, chinh phục thị trường thế giới - Ảnh 7.

Chuối tiêu Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.

Từ số liệu này và quan sát thị trường chung, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, một trong những yếu tố quan trọng để thị trường Nhật Bản chấp nhận nhập khẩu trái cây Việt Nam là quy trình sản xuất, bảo vệ thực vật phải đạt chứng nhận an toàn quốc tế.

Cùng với đó, vùng nguyên liệu phải được cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói. Người tiêu dùng tại Nhật Bản không để ý quá nhiều đến giá cả. Họ lựa chọn vì chất lượng sản phẩm và sản phẩm đó có ngon hay không.

Nhật Bản là một thị trường "khó tính" nhưng khi đã chinh phục được thị trường này, hoa quả Việt Nam trong đó có chuối có quyền hy vọng đã đủ uy tín để vào các thị trường khác thuận lợi hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại