Những lưu ý khi đốt vàng mã để tránh khỏi hỏa hoạn

Thu Phương |

Không ít vụ cháy thương tâm đã xảy ra và nguyên nhân là do việc đốt vàng mã và mắc phải các sai lầm.

Việc đốt vàng mã là một trong những hoạt động tín ngưỡng đã có từ lâu đời và trở thành tập tục không thể thiếu trong nhiều gia đình Việt. Theo thông tin trên Báo Tuổi trẻ Thủ đô, hàng năm nước ta sử dụng từ 40.000 - 50.000 tấn vàng mã.

Rằm tháng 7 là được coi một trong những dịp cao điểm nhất về việc tiêu thụ vàng mã. Bởi đây là dịp lễ Vu Lan báo hiếu cũng như xá tội vong nhân.

Người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng quan niệm rằng, trong dịp này, từ khoảng ngày 10 đến 15 Âm lịch, con cháu cần đốt thật nhiều vàng mã cho tổ tiên, ông bà, người thân. Việc làm này mang ý nghĩa tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn đến người đã khuất.

Những lưu ý khi đốt vàng mã để tránh khỏi hỏa hoạn: Điều thứ 3 rất nhiều người ngó lơ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chính vì những lý do trên, lượng vàng mã được tiêu thụ trong thời gian này tăng cao bởi hầu như gia đình nào cũng thực hiện công việc đốt vàng mã.

Tuy nhiên trên thực tế, không ít vụ cháy thương tâm đã xảy ra và nguyên nhân là do việc đốt vàng mã và mắc phải các sai lầm.

Tiêu biểu là vụ việc vào tháng 2 năm 2021 xảy ra ở quận Đống Đa, TP Hà Nội. Gia đình tổ chức cúng ông Công ông Táo sau đó đốt vàng mã. Sau khi hoàn thành, tàn lửa từ nơi đốt vàng mã vẫn cháy âm ỉ và lan sang khu vực xung quanh. Hậu quả dẫn tới hỏa hoạn lớn và 4 người không qua khỏi.

Cũng vào dịp lễ Vu Lan năm 2016, một vụ hỏa hoạn khác xảy ra khi tàn lửa vàng mã bay vào xe bồn chứa 23.000 lít xăng, gây ra vụ cháy nghiêm trọng, thiêu rụi một phần cây xăng Ka Long ở thành phố Móng Cái (Quảng Ninh).

Những lưu ý khi đốt vàng mã để tránh khỏi hỏa hoạn: Điều thứ 3 rất nhiều người ngó lơ - Ảnh 2.

Vụ cháy cây xăng Ka Long ở Móng Cái - Quảng Ninh vào dịp lễ Vu Lan năm 2016 do tàn lửa vàng mã. (Ảnh VTC News)

Qua những sự việc đau lòng như trên, cần ghi nhớ những lưu ý, không mắc phải những sai lầm tiềm ẩn nguy hiểm nghiêm trọng khi đốt vàng mã. Để việc làm phục vụ tín ngưỡng này không ảnh hưởng tới chính sự an toàn của những thành viên trong gia đình.

Dưới đây là những khuyến cáo trên Cổng thông tin điện tử của Công an thành phố Hà Nội, về việc đốt vàng mã an toàn trong các dịp lễ, Tết.

1. Đốt vàng mã đúng nơi quy định

Người dân cần ý thức đốt vàng mã đúng nơi quy định, ở những địa điểm đủ điều kiện và đảm bảo an toàn.

Những nơi đúng quy định có thể kể tới như các khu vực dành riêng cho đốt vàng mã ở các khu dân cư, chung cư, tòa nhà cao tầng. Không đốt vàng mã ở những nơi đông người qua lại như giữa đường lớn, khu chợ, khu vui chơi... hay trong nhà ở, hành lang.

Thay vào đó, lựa chọn những địa điểm thông thoáng, không có các phương tiện dễ bắt lửa, dễ cháy.

Những lưu ý khi đốt vàng mã để tránh khỏi hỏa hoạn: Điều thứ 3 rất nhiều người ngó lơ - Ảnh 3.

Phải đốt vàng mã đúng nơi quy định, như các địa điểm được phép đốt tập trung, các lư hương, các loại thùng sắt, inox, các vật liệu không cháy. (Ảnh Báo Lao Động)

Khi đốt vàng mã, phải sử dụng các loại thùng kim loại như thùng sắt, thùng inox... hay các vật liệu không cháy như sành, sứ, có nắp đậy kín, che chắn gió. Việc này giúp tránh tàn lửa bay ra xung quanh.

2. Luôn để ý quá trình đốt vàng mã

Trước, trong và cả sau khi đốt vàng mã, người đốt luôn phải để tâm và chú ý để xử lý kịp thời nếu như xảy ra tình huống xấu.

Sau khi đốt vàng mã xong, phải chờ vàng mã cháy hết rồi dùng nước vẩy lên tro, phòng việc vàng mã vẫn cháy âm ỉ bên dưới.

Trong trường hợp tàn lửa bị bắt ra môi trường bên ngoài, nhanh chóng dập lửa bằng nước hoặc bình xịt chuyên dụng tùy vào mức độ sự việc.

Những lưu ý khi đốt vàng mã để tránh khỏi hỏa hoạn: Điều thứ 3 rất nhiều người ngó lơ - Ảnh 4.

Luôn có người để ý, giám sát quá trình đốt vàng mã cho đến khi lửa tắt hoàn toàn. (Ảnh minh họa)

3. Giới hạn số lượng vàng mã được đốt

Cũng theo khuyến cáo từ Công an thành phố Hà Nội, người dân nên xem xét kỹ về số lượng vàng mã cần đốt. Không nên đốt quá nhiều vàng mã, đặc biệt là các loại có kích thước lớn như nhà cửa, xe cộ...

Việc đốt quá nhiều vàng mã không những tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn mà còn tạo ra một lượng khí CO2 khổng lồ, thoát ra ngoài môi trường sống của con người.

Nhằm chấn chỉnh việc đốt vàng mã – tục lệ mang tính tâm linh lâu đời của người dân đi vào nề nếp hơn, ngày 01/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Nghị định quy định người dân đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa sẽ bị phạt tiền.

Năm 2013, tại Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh các quy định này.

Những lưu ý khi đốt vàng mã để tránh khỏi hỏa hoạn: Điều thứ 3 rất nhiều người ngó lơ - Ảnh 5.

Không nên đốt quá nhiều vàng mã, đặc biệt là các loại có kích thước lớn như nhà cửa, xe cộ... (Ảnh minh họa)

Bên cạnh các lưu ý an toàn cần nhớ khi đốt vàng mã, các hộ gia đình cũng như kinh doanh cũng được vận động, tuyên truyền nên tự trang bị bộ dụng cụ phục vụ PCCC; chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có hỏa hoạn xảy ra; dự kiến lối thoát nạn thứ 2, thứ 3...

Khi xảy ra cháy, cũng không nên mất bình tĩnh. Hãy nhanh chóng hô hoán, báo động cho những người xung quanh để mau chóng di chuyển đến nơi an toàn. Có thể dùng khăn mặt thấm nước hoặc mặt nạ phòng độc để che chắn mặt, cơ thể.

Nguồn: Cổng thông tin Công an thành phố Hà Nội

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại