Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu Li Hui. Ảnh: AFP
“Chuyến thăm của đại diện Trung Quốc tới các nước liên quan là minh chứng khác cho cam kết của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy hòa bình và đàm phán. Chuyến thăm này là minh chứng đầy đủ cho thấy Trung Quốc kiên quyết đứng về phía hòa bình”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết trong một cuộc họp báo hàng ngày hôm 14/5.
Bộ ngoại giao Trung Quốc không cung cấp lịch trình chi tiết của chuyến thăm, nhưng nhấn mạnh cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine đã kéo dài, đang leo thang và hiệu ứng lan tỏa vẫn tiếp diễn.
“Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc tạo lập sự đồng thuận quốc tế về lệnh ngừng bắn, bắt đầu đàm phán hòa bình và ngăn chặn tình hình leo thang, để thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine”, cơ quan này tuyên bố.
Theo một số thông tin của các phương tiện truyền thông, điểm dừng chân đầu tiên của ông Li trong chuyến công du là Ukraine.
Với chuyến thăm đáng chú ý này, ông Li Hui sẽ là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra vào tháng 2/2022. Ông Li cũng là nhà ngoại giao quen thuộc đối với Nga. Vị quan chức này từng làm việc tại Vụ Liên Xô và Đông Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ năm 1975, đã có 10 năm ở Nga - từ 2009 đến 2019 - với tư cách là Đại sứ và thông thạo tiếng Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao tặng Huân chương Hữu nghị cho vị Đại sứ này vào năm 2019. Ông Li từng là người đứng đầu các vấn đề Đông Âu và Trung Á ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Thông điệp của chuyến thăm
Theo các nhà quan sát, đề xuất hòa bình 12 điểm của Bắc Kinh về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine có thể được coi là nền tảng cho thông điệp mà ông Li đưa ra trong chuyến thăm này.
Trung Quốc đã kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Kiev và Moskva; đảm bảo an toàn cho nhà máy điện hạt nhân và giảm rủi ro chiến lược; chấm dứt các biện pháp trừng phạt đơn phương, từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh; và thúc đẩy tái thiết sau xung đột ở Ukraine.
Trước đó, hồi tháng 3, Bắc Kinh cũng đã làm trung gian hòa giải giữa Iran và Saudi Arabia. Kết quả, hai đối thủ đã ký thỏa thuận lịch sử khôi phục quan hệ ngoại giao, nâng cao vị thế của Trung Quốc là một nhà hòa giải có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, phương Tây đã phản đối kế hoạch của Trung Quốc về việc giải quyết vấn đề Ukraine với thái độ đầy hoài nghi. Nhiều chính trị gia phương Tây cho rằng kế hoạch đó là không khả thi. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh kế hoạch chi tiết có thể là nền tảng để chấm dứt xung đột ở Ukraine nếu phương Tây sẵn sàng chấp nhận nó.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images
Điều đáng chú ý, chuyến công du châu Âu của ông Li nhằm “đối thoại chuyên sâu với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine” diễn sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 4.
Về phần mình, phản ứng trước cuộc điện đàm của ông Tập Cận Bình và người đồng cấp Zelensky, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva “ghi nhận việc Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực thiết lập một tiến trình đàm phán”. Tuy nhiên, bà Zakharova nói thêm rằng Ukraine và phương Tây “đã cho thấy họ có khả năng làm rối tung bất kỳ sáng kiến hòa bình nào”
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga diễn ra sau chuyến thăm Moskva của ông Tập Cận Bình hồi giữa tháng 3. Vào thời điểm đó, ông Putin và ông Tập đã ký thỏa thuận sâu rộng nhằm đưa mối quan hệ giữa hai nước bước vào một “kỷ nguyên mới”. Các nhà phân tích đã ca ngợi mối quan hệ hợp tác này vì nó đã chuyển trọng tâm địa chính trị từ quyền bá chủ đơn phương sang một trật tự thế giới “đa cực” bình đẳng hơn.
Mặc dù vậy, chuyến thăm Moskva của Chủ tịch Trung Quốc đã khơi mào cho hàng loạt hoạt động ngoại giao liên quan đến Bắc Kinh. Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã nhắm đến Bắc Kinh - bao gồm Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. Một số quan chức còn tung ra loạt “chiến dịch gây áp lực” trong nỗ lực ngăn cản Bắc Kinh ủng hộ Nga. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng vì lo ngại sẽ xa lánh đối tác thương mại quan trọng và đối thủ toàn cầu ngày càng quyết đoán.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin tại Moskva. Ảnh: Reuters
Chuyến công du của đặc phái viên hàng đầu Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh có những đồn đoán về cuộc phản công sắp xảy ra của Ukraine. Nhiều nguồn tin cho biết cuộc “phản công dữ dội” được báo trước sẽ sử dụng loạt vũ khí trị giá hàng tỷ USD mà Washington và các đồng minh NATO đã viện trợ cho Kiev.
Các quốc gia mà phái viên hàng đầu của Trung Quốc sẽ đến thăm – gồm Pháp, Đức và Ba Lan - nằm trong số các nhà cung cấp vũ khí và hỗ trợ ngân sách chính cho Ukraine.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng Moskva đánh giá cao mong muốn chân thành của Trung Quốc trong việc đóng góp vào việc giải quyết hòa bình cuộc xung đột ở Ukraine. Điện Kremlin đã nhiều lần nhấn mạnh sẽ sẵn sàng đàm phán.
“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng Nga có thể đạt được các mục tiêu bằng nhiều cách khác nhau – thông qua chính trị và ngoại giao, hoặc nếu chính trị và ngoại giao hiện không thể thực hiện được, và trong trường hợp của Ukraine, thật không may, chúng không thể thông qua con đường quân sự, tức là thông qua một chiến dịch quân sự đặc biệt”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố.