Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được thông xe vào ngày 29/4 và tạm thời chưa thu phí. Tuy nhiên, nhiều lái xe băn khoăn đặt câu hỏi, những loại phương tiện nào được vào cao tốc này, tốc độ lưu thông tối đa là bao nhiêu km/h?
Hướng tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 từ Ninh Bình về Thanh Hóa qua các nút giao ở Thanh Hóa đưa vào khai thác dịp 30/4
Cao tốc Mai Sơn - QL45 tốc độ tối đa 90km/h
Để dự án Mai Sơn - QL45 đưa vào khai thác trong tháng 4/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong điều kiện đoạn tuyến kế tiếp là đoạn QL45 - Nghi Sơn chưa thông xe, Bộ GTVT đã phê duyệt phương án tổ chức giao thông tạm thời trong giai đoạn từ khi thông xe đến cuối năm 2023.
Theo Bộ GTVT, hiện trên toàn tuyến của dự án Mai Sơn - QL45 có 5 nút giao liên thông tại: Nút giao với Đường tỉnh 477 (nút giao Mai Sơn - Km 274+393); đường trục Đồng Giao (TP Tam Điệp - Km 283+800); QL217B (Km 295+460); QL217 (Km 306+318); QL45 và QL47 (nút Đông Xuân - Km 327+100) được hoàn thiện đồng bộ và đưa vào khai thác chung toàn tuyến.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ GTVT thống nhất bổ sung 2 nút giao liên thông gồm: Nút Thiệu Giang (Km 315+380); Nút Đồng Thắng (Km 335+400) tuy nhiên các nút này sẽ được hoàn thiện sau, dự kiến vào cuối năm 2023.
Nhiều loại phương tiện tạm thời không lưu thông trên cao tốc Mai Sơn - QL45
Theo tiến độ thực tế các đoạn tuyến và phương án đầu tư xây dựng các nút giao liên thông trên tuyến trong giai đoạn tạm thời thì toàn bộ lưu lượng đi từ Hà Nội về các tỉnh phía Nam sẽ phải xuống cao tốc từ nút giao Đông Xuân kết nối qua QL47 để kết nối với QL1A, đường Hồ Chí Minh, đường Nghi Sơn - Thọ Xuân.
“Ban QLDA Thăng Long đã phối hợp với Sở GTVT Thanh Hóa, các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, lựa chọn các tuyến đường, nút giao tổ chức giao thông, phân luồng, phân tuyến trong trường hợp xảy ra tình trạng ùn tắc để hạn chế áp lực giao thông lên QL47 và các tuyến đường hiện hữu. Thiết lập các biển chỉ dẫn thuận tiện, dễ nhận biết để người điều khiển phương tiện, đơn vị vận tải biết và thực hiện’, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.
Trước đó, để bảo đảm giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, giỗ Tổ Hùng Vương năm 2023 trên tuyến QL1A đoạn qua địa bàn thị xã Bỉm Sơn, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GTVT cho phép phân luồng xe tải từ 10 tấn trở xuống (xe tải 10 tấn trở lên tiếp tục lưu thông trên QL1A), ô tô con, xe khách (không bao gồm xe thô sơ, xe máy) được phép đi vào tuyến đường bộ cao tốc đoạn Mai Sơn - QL45 qua nút giao Mai Sơn thuộc huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đến nút giao Gia Miêu thuộc huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (giao QL217B) từ ngày 28/4/2023.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho phép chạy tối đa 120 km/h, tối thiểu 60 km/h. Nhưng thời gian đầu khai thác tạm, xe chỉ được lưu thông tối đa 100km/h.
Trong thời gian phân luồng giao thông, tỉnh Thanh Hóa sẽ chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT, UBND huyện Hà Trung bố trí các lực lượng chức năng phối hợp với Ban QLDA Thăng Long, Khu quản lý đường bộ II và các đơn vị liên quan tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn, đi lại thông suốt trên tuyến QL217B.
“Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu, nâng tốc độ xe lưu thông trên đoạn tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 từ 80 lên 90km/h”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, giảm tốc độ từ 120 xuống 100km/h
Sau khoảng 2,5 năm thi công, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được đưa vào sử dụng từ ngày 29/4. Tuyến cao tốc dài 99 km này sẽ giúp giảm một phần áp lực giao thông lên QL1A đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai.
Đến thời điểm hiện tại các điểm giao của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chưa được thi công trạm thu phí, đồng nghĩa với việc người dân không phải đóng phí khi lưu thông.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang hoàn thiện những công việc cuối cùng trước ngày thông xe.
Đại diện Bộ GTVT chia sẻ, các đoạn cao tốc Bắc - Nam sắp đưa vào khai thác sẽ chưa thu phí phương tiện.
“Nguyên nhân là tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. Chính phủ đã xây dựng đề án thu phí hoàn vốn các tuyến đường do Nhà nước đầu tư nhưng đến nay đề án vẫn chưa được thông qua. Dù không thu phí, phương tiện muốn di chuyển hết 99 km tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn phải có thẻ thu phí tự động ETC”, đại diện Bộ GTVT nói.
Nguyên nhân là điểm đầu của tuyến cao tốc này được kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, người dân khi đến nút giao này bắt buộc phải vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây để di chuyển ra lại QL1A đoạn Dầu Giây hoặc hướng về TP.HCM.
Chủ phương tiện nên nạp tiền sẵn vào tài khoản thu phí tự động để lưu thông dễ dàng. Đơn vị thu phí tự động VETC khuyến nghị khách hàng nên nạp tiền vào tài khoản trước dịp lễ để phòng tránh tình trạng nghẽn mạng, gây khó khăn khi di chuyển qua các trạm thu phí.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tốc độ tối đa cho phép là 120 km/h, tốc độ tối thiểu là 60 km/h. Mức quy định này tương tự cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đây cũng là tốc độ cao nhất được phép lưu thông tại Việt Nam.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng cộng 6 làn xe, trong đó có 2 làn dừng khẩn cấp. Các phương tiện nên lưu thông ở làn đường phía bên phải, đặc biệt là những phương tiện không chạy ở tốc độ tối đa 120 km/h.
Hiện tại trên tuyến cao tốc này vẫn chưa có trạm dừng chân và trạm xăng, người lái nên cân nhắc kiểm tra xe trước khi chạy vào. Nếu đi từ hướng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, có thể dừng ở trạm dừng chân trên cao tốc để kiểm tra xe.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng cộng 7 nút giao, tương ứng với 7 lối ra. Tuy nhiên dịp khánh thành chỉ đưa vào khai thác 3 nút giao gồm điểm đầu (kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây), điểm cuối (nút giao Ba Bàu) và nút giao với QL1A ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.
Với số lượng lối ra hạn chế, nhiều khả năng tuyến cao tốc này sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ vào dịp lễ, đặc biệt là 2 nút giao điểm đầu và điểm cuối. Người dùng nên cân nhắc di chuyển bằng tuyến đường QL1A quen thuộc nếu thấy kẹt xe./.
Vì sao 2 cao tốc mới gần 25.000 tỷ đồng chưa có trạm dừng nghỉ?
2 tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây có tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng, dự kiến thông xe vào ngày 29/4 nhưng trên tuyến chưa có trạm dừng nghỉ.
Theo kế hoạch, ngày 29/4, cao tốc Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây sẽ khánh thành đưa vào hoạt động.
Cao tốc Mai Sơn- QL45 qua Ninh Bình- Thanh Hoá có 5 gói thầu xây lắp với tổng chiều dài hơn 63km, tổng mức đầu tư 12.111 tỷ đồng. Cao tốc Dầu Giây- Phan Thiết dài 99km (đoạn qua Bình Thuận 47km, Đồng Nai 52km) với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cả 2 tuyến cao tốc này cùng với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đều chưa có trạm dừng nghỉ. Thông tin này khiến dư luận băn khoăn.
Giải đáp vấn đề này, Cục Đường cao tốc Việt Nam đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Theo đó, trong quá trình phê duyệt dự án, cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ có 39 trạm dừng nghỉ nhưng để đảm bảo khoảng cách không quá dày, dự kiến sẽ dồn còn 37 trạm.
Trước mắt, Cục Đường cao tốc Việt Nam đang triển khai lựa chọn nhà đầu tư cho 8 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Cục Đường cao tốc Việt Nam dự kiến tháng 8 hoặc tháng 10 năm nay sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư.