Những loài vật có miệng siêu rộng với khả năng đúng nghĩa là 'ăn cả thế giới' mà không cần nhả ra

Vũ Huế |

Cái miệng rộng ở đây thực chất là 2 chiếc túi trên má của chúng, hay còn gọi là "động vật túi má". Và dĩ nhiên, những chiếc túi má này có ý nghĩa sinh tồn hết sức quan trọng.

Mỗi loài vật trên đời đều có cho mình những đặc điểm nhất định liên quan đến lợi thế sinh tồn. Chẳng hạn, kanguroo có chiếc túi trước ngực để nuôi dưỡng và bảo vệ con, hay loài bướm Atlas có khả năng tự giả dạng thành rắn độc, khiến kẻ thù run sợ.

Còn những loài vật trong danh sách dưới đây, chúng chỉ có chung đặc điểm duy nhất là những chiếc túi bên trong mỗi bên má, hay còn gọi là "túi má". Túi má cho phép chúng thoải mái chạy trốn kẻ thù mà không cần phải bỏ lại miếng ăn phải vất vả mới kiếm được. Và với khả năng đàn hồi cực đỉnh, có khi chúng nhét được lượng thức ăn siêu khủng, bằng chính cân nặng của chúng nữa.

1. Thú mỏ vịt: giấu trong mõm, lên bờ mới ăn

Chuyện thú mỏ vịt là loài đẻ trứng thay vì đẻ con, có cựa độc dù thuộc họ nhà có vú thì hầu hết mọi người đều đã biết. Nhưng chắc bạn chưa biết, thú mỏ vịt cũng có túi má nữa cơ.

Túi má của thú mỏ vịt nằm ngay dưới cái mõm trông y như mỏ vịt thực sự. Dù rất giỏi bơi lội, song thú mỏ vịt chỉ lặn được khoảng 1 phút trong nước là cùng. Thế nên, chúng cần tống hết những gì vơ được vào túi má, chờ đến khi bò lên bờ rồi mới lôi ra nghiền.

Những loài vật có miệng siêu rộng với khả năng đúng nghĩa là ăn cả thế giới mà không cần nhả ra - Ảnh 1.

 Thức ăn chủ yếu của thú mỏ vịt là giun, ốc, động vật giáp xác. Trong khi cất tạm những thứ vừa kiếm được này trong túi má, chúng cũng nhân tiện nhồi vào một số sỏi nữa, để dễ bề nghiến nát khi ăn vì không có răng.

2. Sóc chuột: Mang được cả một lượng thức ăn bằng cân nặng của mình

Nếu bạn cứ tưởng rằng mọi loại sóc đều có túi má thì hơi bị sai rồi nhé. Chỉ những con sóc đất mới sở hữu túi má mà thôi. Chúng bao gồm sóc chuột (Marmotini), sóc marmota và sóc chó (Cynomys).

Những loài vật có miệng siêu rộng với khả năng đúng nghĩa là ăn cả thế giới mà không cần nhả ra - Ảnh 2.

Và trong 3 loài sóc đất này, sóc chuột là có túi má "khủng" hơn cả. Nó đủ lớn để nhét hẳn một lượng thức ăn nặng bằng chính trọng lượng cơ thể.

Khả năng này dĩ nhiên là đặc biệt hữu ích, bởi sóc chuột vốn lắm kẻ thù tự nhiên. Chỉ cần thoáng gửi thấy mùi nguy hiểm, chúng đã chạy biến, mang theo tất cả những gì vừa "thu hoạch" được.

Trong một năm thì mùa thu là mùa sóc chuột tích cực tìm kiếm và tích trữ "lương thực" nhất. Chúng cần gom về một lượng đủ dùng cho cả mùa đông dài nằm lỳ trong hang.

3. Chuột hamster: Túi má rộng gấp 3 lần kích thước cơ thể

Nếu từng nuôi chuột hamster (Cricetinae), bạn chắc chắn biết con vật bé xinh ấy giỏi giấu đồ ăn cỡ nào. Chúng có thể nhét được cả một mớ cà rốt vào trong miệng.

Làm được như vậy là bởi vì túi má của chuột hamster cực kỳ đàn hồi. Nó mở rộng sang vai, có thể giãn ra gấp 3 lần kích thước cơ thể.

Những loài vật có miệng siêu rộng với khả năng đúng nghĩa là ăn cả thế giới mà không cần nhả ra - Ảnh 3.

 Vốn dĩ, hamster là loài tạp ăn. Ở ngoài tự nhiên, mỗi lần ra khỏi hang chúng đều cần mẫn nhặt nhạnh đủ loại hạt, nhồi nhét hết vào hai túi má. Trong hang của chuột hamster cũng có riêng một khoang bảo quản thức ăn.

Sau khi "ôm" hai túi má nặng trịch về "nhà", chúng sẽ cất vào "phòng tích trữ" để dành nhấm nháp dần.

4. Khỉ: túi to đến mức kéo dài xuống tận cổ

Một trong những điều thú vị ở khỉ là tất cả các phân loài của chúng đều có túi má. Nhờ nó, chúng có thể cất tạm các loại trái cây, hạt quả trong khi đang bận tìm kiếm thêm.

Thú vị hơn nữa là túi má của khỉ không chỉ có công dụng chứa thức ăn. Nó còn tiết ra một loại enzyme giúp phá vỡ tinh bột và bắt đầu sự tiêu hóa nữa.

Thường thì khỉ chỉ bỏ các loại trái cây và hạt vào túi má mà thôi, vì cần nước bọt xử lý qua trước. Với những con côn trùng vừa bắt được, chúng sẽ xơi tái ngay tắp lự, bởi loại thức ăn sống này vừa dễ nhai lại vừa không gây khó dễ cho cái dạ dày.

Những loài vật có miệng siêu rộng với khả năng đúng nghĩa là ăn cả thế giới mà không cần nhả ra - Ảnh 4.

5. Chuột túi má: Túi má có thể lộn ngược, bị ghét vì là động vật gây hại

Chuột túi má còn được gọi là chuột nang (Geomyidae). Nó đặc trưng bởi túi má rộng, có lớp lót bằng lông và có thể lộn ngược ra ngoài.

Những loài vật có miệng siêu rộng với khả năng đúng nghĩa là ăn cả thế giới mà không cần nhả ra - Ảnh 5.

Nhưng đâu chỉ có vậy, loài này còn nổi bật bởi bộ răng cửa nằm ở ngoài miệng. Chúng bao gồm 4 cái, rất to và dài, được dùng làm công cụ đào hang. Và vì mớ "bàn cuốc" này nằm ở ngoài, nên chuột túi má có thể vô tư đào hang mà không sợ bị bẩn mồm.

Kích thước của chuột túi má khá lớn, có thể nặng tới cả 1kg. Chúng rất khoái ăn rau, phá cây non nên bị người nông dân không ưa nổi.

Tham khảo: National Geographic

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại