Những khám phá thú vị qua các sai sót chưa từng tiết lộ về Mật mã Da Vinci

Trần Huyền Linh |

Trong một bài viết mới đây trên tờ báo Anh Telegraph, cây bút Tom Chivers đã chỉ ra tới 50 lỗi sai của Mật mã Da Vinci trong nhiều lĩnh vực.

Năm 2003, quyển sách best-seller thể loại phiêu lưu của nhà văn Anh Dan Brown mang tên Mật mã Da Vinci ra đời với lời tựa là Fact (Sự thật): "Mọi mô tả về các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc, văn bản và nghi lễ bí mật trong tiểu thuyết này đều chính xác".

Theo các chuyên gia, những khẳng định của Dan Brown đơn giản chỉ là một kỹ thuật lôi cuốn độc giả thường thấy trong văn học, nghệ thuật. Trên thực tế các tác phẩm của Brown dù rất hấp dẫn nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi, chỉ trích về mặt khoa học, lịch sử, tôn giáo từ các học giả châu Âu lẫn toàn thế giới.

Tiến sĩ Tom Wright, Giám mục địa phận Durham ở Anh đã gọi Mật mã Da Vinci là cuốn sách "phiêu lưu tuyệt vời" nhưng lại là "lịch sử tệ hại", theo BBC.

Trong một bài viết trên tờ báo Anh Telegraph, cây bút Tom Chivers đã chỉ ra tới 50 lỗi sai của Mật mã Da Vinci trong nhiều lĩnh vực. Dưới đây là một số sai sót về lịch sử và địa lý cùng những khám phá xoay quanh chúng.

Những khám phá thú vị qua các sai sót chưa từng tiết lộ về Mật mã Da Vinci - Ảnh 1.

Trang tiêu đề quyển Mật mã Da Vinci trong lần phát hành đầu tiên năm 2003 có chữ ký của Dan Brown (Ảnh: Books Tell You Why).

Cốt truyện của Mật mã Da Vinci nói về nhân vật chính Robert Langdon, nhà biểu tượng học tôn giáo đến từ đại học Harvard.

Nhận lời mời đến thuyết trình ở Bảo tàng Louvre, Robert vô tình bị vướng vào một vụ giết người. Nạn nhân là Jacques Saunière, nhà giám định và tuyển lựa tranh nổi tiếng khắp thế giới với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc tại Bảo tàng Louvre.

Nạn nhân chính là một đại sư trong hội kín Sion, một dòng tu bí ẩn được lập ra để bảo vệ dòng dõi bí mật của chúa Jesus.

Robert đã kết hợp với Sophie Neveu, chuyên gia giải mã của cảnh sát Pháp và cũng chính là cháu gái nạn nhân đi tìm thủ phạm và lời giải cho mật mã mà ông cô để lại tại hiện trường.

Các sai sót lịch sử

Trong chương 95, Robert và Sophie đến King's College để tìm kiếm thông tin về vị hiệp sĩ trong thông điệp bí ẩn. Trong các tài liệu máy tính hiện ra có đoạn cho rằng nhà thơ người Anh Alechxander Pope đã cất lời ca tụng bạn của ông, nhà vật lý Issac Newton trong đám tang Newton.

Họ của nhà thơ đã khiến ban đầu hai chuyên gia giải mã hiểu nhầm chữ Pope trong thông điệp Jacques Saunière để lại là giáo hoàng (trong tiếng Anh Pope nghĩa là giáo hoàng).

Chi tiết đã nêu trên là sai vì trên thực tế chỉ có việc nhà thơ Pope đã viết hai câu thơ nổi tiếng về Newton: "Tự nhiên và luật tự nhiên ẩn dưới màn đêm đen tối/Chúa phán: Newton hãy xuất hiện! Và mọi thứ chói lòa".

Những khám phá thú vị qua các sai sót chưa từng tiết lộ về Mật mã Da Vinci - Ảnh 2.

Tranh Issac Newton và những dòng thơ nổi tiếng mà nhà thơ Alechxander Pope dành cho ông (Ảnh: iz Quotes).

Trong chương 28, Brown cho biết 5 triệu phụ nữ đã bị thiêu chết vì phạm tội phù thủy.

Con số này gây nhiều tranh cãi và ước lượng hợp lý nhất theo Telegraph là khoảng 40.000-60.000 người (cả nam lẫn nữ).

Các sai sót địa lý

1. Trong chương đầu tiên, Brown để cho người hùng Robert đến bảo tàng Louvre từ khách sạn Paris Ritz bằng cách đi ngang qua nhà hát opera (Palais Garnier, còn gọi là Opéra national de Paris-nhà hát quốc gia Paris) và băng qua quảng trường Vendôme (Place Vendôme).

Trên thực tế, khách sạn Ritz nằm ở quảng trường Vendôme và nhà hát opera gần như nằm ở hướng ngược lại nếu đi từ Vendôme tới bảo tàng Louvre (Musée de Louvre).

2. Tại Louvre, Sophie giúp Robert thoát khỏi cảnh sát bằng cách đe dọa phá hủy bức tranh treo đối diện bức Mona Lisa, cũng là một bức của Leonardo de Vinci mang tên Virgin of the Rocks-Đức mẹ đồng trinh trong hang đá, hay còn được gọi là Madonna of the Rocks.

Trên thực tế, bức họa đối diện Mona Lisa trong phòng gallery đó là bức "The Wedding Feast at Cana" của Caliari. Đây cũng là bức tranh lớn nhất được trưng bày ở bảo tàng Louvre, còn Virgin of the Rocks được treo ở một gallery khác.

Những khám phá thú vị qua các sai sót chưa từng tiết lộ về Mật mã Da Vinci - Ảnh 3.

Ảnh chụp lại phần trung tâm bức tranh sơn dầu khổng lồ The Wedding Feast at Cana nằm đối diện bức họa Mona Lisa tại phòng tranh cùng tên Mona Lisa (phòng số 6, lầu 1, cánh Denon) ở bảo tàng Louvre (Ảnh: Spirited Table).

3. Vẫn ở Paris, trong đoạn kết, Brown miêu tả Robert từ nhà thờ Sacré-Coueur đi về hướng bắc qua sông Seine để tới đài quan sát Paris cổ xưa.

Thật ra Sacré-Coueur nằm ở phía Bắc dòng sông Seine, đáng lẽ Robert phải đi về phía Nam!

4. Trước khi diễn ra các sự kiện trong sách, thầy tu bị bạch tạng Silas đã sống vài năm ở một ngôi làng Tây Ban Nha mang tên Oviedo.

Sự thật là Oviedo là một thành phố thủ phủ của công quốc tự trị Asturias nằm ở miền Nam Tây Ban Nha. Theo thống kê năm 2014, dân số của Oviedo là hơn 220 ngàn người, tương đương với số dân ở quận 3 tại TP.HCM.

5. Cuối chương 93, khi gọi điện đến trung tâm của giáo phái Opus Dei ở London để tìm thầy tu bị bạch tạng, một cảnh sát Anh đã tự giới thiệu: "Đây là cảnh sát London".

Ở London không có cơ quan nào gọi là cảnh sát London mà chỉ có cảnh sát đô thị (Metropolitan Police-MET) quản lý toàn bộ London ngoại trừ quận tài chính Square Mile City do một đơn vị riêng là cảnh sát thành phố London (City of London Police) phụ trách.

Square Mile là một quận tập trung ngành công nghiệp tài chính của London, nằm trong lòng thành phố, còn gọi là City.

Những khám phá thú vị qua các sai sót chưa từng tiết lộ về Mật mã Da Vinci - Ảnh 4.

Curtis Green Building, tòa nhà trụ sở của cảnh sát thủ đô London hiện nay, thường gọi là New Scotland Yard (Ảnh: Wikipedia)

6. Ở chương 88, Robert và Sofie đi tàu điện ngầm từ trạm Temple tới King’s College ở London với hy vọng giải mã thông điệp bí ẩn bằng các tư liệu tại đây.

Điểm dừng tàu điện gần King’s College nhất chính là trạm Temple, do đó việc họ tới King’s College bằng tàu điện trong thực tế là chuyện phi lý.

Những khám phá thú vị qua các sai sót chưa từng tiết lộ về Mật mã Da Vinci - Ảnh 5.

Trạm xe điện ngầm Temple ở Westminster, London (Ảnh: Wikipedia).

7. Đầu chương 104, Brown miêu tả nhà thờ Rosslyn gần Edinburgh "nằm ngay trên đường kinh tuyến bắc-nam chạy qua Glastonbury".

Điều này không đúng vì tọa độ đường kinh tuyến của nhà thờ là 3:07:13 Tây, trong khi tọa độ của đồi Glastonbury là 2:42:05 Tây.

Những khám phá thú vị qua các sai sót chưa từng tiết lộ về Mật mã Da Vinci - Ảnh 6.

Nhà thờ cổ Rosslyn bên ngoài nhìn từ phía tây nam (trái) và bên trong (phải). Rosslyn được xây dựng từ thế kỷ 15 tại làng Roslin, Scotland (Ảnh: Slate).

Nhiều giả thuyết cho rằng đây là nơi cất giữ Chén Thánh, một bí tích Thiên Chúa giáo là cảm hứng chính cho Mật mã Da Vinci.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại